Ước Mơ Nhỏ - Tất cả vì trẻ em nghèo

Đa cấp bài 2: Bức thư sinh viên và chiêu trò của nhiều công ty đa cấp

Đây là bức thư gửi cha của một nữ sinh “trót dại” nghe theo một tổ chức bán hàng đa cấp để rồi bây giờ mất trắng 10 triệu đồng.
Những ngày qua trên cộng động mạng, bán hàng đa cấp lại trở thành một chủ đề được bàn tán xôn xao, khi thêm một tổ chức bán hàng đa cấp vừa bị các cơ quan chức năng buộc đóng cửa. Việc này đã khiến nhiều thành viên của công ty rơi vào tình trạng hoang mang và túng quẫn vì bị mất trắng.

Trên Facebook Việt Nam đã lan truyền một bức thư gửi bố của một nữ sinh Hà Tĩnh mất trắng 10 triệu đồng vì trót nghe theo tổ chức đa cấp này.

Bức thư đầy xúc động và hối hận với tiêu đề “Cha ơi, con xin lỗi” của em gái đã khiến cư dân mạng xôn xao. Bức thư được bạn đó viết tay với dòng chữ nghệch ngoạc thể hiện tâm sự cay đắng khi nhận ra mình bị lừa bởi bán hàng đa cấp. Điều đáng buồn và cũng đáng trách hơn nữa là vì “trót” ôm mộng làm giàu bởi bán hàng đa cấp mà bạn sinh viên này đã bở lỡ cơ hội tốt nghiệp đại học.
Xiin đăng nội dung bức thư như lời cảnh tỉnh đối với các bạn trẻ ham làm giàu:

Cha ơi! Con xin lỗi.
Ba năm đi học xa nhà, con luôn tự bảo mình phải cố gắng. Con chưa bao giờ dám làm gì để cha mẹ, anh chị phải buồn, phải lo lắng. Vì gia đình mình nghèo, 6 anh chị em chỉ mỗi mình con là được ăn học đàng hoàng. Cha mẹ phải tích cóp từng đồng cho con ăn học. Khi con sắp làm khóa luận tốt nghiệp, cha mẹ đã không ngại khó, ngại khổ mà gom góp gửi cho con hơn 10 triệu để mua máy tính, không bao giờ con dám tiêu dù chỉ một đồng.
Vậy mà, một phút nhẹ dạ cả tin nghe những lời hứa hẹn, dụ dỗ ngon ngọt của anh chị trong (...) chi nhánh Hà Đông, con đã lấy số tiền đó để mua ba gian hàng với hi vọng là sẽ kiếm được tiền phụ giúp cha mẹ.
Từ khi biết mình bị lừa, con không biết đối diện với sự thật này thế nào nữa, 10 triệu với gia đình mình là khoản tiền lớn. Con lo lắng, bồn chồn không yên. Con không chú tâm vào việc học được nữa. Mỗi khi cha mẹ hỏi sao con chưa mua máy tính con chỉ biết nói dối rằng khi nào thật cần, con sẽ mua.
Con thấy càng ngày mình càng nói dối nhiều hơn, đến khi không giấu được nữa con nói ra tất cả, nhưng bây giờ không ai tin nữa rồi. Anh chị cho rằng con đã tiêu khoản tiền đó vào một việc khác.
Cha buồn, không ngủ được, gọi điện cho con cha chỉ hỏi: “Răng con lại làm rứa. Tiền thì cũng đã mất rồi, nhưng lòng tin và nhân cách con người, một khi mất đi là không thể lấy lại, thử hỏi bây giờ răng mà cha mẹ, anh chị dám tin con nữa”. Con chỉ biết im lặng, con cố kìm nén, con không dám khóc, chỉ đến khi cúp máy con mới òa khóc như một đứa trẻ.
Cha biết không? Ai đánh đập, chửi mắng con cũng chịu được, nhưng con không thể chịu được khi nhìn thấy cha mẹ buồn, khổ vì con. Hôm qua, vừa biết tin con không đủ điều kiện được tốt nghiệp, con chưa dám nói với cha. Làm sao con có thể chịu được hai cú sốc này cùng lúc?.
Cha ơi! Con muốn xin lỗi cha, xin lỗi gia đình mình thật nhiều, nhiều lắm. Con xin hứa với cha mẹ, giờ con sẽ làm lại từ đầu, con sẽ tiếp tục học để sớm tốt nghiệp. Cha mẹ! Tin con một lần này nữa thôi, nhất định con sẽ làm được.
Những ai đang tham gia (...), xin các người đừng nhắm vào các sinh viên nghèo như chúng em nữa, tội lắm. Mỗi lần về quê, chúng em mang theo củ khoai, cân gạo của gia đình trong đó là cả niềm hy vọng, sự tự hào của cha mẹ. Chính các người đã cướp đi ước mơ, làm mất đi tương lai tươi sáng của hàng trăm sinh viên nghèo. Mong cơ quan chức năng bắt hết bọn chúng, để không còn ai phải khổ như em và gia đình em nữa.

