Ước Mơ Nhỏ - Tất cả vì trẻ em nghèo

Đi Đài Loan tiếp theo

Phải nói nhanh là món Ngủ ở Đài Loan là khá nhất trong tất cả các món thiết yếu. Với một tour giá rẻ như tôi đang xài đây mà tối đến nhận phòng ốc rất ổn. So với đi Trung Hoa đại lục cùng giá bình dân thì thua cái ăn và hơn cái ngủ. Ăn thì có lẽ mình không đúng khẩu vị thôi chứ thấy món cũng nhiều nhiều…

Tất nhiên, do họ làm du lịch chuyên nghiệp nên mỗi khách sạn hay motel đều thấy tạo dấu ấn riêng. Với những kỷ vật có tính biểu tượng hay đồ chơi con nít xinh xắn thường mang dáng dấp khách sạn hay chí ít có logo của nhà nghỉ. Nhưng đừng có đùa mà vô tư nhét vào túi xách nhé! Khi họ kiểm phòng thì bạn hãy trả tiền vì cái đó không miễn phí. Mà đáng tội, giá hơi cao.

Bất kể nơi đâu và bất kể chỗ nào thì người ta cũng sẵn sàng giới thiệu và bán đồ lưu niệm cho bạn. Trên xe, hướng dẫn viên giới thiệu nhiều về những kỷ niệm vật và người cung cấp chính là bác tài xế. Với đa số người từng xê dịch thì không khó khăn gì dể nhận ra những chiêu quảng cáo dù họ rất lịch sự. Thế nhưng khi họ bảo mỹ phẩm Đài Loan hơn cả Mỹ, hơn cả những hãng nổi tiếng như Chanel, Lacome…vì có thêm mấy thứ đại loại nấm linh chi, tinh cốt trà, nõn đá núi lửa gì gì tôi nghe qua mang máng thì mấy chị chân dài chuyên xài đồ ngoại trên xe cười như nghé no vú mẹ. Thế nhưng cái vụ gỗ và tượng gỗ, mỹ nghệ gỗ, điêu khắc gỗ…thì tôi mê họ lắm. Những dụng cụ làm gỗ của họ rất chuyên nghiệp và sắc bén. Sự chuẩn bị của họ chu đáo và tiện lợi đến độ bản thân tôi dù chưa hề biết gì về môn này nhưng qua nhìn, được chỉ đẫn vài phút là tự tôi có thể manh nha làm được một tác phẩm ví như…thỏ ăn cà rốt, đĩa phong thủy hay ông địa beo béo. Dễ làm, gỗ thơm không thiếu, lõi, lu, lũa…thật nhiều nhưng sản phẩm bán đắt lòi. Tôi thăm dò chị hướng dẫn rằng họ có cho mặc cả không thì cô ấy bảo bên này không mặc cả nhưng từ khi nhiều khách Việt và Trung thì cũng có bớt chút. Tôi chả tin đâu. Minh chứng ngay khi tôi cầm bức tượng lu lên hỏi thì tay chủ quán bảo 1500, trả giá vài câu hắn chắc nịch 1200. Tất nhiên là tôi mua vì ông tượng cười tươi và gã chủ quán cùng với vợ cũng cười rất tươi!

Giá cả và món này nọ thì tôi sẽ kỹ hơn khi tới phần đi chợ và lang thang mua sắm. Nay tôi chuyển qua các điểm du lịch.

Nói là điểm du lịch là chung chung thôi. Bởi lẽ, chỉ vài điểm gọi là du lịch chứ hơn phân nửa, họ đưa mình vào những chỗ giới thiệu và bán sản phẩm mà cái gì cũng đắt lòi. Tất nhiên, du lịch giá rẻ (hay trợ giá giống đi Thái Lan). Cũng đáng tội nợ là vấn đề này cũng chiến thuật “Dùng người Việt gọi người Việt”. Tất cả từ hướng dẫn, giới thiệu, bán hàng…nhất nhất là phụ nữ Việt. Lảu tảu khảu một hồi cũng em Thái Bình hay em Cần Thơ đây các anh chị ơi!!! Đoàn mình đi mấy ngày rồi ạ? Thương lắm!

