Ước Mơ Nhỏ - Tất cả vì trẻ em nghèo

Một thời và một người (tiếp theo)

Bài trước, tôi nói về nuối tiếc. Đúng thế! Tiếc vì nhiều lẽ. Cái tiếc đơn giản là tôi mất đi những phút ngồi cạnh gã trong một bữa ăn, trong một bàn cà phê để chém nhầu gió bão. Bởi, khi đã là người xuất gia, anh ta đã ở một cái giới hạn khác. Cái ăn của họ chỉ là duy trì sự sống để mà Hoằng Pháp chứ đâu còn nẩy ra vị giác để thưởng cái ngon, cái hấp dẫn đã từng. Giới của Tăng khiến chúng tôi chẳng còn bỗ bã. Tất cả sẽ thay đổi hết.

Trong hơn 10 năm qua, tôi chứng kiến đức tin của anh rõ nhất. Lời phát nguyện chân thành của Dũng 9 năm trước về đường tu đến nay chứng tỏ anh không bao giờ quay đầu. Y hệt như một người bước vào hẻm khe núi hẹp, họ đi và đi mãi chẳng quay đầu lại…

Tôi biết rõ, cầu xin bạn mình quay lại cũng là tham lam và tôi đã cầu xin, ngăn cản anh xuất gia. Thật lòng, tôi thấy cuộc sống nhà Chùa chẳng quí báu gì. Tôi cũng từng thấy các vị sư lớn vẫn sân si và ganh đua ngấm ngầm trước bàn Phật. Nhưng hình như đó là chuyện của họ, không phải của tôi. Trong cái lĩnh vực nhận thức bao la trời bể này, tôi chỉ có thể lý giải bằng hai cách. Cách phức tạp là tại tâm, tại lòng người và ý chí của họ. Ví như suy nghĩ của một chú chim sẻ thì không thể đem suy nghĩ ấy mà đánh giá cái ý chí của một Đại bàng. Thấy vậy nhưng chắc gì đã vậy! Cách lý giải thứ 2 giản đơn: đó là phần số, là căn mệnh!

Thế nhưng cũng có chút an ủi rằng: giữa tôi và anh ngoài đời nhiều kỷ niệm đẹp và sâu sắc. Rồi trong cái quan niệm Phật Pháp vô biên kia, chúng tôi từng thấy rõ như ban ngày rằng: có quả nghiệp! Hiểu chuyện về chuyển kiếp. Đã hơn một lần, hai chúng tôi nhìn một người ăn xin rách rưới gày gò. Trong cái chạnh lòng thì nghĩ về quả nghiệp, về tiền kiếp…và chúng tôi tự nhủ rằng hãy sống, hãy hành xử kiếp này làm sao để kiếp sau mình đừng phải chịu như vậy!!!

Trong sổ tay của tôi hơn 50 tuần trước, ghi lại lời Dũng dặn rằng: ngày 16/3/2021 là em xuất gia. Trước đó, ngày 13, 14, 15/3 có việc gì em làm nốt. Người viết bài này sợ ngày đó, mong nó đừng tới. Mà ngày đó tới nhưng bạn mình thay đổi quay đầu. Thế nhưng cái ngày đó đến, tôi không tới bên anh. Anh gửi cho tôi những tấm hình đang xuống tóc….

Ôi! Thế là bạn mình đi mất rồi. Vẫn biết, bạn làm Sư sẽ giỏi hơn làm chồng, làm anh, em. Nhưng hơn ai hết, tôi cam đoan rằng bạn ở ngoài đời sẽ hữu ích hơn vào Chùa. Nhưng đó là ý nguyện của bạn. Phần tôi, viết cho vơi đi sự hụt hẫng và giảm phần nỗi buồn thôi chứ chả thay đổi được gì. Cái tôi thương nhất vẫn là những cháu học sinh hơn năm nay mong chờ học bổng. Dịch giã trải ra thêm khó khăn cho bọn trẻ. Tôi tắt điện thoại, khóa zalo…bởi không có bạn tôi không thể trả lời các cháu dù là câu hỏi thăm sức khỏe. Dù không có chúng ta, những em học sinh và sinh viên mà chúng mình gọi chúng là Gia Đình Ước Mơ Nhỏ ấy vẫn ngày đêm tận lực, nỗ lực vượt khó để học hành. Nhưng có chúng ta, dù chỉ nụ cười, một chút động viên thì cũng thêm động lực cho họ. Rất buồn…