Cao Thị Diệu, Hà Tĩnh”

-------------------------------

Những chiêu săn “gà” của công ty bán hàng đa cấp

Lợi dụng tâm lý thích kiếm nhiều tiền, công việc nhàn nhã mà không phải bỏ nhiều vốn của nhiều người, các công ty bán hàng đa cấp (BHĐC) đã có rất nhiều chiêu trò lừa gạt nhằm mục đích thu lợi nhuận. Mặc dù các phương tiện truyền thông đã nhiều lần cảnh báo nhưng không ít người vẫn trở thành nạn nhân của hình thức kinh doanh kiểu này...
Đối tượng BHĐC hướng đến thường là các bạn sinh viên của các trường đại học, cao đẳng, nhất là sinh viên năm thứ nhất. Bởi lẽ, những “gà” này vừa chân ướt, chân ráo vào trường chưa có nhiều kinh nghiệm nên việc lôi kéo sẽ dễ dàng hơn.
Trên thực tế, có đến 1001 cách để BHĐC đưa ra nhằm dụ dỗ sinh viên. Họ đến tận trường, lớp, mời bạn tham gia một cuộc hội thảo nào đó. Kèm theo lưu ý số lượng chỗ ngồi có hạn nên phải đăng ký trước. Mỗi người chỉ được dẫn thêm 1 người duy nhất. Cũng có khi họ đóng vai là những người tuyển dụng lao động. Cửa hàng, công ty của anh, chị đang cần tuyển nhân viên bán hàng trong 1-2 ngày khuyến mại. Công việc cần các bạn sinh viên trẻ, nhiệt tình, nhanh nhẹn. Mức lương 100-150 nghìn đồng/ca. Vậy là với chiêu thức này họ đã dần tạo được hứng thú với khách hàng.

Không chỉ dừng lại ở việc chào mời bằng miệng, nhiều cá nhân BHĐC còn lắm chiêu trò hơn khi mạo danh là chủ công ty, cửa hàng bán sách, bán vé máy bay với nhiều địa chỉ khác nhau, tên tuổi khác nhau nhưng lại có chung 1 số điện thoại liên lạc. Khi đến phỏng vấn chỉ cần mang theo chứng minh thư chứ không cần bất kỳ giấy tờ nào khác. Còn nếu bạn liên lạc trước cho những số điện thoại này, câu hỏi đầu tiên sẽ là: Em sinh năm bao nhiêu?”. Tiếp đến mới là những câu hỏi khác liên quan đến quê quán, trình độ học vấn… Những công ty đó đa phần là có thật, chỉ khác là địa chỉ công ty không phải là địa chỉ công ty sách mà là cơ sở của công ty BHĐC. Tên trưởng phòng nhân sự theo như thông tin đăng tải trên mạng cũng chỉ là của 1 nhân viên BHĐC nào đó.

Tới bất kỳ cơ sở nào của mạng lưới BHĐC ta đều có chung một nhận xét: họ ăn mặc áo trắng sơ-vin, đi giày da rất lịch sự. Chỉ cần phát hiện có một người lạ tới là họ lập tức ra bắt chuyện, làm quen, giới thiệu về công ty rồi thêm vào đó là món tiền kếch xù kiếm được khi gia nhập công ty (100 triệu đồng/tháng là chuyện bình thường). Nếu thấy “gà” có vẻ quan tâm, họ sẽ đánh vào tâm lý như: thu nhập cao, không cần vốn nhiều, thời gian làm việc ít và làm lúc nào cũng được.