Vui nhất là cái chị Việt Phiên dịch cho lão chủ trại trà Ô Long trên núi, trước cái hùng hồn say đắm có phần bốc quá của ông chủ thì cô gái nhắc chừng:” Mày chém vừa vừa thôi!”. Lạ chưa? Bác mình hơi khựng lại và đài này phát sóng yếu hẳn đi chứ không thao thao như thật vừa mới rằng: Trà ô long nhà tôi pha đến nước thứ 8 vẫn còn thơm vàng và có tuổi như bác đây (chỉ tôi- viethoa) mỗi ngày uống 1 ấm thì đêm ngủ bà xã cũng còn khen khỏe!!!

Tất nhiên, khách được mời ngồi uống trà miễn phí thì nó chém gió là thường. Nhưng khi nghe sản phẩm trà ô long hắn nói giá cao gấp mấy lần ngoài chợ đêm hôm qua thì có họa là điên anh đây mới xuất xèng. Cao trào phét lác của ảnh đến lúc ảnh mở lòng mến khách bảo mua 2 tặng 1 và nhấn mạnh rằng trong trà của ảnh hái độ cao 1700 m/ mặt nước biển và uống vào da dẻ mịn màng thì mình phì cả nước mắt trong nụ cười. Coi giùm cái hình tôi chụp vội ảnh kìa: mặt thì sạm da như bà bán xăng thâm niên vỉa hè thời bao cấp quê tôi vậy mà sao hắn không uống chính trà của hắn cho da dẻ nó mịn màng bóng bẩy trong khi tuổi đời chỉ 4 chịch xuân xanh? Nói cho ngay, nếu không đi cùng đoàn và nể tình hiếu khách thì với vốn ngay thẳng mình sẽ quyết: Đủ rồi! trả dép bố về! như mấy chục năm trước ở quê đi coi chớp bóng hay văn công quần chúng ngoài bãi hay sân phơi HTX thấy không hay ho là xỏ dép đứng dậy. Nhưng đi đoàn giỡn sao? Phải theo đàn!

Rồi trong đoàn cũng có một vị thuộc dạng “xài tiền không phải nghĩ” mua vài gói đóng thùng. Vui vẻ cả làng!

Phải nói cho luôn là đất nước Đài Loan diện tích bằng khoảng 1/3 Việt Nam và địa điểm du lịch thật hoành tráng, kỳ vỹ, tự nhiên không nhiều. Đặc sản của họ nhiều nhất là núi đá. Mà lạ, núi có chỗ hàng ngày mọc lên. Những dòng sông mùa cạn trơ đáy bao la những viên cuội khổng lồ xếp lớp xa tít tắp. Hướng dẫn bảo rằng: đá núi do động đất hoặc mưa bão xói mòn đổ xuống lâu ngày thành như vậy. Thế ra, đất đai canh tác của họ cũng không nhiều. Nhưng mỗi khi chúng tôi đi qua những vùng đất canh tác được thì cây cối thật mỡ màng, ngay hàng và thẳng lối. Tôi thích nhất những hàng cây gạo bên đường và xa xa trong thôn xóm họ. Mùa này, hoa gạo đơm đỏ rực và những kẻ như tôi thấy hoài niệm nhớ xưa kia đến nao lòng. Bây giờ, chắc chả còn bao nhiêu cây hoa gạo ở vùng đồng bằng Bắc bộ nữa. Có chăng thì lại ngược trung du và rừng Bắc và Tây Bắc!

Chúng tôi đến một nơi gọi là Phật Quang Sơn! Đây là một trong 10 ngôi chùa lớn nhất thế giới (Mợ hướng dẫn bảu thế). Người Đài xây ngôi chùa này ròng rã 9 năm và trải qua gối đầu đời Tổng Thống. Nó oai đến mức đích danh Tổng thống Mã Anh Cửu cắt băng khánh thành năm 1967. Đến Phật Quang Sơn là thấy ngay quan niệm Phong Thủy hiện diện mạch lạc rõ ràng. Cái khu chùa rộng tới cả trăm ha này sau lưng là núi (Huyền Vũ) và trước mặt là sông Bình Khê (Chu Tước). Tả Thanh Long, Hữu Bạch Hổ.

Coi, 4 bảo tháp hai bên lối đi mênh mông chắc tượng trưng cho Bát Chánh Đạo. Oai nghiêm nhất chính là Đức Phật ngồi cao sừng sững đến 108 mét (chín nút) nghe nói đúc bằng đồng. xung quanh là 4 chánh giác tháp.