Cái tôi nhớ nhất lại là những kỷ niệm. Có lẽ, loạt bài bút ký cuối cùng này, tôi sẽ viết nhiều về những kỷ niệm. Tôi nghĩ ra chỗ nào viết gõ phím chỗ đó, không chỉnh sửa, không bố cục và cũng không cần sửa chính tả nữa. Có lẽ, tôi viết cho riêng tôi và…nếu bạn có phút giây nào rảnh mà trở về với Ước Mơ Nhỏ này cũng thông cảm cho tôi…

Có đi mới thấy những miền quê chúng ta nhiều nơi còn nghèo lắm. Nghèo thấy mà chạnh lòng tới se lòng. Nhìn những thân phận, chứng kiến những hoàn cảnh mới thấy cuộc đời mình còn đỡ lắm. Chúng tôi về Quảng Trị trao học bổng. Ai đời chỉ riêng huyện Hải Lăng thôi, số nghĩa trang liệt sĩ nhiều hơn bất cứ nơi nào có dân số tương đương vậy trên thế giới này. Nhìn vào danh sách gia đình ảnh hưởng chiến tranh và mất mát trong chiến tranh…ai cũng đau lòng.

Có một câu chuyện nơi đây mà chúng tôi cứ ngỡ chỉ có trong hư cấu. Ngỡ vậy vì không ngờ một học sinh lại có thể khổ cực như thế. Ngỡ vậy vì chúng tôi không thể nghĩ có một người thầy tận tâm vì học trò của mình như thế. Đó là trường hợp cháu Thiên Kim. Sau khi chúng tôi trao học bổng cho học sinh ở 3 trường xong, đứng cạnh cửa xe chúng tôi là một anh giáo gày gò. Như sợ hiểu lầm, anh giáo giới thiệu ngay anh là giáo viên ở đây, dạy ở đây. Anh đánh liều gặp chúng tôi giấu giếm thế này vì muốn xin cho một học sinh rất khổ cực một suất học bổng, dù biết danh sách đã ổn định và quà đã trao. Chúng tôi tìm hiểu, coi hồ sơ và quyết định gửi thày suất học bổng cho cháu Thiên Kim. Nhưng thày giáo xua tay bảo:” Các bác đã thương thì để em đưa cháu đến Huế cháu nhận trực tiếp và cảm ơn Ước Mơ Nhỏ”. Thế là, chúng tôi hẹn thày ở Trường Nguyễn Chí Thanh dưới Quảng Điền, Huế. Đồng thời, chúng tôi cũng nhờ các thầy trường Nguyễn Chí Thanh cho cháu Thiên Kim dự khán buổi trao học bổng ngày hôm sau.

Xuất hiện trước chúng tôi là một cháu bé ngăm đen và khắc khổ. Có lẽ nắng gió và sự bần hàn cơ cực đã làm cho cháu bé người se sắt lại và luôn nhìn xuống chân mình. Trên tay cháu là một túi bóng bề bộn hộ khẩu và học bạ, giấy khen… như muốn chứng minh hoàn cảnh. Hai thầy trò họ đến đây từ rất sớm và chờ đoàn chúng tôi đã lâu. Cô bé thì hỏi gì cũng nghẹn ngào. Rồi năm tháng qua đi, cô bé kia mỗi ngày mỗi học giỏi và bây giờ, bạn ấy đã là một cô giáo trên bục giảng. Cầu tiếp cho những sự tốt lành!

Là người gần gũi với Thọ Dũng, tôi biết rõ anh ta chẳng khá giả gì. Tôi cũng ái ngại mỗi lần Dũng gọi điện yêu cầu …lên đường! Bởi mỗi lần lên đường trao học bổng thì tốn khá nhiều tiền. Tiếng rằng vài trăm triệu thấy to nhưng khi rải vào những cái phong bì cho những suất học bổng thì chả thấm bao nhiêu. Tìm hiểu thì hình như kinh phí chủ yếu do bạn bè, cấp trên, cấp dưới hỗ trợ là chính chứ vận động quyên góp không nhiều. Cái buổi ban đầu biết Dũng, tôi thấy anh ta có đủ cả từ xe hơi, xe phân khối lớn, đồng hồ đắt tiền, nhẫn hột xòan…Nhưng cho đến cách nay khoảng 1 năm thì vắng hết chả còn gì. Đơn giản, nó được đi theo các suất học bổng. Rồi trong một lần thấy anh ta tâm sự:” Đời em bây giờ chỉ mong ước hai điều duy nhất trước khi xuất gia là Mẹ em mạnh khoẻ và em trả xong mấy khoản nợ…”.