Nguyễn Thanh Loan - sinh viên Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội chia sẻ: “Trong lần đọc thông tin trên mạng thấy công ty ở chỗ Từ Liêm đang cần tuyển nhân viên bán hàng nên mình cũng mang hồ sơ đến để xin việc. Ai ngờ khi đến thấy hàng chữ TNM… to tướng ở cửa ra vào. Họ tư vấn cho mình đủ thứ. Phí khi gia nhập là 3 triệu để mua 1 sản phẩm của họ. Trong đó bao gồm cả tiền cho mình tham gia học các lớp kỹ năng mềm. Khi nói không đủ tiền họ bảo mình về xin thêm gia đình, vay bạn bè, cắm xe, bán điện thoại…nếu không thì họ có thể cho vay một ít. Đây là cơ hội rất tốt để làm giàu, không nên bỏ lỡ. Từ lần đó mỗi lần đi xin việc mình cẩn thận hơn rất nhiều".
Trong hình thức kinh doanh BHĐC, những thành viên cấp cao sẽ tồn tại lâu dài nhờ những người mới đến giới thiệu những thành viên mới hơn để họ giở mọi mánh khóe lôi kéo. Còn những thành viên mới chỉ tồn tại được đến khi hết tiền, hết bạn bè để giới thiệu cho cấp cao. Khi gia nhập mạng lưới BHĐC, nhiều người đã phải chịu cái giá quá lớn như mất tiền của, làm rạn nứt mối quan hệ với người thân, sao nhãng việc học hành vì phải dành thời gian đi thuyết phục người khác mua sản phẩm, gia nhập thành viên mới của công ty BHĐC để được hưởng lợi nhuận.
BHĐC là tốt hay xấu thì có lẽ trong mỗi chúng ta đều có những quan điểm riêng cho mình.

Điểm chung của các công ty bán hàng đa cấp một thời  là vẽ một viển cảnh tươi đẹp !

đa phần là họ dụ bạn vào rồi bạn sẽ thành một zombie trong hệ thống mạng đen của nó. Nhưng những người đang khát khao có một công việc, kiếm tiền... thì cơ hội đến dù là mong manh nhất họ cũng nắm bắt !

Đó là lý do những công ty bán hàng đa cấp đều tìm sinh viên, loại đa cấp vỗ ngực đàng hoàng, bền vững thì đánh dân thành phố (có vẻ tinh vi và viễn cảnh kinh doanh bền vững). Loại chụp giựt, thô thì đa phần là đánh vào sinh viên ở tỉnh, quê và khu vực miền Bắc.

Một điều tiên quyết là mua hàng ở những công ty đa cấp, thì cửa gì bạn cũng lỗ !

Phân tích về loại công ty ra vẻ căn bản và kinh doanh bền vững trước:

Thường khi vào những công ty này, "bài" đầu tiên họ tư vấn tiếp cận với bạn là gì: Là công ty không phải trả tiền quảng cáo và vì vậy bạn mua hàng ở công ty với giả rẻ mạt luôn!

Xin thưa, bạn cũng biết rồi, luật nhà nước mà những công ty đàng hoàng, chi phí quảng cáo chỉ khoảng 10% theo luật và xê dịch lắm là lên tới 20-25%. Như vậy thì dù cho tiết kiệm mấy đi nữa món hàng cũng không giảm quá nhiều. Bởi vì nguyên vật liệu đầu vào có giá của nó, chi phí sản xuất, nhân sự ... có giá của nó, bán thấp thì lỗ mà bán cao thì chả ai mua!

Nhưng những công ty bán hàng đa cấp lại nói khác, họ giảm cho bạn từ 40 % đến hơn thế nữa !
Chỉ có một cách : Đó là khống giá sản phẩm! Những công ty bán hàng đa cấp khống để có tiền xoay vòng. Họ phải hoặc là bán hàng chất lượng kém để vốn thấp hơn hoặc là đẩy giá thành cao hơn để con số giảm giá nghe hấp dẫn hơn. Nếu không thì tiền đâu mà xoay cả một mạng lưới WOM đó (truyền miệng)

Nên cuối cùng, có thể bạn vẫn sở hữu một món hàng có chất lượng trung bình hoặc khá, số tiền bạn phải trả vẫn không thua một món hàng bình thường khác ngoài thị trường.