Bên ngoài là con đường Phật Đạo đến quảng trường Bồ Đề và Chánh Quán, Bên trong là nơi trưng bày văn vật Phật giáo, Tàng kinh lâu, Tập hội đường và Mỹ thuật quán. Đặc biệt, nơi đây được giới thiệu trữ 100 vạn bản Tâm Kinh do hàng trăm người sao chép tay.

Vài tiếng đồng hồ ít ỏi, chúng tôi không thể đi hết hơn 20 tòa chính điện, lầu, vườn hoa. Những ấn tượng và cảm nhận, cảm xúc của mỗi khách chúng tôi thì sự ngưỡng mộ là đặt lên hàng đầu. Sự qui củ nhưng hoành tráng tôn nghiêm; thái độ trọng thị và niềm nở; sạch sẽ và thông thoáng; lãng mạn nhưng tỉ mỉ đến từng gờ đá gốc cây. Điều đáng cảm phục hơn là không thấy thùng công đức (hay có mà mình ko để ý). Tuy nhiên, nếu bạn muốn cúng dường hay ủng hộ cầu phước thì nơi đây sẵn sàng. Chớ tịnh không có cái khoản dán tiền lẻ vào đít tượng hay nhét hối lộ khe tay…

Gỗ! nổi bật ở đây tôi lại thấy là Gỗ và Đá. Rất ấn tượng và tôi không biết tả thế nào vì có những cái mà người ta yêu cầu không chụp hình. Mà cái thằng tôi, viết không có hình mà viết theo trí nhớ thì hay quên hoặc không chính xác!

Nơi tiếp theo là đến Đầm Liên Trì. Cái đầm này chúng tôi đến ngó là chính. Trò gam sô tôi chưa bao giờ thấy vô duyên và tẻ nhạt hơn chính là người ta bảu xoa cái con cóc đá hay con gì đó vuốt qua vuốt lại ước cái gì rồi khum tay bỏ vào túi ra điều ăn rồi! Tới lượt tui, mình nghĩ cái giải xổ số Việt Lốt xứ ta đến vài trăm tỷ đồng rồi chưa ai trúng. Thế là nhà cháu xoa và vuốt (miết mạnh) cầu trúng cái giải Việt Lốt kia mở đường khai thêm học bổngUMN  rồi mình ăn chơi nhảy múa cho hết tuổi già. Nhưng cái vô duyên chính là về nhà ít ngày sau thì có…kẻ khác trúng mất roài!

Chỗ này, người ta cũng làm lối đi theo kiểu Tả Thanh Long (đi vào miệng Rồng) rồi đi ra miệng Hổ…

Gần cuối ngày thì đến đoạn tiếp thị du lịch vốn dĩ tour nào cũng có là đến nơi làm bánh dứa và có thể trực tiếp tự tay làm bánh của mình. Xem ra, món này đỡ phô nhất và thực dụng y hệt cái nơi dạy tạc tượng gì đó. Mình có mất thời gian nhưng được trải nghiệm (nếu là phụ nữ) chọc ghẹo chị em (nếu là đàn ông) trong một cái phòng máy lạnh rộng mênh mông. Có lẽ, chúng tôi dừng chân hơi lâu vì sau khi tự làm bánh, đánh số còn đợi nướng chín.

Sau khi cầm hộp bánh của mình (miễn phí nha, ai mua tính riêng) thì chúng tôi được đưa đến cái ga tàu điện ngầm Fomosa. Nghe cái tên Fomosa tôi đã thấy không sướng. Không sướng bởi nhở đến cái vụ xả thải năm trước ở Hà Tĩnh cũng do cái tập đoàn trùng tên này gây ra. Nhưng đoàn đi thì phải theo thôi. Đặc biệt, sang đây có ai muốn tự túc hay tự do đi một tý cũng không được vì cậu hướng dẫn Việt Nam nó giữ hộ chiếu của mình chặt lắm. Thì ra, có những người từng rẽ ngang rồi ở lại bên họ làm thuê hoặc gì gì tới hết 1 tháng visa mới về, bỏ tour luôn. Những người vậy họ cũng tính toán kỹ lắm. Ngày công lao động bên xứ này rất cao. Cô bé trồng và hái chè trên lưng chừng núi khoe rằng nếu chăm nhỉ dậy sớm, hái chè khoán thì một ngày bạn có thể thu nhập đến 4,5 triệu đồng Việt Nam. Coi nào: vé máy bay về cứ cho là 5 tr; tour Đài Loan bỏ ngang vốn khoảng 12 tr, nhưng họ có thể lao động cật lực trong vòng 20 ngày. Vị chi là gần trăm chai, trừ nọ kia đi cũng dằn túi lên máy bay vài chục triệu mà chả cần đóng thuế đóng má chi hết. Công việc a? Cũng sẵn! Nhưng đương nhiên là có bạn bè, người thân đã cắm sẵn bên này, họ ghé tới là có việc ngay chứ bơ vơ đất khách là không đâu nhé! May mắn nữa, trong vài chục ngày làm việc ấy được mai mối cho anh già nào rủng rỉnh mà góa vợ thì hứa hẹn đánh đường dạm ngõ được làm dâu. Thơm hơn nữa, ông chủ nào đấy nữa..!!! Tặc Tặc! chả gấp ngàn lần đầu gối tay ấp một chú phụ hồ hay thợ ngõa bạc mặt ngày vài trăm bọ lại gia trưởng, cuối tuần say xỉn lè nhè???