Từ trong thâm tâm, tôi phải kêu trời lên rằng: một ông Chủ tịch Hội đồng Quản trị doanh nghiệp mũi nhọn, lương cao, bổng lộc chắc cũng có, các cơ hội làm ăn không thiếu, bạn hữu nhiều, gia cảnh cũng căn bản…mà sao lại có thể gặp khó khăn nhường ấy? Thế nhưng là người có chút biết về tướng số, tôi hiểu anh tốt tướng với đời nhưng của nả thì chả bao giờ giữ được. Đồng tiền trong túi người như anh chỉ chực nhảy ra.

Cách nay khá lâu, trong một lần cà phệ vào dịp Xuân, anh bảo:” Em còn 50 tuần nữa thì vào chùa. Em vui vì bây giờ mẹ em cũng bằng lòng cho em đi, không cản nữa!”. Sau buổi gặp này, tôi hiểu anh hơn. Dũng đã quyết từ lâu và nung nấu ý định đi tu. Anh có hẳn cả một chương trình hành động chứ không phải bột phát nhất thời như tôi vẫn nghĩ…

Nói cho ngay, về phía tình cảm anh em, tôi đã từng phân tích thiệt hơn, ví dụ xa gần hết lời. Tôi mang bà mẹ, những đứa con, những đứa em của anh ra mong ngăn cản chuyện đi tu. Tôi từng trực tiếp trao đổi với Hoà Thượng Pháp Tông chùa Huyền Không Huế hi vọng Sư tìm cách để anh với vai trò Hộ Pháp thì có lợi cho hệ phái hơn và Sư Pháp Tông đồng ý phân tích của tôi. Thế nhưng, hình như mỗi người có một phần số. Hình như Thọ Dũng có cái căn tu…Anh rũ bỏ hết và đã vào chùa bắt đầu một trang mới số phận. bao nhiêu đêm, khi chợt thức, tôi tự hỏi:” Liệu Dũng có hoà hợp được với hoàn cảnh mới không? Chỉ nội chuyện buông bỏ sở thích áo quần, giày dép và ăn uống cũng đã là những thử thách rất thực tế và đáng quan tâm rồi…

Ngày anh xuống tóc xuất gia, tôi không có mặt. Nói cho ngay, tôi không muốn nhìn thấy cảnh đó.  Không muốn bởi từ khi quen biết đến hệ phái Nam Tông, tôi đã dự và chứng kiến mấy lần những buổi lễ xuất gia. Những buổi lễ ngập tràn nước mắt của những bậc Cha, Mẹ và con em người xuất gia từ biệt nhau. Kể từ đây, sau những hành lễ bái biệt sinh thành, họ vào chùa và kể cả cách xưng hô với người thân cũng thay đổi. Tôi đã là bậc cha, là ông…tôi hiểu tâm trạng của bậc cha mẹ khi thấy con mình vuột khỏi tầm tay mình. Đứa con mất bao công lao, sinh thành và dưỡng dục không còn gọi mình là cha, là mẹ nữa mà nó là người của Tam Bảo, là người mang họ Phật. Tôi không nỡ chứng kiến phút chia ly mà chắc rằng Mẹ của Thọ Dũng sẽ là người buồn lòng nhất. Bà cụ vừa mất đi một người chồng vài năm, nay đứa con đầu lòng yêu thưong cũng bỏ bà lại để đi xa hơn. Viết những dòng này, tôi thực sự thông cảm, chia sẻ nỗi lòng của bà. Như một đứa em, tôi xin gánh đỡ bà chút ít đau lòng và cái trống trải đến vô cùng mà cuộc đời bà đang chịu…

Phần tôi, nói cho ngay, từ hơn chục năm qua, tôi tìm hiểu, viết và nghĩ về dòng Phật học Nam Tông. Tôi thực sự kính trọng từ các nhà sự đến cách nghĩ, cách Hoằng Pháp của hệ phái này. Tôi nhìn thấy những lý giải tinh tấn và những tâm hồn hỉ xả, hoan hỉ nơi đây. Tuy nhiên, với một cuộc đời đầy bụi bặm và thẳng đuột nông phu, tôi xác định mình chỉ có thể đi bên cạnh các Tôn giáo chứ không thể ép mình thành phật tử hay đồ đệ, tín đồ... của tôn giáo nào cả. Có thể nói xa hơn: Phật tại Tâm! Bởi lẽ, nếu làm Phật tử thì phải qui y Tam Bảo. Mà Tam bảo với tôi thì Phật là đương nhiên, nhưng Pháp và Tăng thì lòng tôi nếu có qui y cũng lận cận nhiều câu hỏi sạn. Chính vì vậy, tốt hơn hết hãy đứng ra bên cạnh với tất cả trân trọng và sự khấn niệm …Sathu lành thay!