Với suy nghĩ này, bạn nghĩ bản thân bạn vẫn lời chán, vì bán nhiều thì bạn vẫn thu được lại. Nhưng vấn đề ở chỗ đó, rất khó để bạn bán được nhiều sản phẩm và nếu bạn thất bại, thì số tiền vài trăm ngàn đăng lý để được làm thành viên, cũng đủ để phía công ty mỉm cười. Họ chả mất gì, một tí nước bọt. Còn bạn thì mất tiền và trong thời gian quằn quại, bạn đã làm marketing cho họ - WOM - level marketing cao nhất - Một cách hoàn toàn miễn phí
Khi đã nhận ra mình phí thời gian, bạn sẽ tự an ủi mình là cái vụ này chẳng qua là bỏ chút vốn để học "khôn" thôi! Nhưng từ trong tâm khảm, đó là một nỗi đau của trí thức bị…lừa!

Giờ đề cập đến loại hình đa cấp thô thiển và bất nhân (gọi vậy vì loại hình đa cấp này không coi  tình người là gì hết)
Loại này trong đầu họ chỉ nghĩ một chuyện thôi, làm sao dụ nhiều "zombie" vào mô hình càng tốt ! Lợi nhuận của nó là hàng siêu luôn, gồm 2 loại :

1- Chi phí bạn join vào công ty
2- Chi phí bạn mua hàng/ bán hàng
Thường mấy chi phí này không ít, tệ cũng vài trăm ngàn đến cả triệu đồng. Ví dụ mua cái máy lọc nước 4-5 triệu (nhưng cái máy giá chỉ khoản vài trăm đến 1 triệu, hàng China chắc còn bét hơn !)
Cái này khi đã dính vào thì thôi rồi, khỏi phân tích chi cho tốn time, mình sẽ chỉ nói tại sao khi người ta dính vào lại khó rút ra được.

Có 2 loại người lao vào mô hình đa cấp:
1 là vào vì được rủ rê và nói chung là vô công rỗi nghề. Vô công rỗi nghề không phải ý nói thất nghiệp, không có gì làm chỉ ở nhà ăn bám thôi nhé. Mà là sinh viên cũng thuộc dạng này, bạn biết rồi, chương trình giáo dục thì nhàm chán, sinh viên lại mong muốn có việc làm thêm, kiếm được tiền, thành công sớm để chảnh với bạn bè, hoặc chỉ đơn giản là để khoác lên mình cái áo vest giống cái anh trong công ty đa cấp kia, với cái mác tự xưng là làm tháng cả chục triệu

Hoặc các mẹ, các chị, ở nhà không không làm gì hoặc suốt ngày làm chuyện đồng áng, đi chợ và cơm nước. Nay có một hình thức kinh doanh hái tiền rất nhẹ nhàng và nghe đâu bà Tám cò xóm bên mới được công ty cho đi du lịch ở Thái về nữa. Thế là các mẹ và các chị lao vào để chứng minh cho hàng con cháu và hàng xóm rằng "Tôi vẫn còn chạy tốt chán nhé !"

Loại 2 là loại hy vọng vào công ty này kinh doanh có bài bản, không lừa đảo, mô hình đa cấp chân chính ! Tức là vào những công ty đa cấp loại 1 ( kiểu tinh vi hứa hẹn bài bản đã nói ở trên )

Cả 2 loại đều có một điểm chung là hăng hái và không xin việc được ở những công ty phù hợp hoặc cơ hội tốt hơn ở thời điểm đó không có, và việc gia nhập công ty đa cấp là sự lựa chọn tốt nhất đối với họ.

Với yêu cầu hiện nay, đi làm phải có kinh nghiệm, nhiều người thậm chí chọn công ty đa cấp làm "ngồi trường đời" để rèn luyện mình nữa (Chả biết có rèn được gì không, nhưng đa phần những ai lậm vào nó mà ra đi thì đạo đức nghề nghiệp coi như rệu rã cả! Có khi họ đang lừa dối người thân họ mà họ không biết, ví dụ như công ty HE... gì đó, một chai thuốc giảm cân hoặc tăng cân giá cả vài triệu lận. Nhưng nhờ quảng cáo rỉ tai là loại thuốc đặc dụng nên ít ai nghĩ về nó)

Marketing - Sale có đạo đức nghề nghiệp của mình, đó là không bán láo và gây hiểu nhầm, ngộ nhận với người tiêu dùng nhé (Lạc đề chút, như vụ Huyền Chíp, cái tiêu đề 700$ du lịch vòng quanh thế giới đủ gây hiểu nhầm với mọi người. Cô gái trẻ du lịch hơn hai chục nước trên thế giới . Nhưng mà thấy VISA có những nướma2em quá cảnh đúng 1 ngày. Vậy mà....! Kiểu này thì chỉ cần đi Mỹ - VN, quá cảnh ở đâu cũng được tính là "Tôi đã đi nước đó".  Em gái chém vụ du lịch thật bá đạo!)