Xin kể luôn chuyện sáng hôm sau trước khi kể chuyện đi chợ tối nay nhé. Sáng hôm sau, chúng tôi tỉnh dậy kéo vali ra cái vườn motel đẹp và rộng rinh. Theo cánh tay chỉ của một nữ trong đoàn, tôi nhìn về phía hàng ghế đá góc vườn thì thấy 3 ông anh tóc bạc, da mồi hơn tôi nhiều. Đối diện là bà già và mấy cô gái Việt đang nhỏ nhẹ nói rồi chầu hẫu nghe cô phiên dịch. Thì ra, đây là một cuộc giao lưu (gọi là coi mắt cũng được) còn trong vòng bí mật của có thể một tìm hiểu hôn nhân. Nhìn gã đàn ông hơn tuổi tôi dùng mắt lục soát từng vòng 1-2-3 của cô bé gái chưa đầy 20 tuổi kia tự nhiên tôi thấy ác cảm và ghen tức pha cả niềm tiếc rẻ! Tôi ghen tức vì hắn già hơn mình mà lại có điều kiện thích gái hơn mình. Ác cảm vì cái nhìn của các lão nó không phải tình yêu hay tình cảm nhất thời đam mê mà cái ánh mắt đang cân nhắc, xét nét một món hàng. Tất nhiên nó có tiền và có điều kiện, nhưng cái nhìn đếch ưa được! Còn sự tiếc rẻ thì đã chiếm hơn nửa cảm xúc vì phải chi đàn ông Việt các anh em chưa vợ giỏi giang hơn, kiếm tiền lo cho gia đình được nhiều hơn; bớt nhậu, bớt đánh đập ngược đãi chị em; biết chiều gái, biết galant hơn…thì với 2 cái đầu của mỗi người mang trình độ 3.0 đến 4.0 của anh em, đố lọt ra ngoài biên ải em gái nào như kia. Tiếc cái là đa phần anh em …thôi bỏ! (Nói thêm bực).

Ấy là cái bụng một thoáng nghĩ vậy chứ tiên quyết thì mình vốn tôn trọng ý chí cá nhân người ta. Ấy là họ có mục đích dấn thân như vậy thì kế cũng đáng cảm phục và khen. Chứ vài cô chân dài, eo nhỏ quê ta sau danh hiệu thi thố gì gì còn kém xa. Mà của đáng tội, được sống và sinh hoạt (bình đẳng) trong cái môi trường sạch, yên tĩnh và tôn ti luật pháp thế này cũng đáng bỏ công vất vả chứ đừng nói hay hay dở của phường giáo huấn lý thuyết suông!

Hình ảnh:

Đội chúng tôi đi hái chè

Bố cháu chém ác!

-------

Phật Quang Sơn

Đầm Liên Trì

------

Tập làm bánh

-----

Ga tàu điện ngầm Fomosa

Còn nữa

Ông : Đăng Thọ Dũng
Emai: dangthodung@yahoo.com
Số TK  Ước Mơ Nhỏ - Đặng Thọ Dũng: 2009206008503
Tại: Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, Chợ Mới, Đà Nẵng 
                                                                                                                                                                                                

Sống là cho…
Triết học phương đông có câu: “Làm cho mình là làm cho cuộc sống, còn làm cho người là làm cho cuộc đời!”.
Với quan điểm nhân thiện, câu nói trên đã đi xuyên suốt lịch sử và làm nền tảng nhân ái của loài người. Đối với chúng tôi nó có một ý nghĩa cực kỳ sâu sắc...
  • Tin mới

  • Đọc nhiều nhất