Buồn thật! Thế là từ nay, tất cả những chuyến đi của chúng tôi chỉ còn là kỷ niệm. Những câu chuyện bông đùa, những vòng cua tay lái điệu nghệ cũng để lại phía sau.

Làm sao quên được những chuyến về miền A Lưới. Chúng ta ngồi hàng giờ nghe bà Anh Hùng LLVT Kal Đơm kể vể sự thiếu hụt. Nghe bà Kal Lịch kể chuyện dùng súng trường hạ HU 1A khi chúng nó đáp xuống A Sầu. Vui nhất là chuyến đi câu cá với Anh Hùng Hồ Vai. Rồi tìm Phong Lan rừng, theo trẻ em đi bẫy Chào mào A Lưới… Chúng ta reo hò như trẻ nhỏ. Chúng ta hát vang giữa rừng, giữa suối trong lẫn lộn những cơn say: say mây, say gió, say màu xanh, say rượu nồng và cả những cơn say xe choáng ngoáng…

Làm sao quên được những chuyến đi về Miền Tây yêu thương. Chúng ta tìm đến Kiên Giang – nơi có địa danh Hòn Đất Anh Hùng. Nơi ấy, người con gái Phan Thị Ràng bất khuất thành huyền thoại mà thân thế của chị được nhà văn Anh Đức viết thành tiểu thuyết mà chị Ràng là chị Sứ. Chúng ta đã đến chỗ cây dừa, nơi kẻ địch hành hạ chị. Chúng ta đã đến bên mộ chị Ràng và nghe chính cháu học sinh Thổ Sơn quê chị nói về phẩm chất kiên cường của nữ anh Hùng. Rồi chúng ta vượt mấy chục cây số dọc sông Tám Ngàn về nhà Mẹ Anh Hùng  Phạm Thị Khánh có chồng và nhiều người con hi sinh vì đất nước. Những khoảng khắc chờ Phà, vượt sông thơ thới bên những vườn cây trái Cửu Long. Em có nhớ không hai cháu Diệu Hiền. Hai đứa bé ngây thơ bé bỏng cha mẹ mất hết phải sống với ông Nội đang bị ung thư. Phận mồ côi lên đến bình phương cuộc đời. Hai đứa bé ngây thơ đẹp như thiên thần. Tôi với Dũng ứa nước mắt vì tiếc thay cho số phận. Nếu những thân phận này lọt vào gia đình có điều kiện hơn chắ cũng hơn ai đấy. Tôi nhớ Dũng đã xếp thêm một khoản tiền ngoài học bổng, gửi lại Công đoàn trường tiểu học nhờ giữ gìn và thu xếp đỡ các cháu phần nào. Và…nhớ nhất rằng đêm hôm ấy, chúng ta ngủ trong một cái nhà nghỉ không máy lạnh. Buổi sáng thức dậy, chân tay toàn vết muỗi đỏ tấy và trên nệm, những con muỗi no máu chả thèm cất cánh bay…

Rồi cái đận chuyến đi cuối cùng của anh Đặng Chung Hội, sau chuyến đi, anh qua đời vì ung thư biến chứng. Nhưng chúng ta đứng bên nhau, bên cạnh vị Hòa Thượng Pháp Tông đáng kính để ghi lại những khoảng khắc bên chùa…

Còn tiếp

 


Ông : Đăng Thọ Dũng
Emai: dangthodung@yahoo.com
Số TK  Ước Mơ Nhỏ - Đặng Thọ Dũng: 2009206008503
Tại: Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, Chợ Mới, Đà Nẵng 
                                                                                                                                                                                                

Sống là cho…
Triết học phương đông có câu: “Làm cho mình là làm cho cuộc sống, còn làm cho người là làm cho cuộc đời!”.
Với quan điểm nhân thiện, câu nói trên đã đi xuyên suốt lịch sử và làm nền tảng nhân ái của loài người. Đối với chúng tôi nó có một ý nghĩa cực kỳ sâu sắc...
  • Tin mới

  • Đọc nhiều nhất