Mà thôi, quay lại chủ đề, về vụ mấy nhân viên trong bán hàng đa cấp "thuyết phục" các bạn sinh viên hoặc các bạn trẻ non nớt và các chị, các mẹ ra sao thì đơn giản thế này:

- Là họ thuộc bài:
Bài thuyết trình về đa cấp nó càng dài, nó càng lằng quằng bấy nhiêu thì khả năng người nghe nghệch mặt ra để nghe càng tốt bấy nhiêu. Đơn giản thôi, đa phần khi tranh luận một vấn đề nào cũng vậy, kiểu trả lời hay trình bày không đúng trọng tâm, lan man một vòng xong quay lại vấn đề chính luôn buộc người nghe bị dẫn dắt theo câu chuyện mình muốn. Nhất là ở trong không gian là cái phòng và buộc phải nghe thằng đang nói, vì không thì làm gì bây giờ - Đúng nghĩa nhồi sọ theo nghĩa đen luôn.

- Viễn cảnh và người thật việc thật:
Cái này phải mặt dày và tự tin chút mới làm được, đó là lý do tại sao các anh chàng bán hàng đa cấp luôn mặc vest hoặc ăn mặc trong rất nghiêm túc. Một phần là để tăng độ tự tin của bản thân, và một phần là để lấy lòng tin của người nghe (rằng tôi đang nghiêm túc lắm đấy nhé !)

Sau đó là vẽ viễn cảnh, dẫn chứng bằng chính bản thân hoặc 1 anh chị nào đó trong nhóm, kiểu anh kia mới vào thu nhập 20 triệu, hay em thu nhập 10 củ tháng ...bla bla

- Số đông: Bạn ít thấy vụ thuyết trình nào của bọn đa cấp mà không ỷ vào số đông nhé. Thường thì quân xanh đứng ngoài vỗ tay, bảo "Đúng rồi!", hoặc khóc lóc, cảm xúc, tình nguyện ... rồi  cả đám kia lao vào đăng ký...
Cái này họ lợi tâm lý hùa theo số đông của người Việt. Vậy mà đàn cừu bị dẫn dắt có thể đến sục sôi…
Chỉ cần 3 chiêu này, ngay lập tức có khối khối người sa chân lỡ vận dính vào

Còn mấy bác mà tranh cãi với dân đa cấp thì sẽ gặp vụ này :
1- Nói chuyện vòng vo, dẫn dắt
2- Sau khi họ nói xong, họ thường nói:"đúng không ạ?" "đúng không?", đây là cách để người nghe bị thuyết phục, vì khi nghe xong một câu, bạn đang suy nghĩ lại về câu đó thì đã bị từ "đúng không" này nó ngắt dòng suy nghĩ, và sau đó lại phải tiếp nhận một câu khác, nội dung khác…

He he, kết quả là tư suy chậm như người lớn tuổi và non nớt như mấy bạn sinh viên thì chỉ có dính chấu liên hoàn
3- Trích dẫn câu thành ngữ, tục ngữ, trích dẫn chuyện của các nhân vật nổi tiếng (nhưng thường nói sai hoặc hoàn cảnh không đúng để có lợi cho họ) hoặc ví dụ với một nhân vật nào đó mà họ chế ra hoặc dùng mấy kiểu câu vô thưởng vô phát như :"Người ta thường nói ..." (ai nói, những ai thường nói ?!? ). Vui hén!
4- Nói gì thì nói, vẫn phải có câu trả lời, dù câu trả lời đó có nhảm hay lạc để đi nữa thì dân đa cấp vẫn thường bụp chát ngay sau khi nghe câu đối đáp của đối phương (Gọi chung là dạng cãi cùn vẫn phải cãi ấy)
Tóm lại, những chiêu trò ma mị trên một thời đã đẩy không biết bao nhiêu thân phận vào nước mắt, hối hận, nuối tiếc và thậm chí căm hờn…

Việt Phương

-------------------------------

Bài tiếp theo, chúng tôi sẽ gửi những dòng thư, dòng tâm sự của 3 cá nhân đại diện cho nhân viện từng làm việc (hay vướng vào) công ty đa cấp nổi tiếng

Một số tập đoàn đa cấp bị xóa sổ mới đây:

Bộ Công an đã khởi tố 12 người là lãnh đạo của Công ty CP đầu tư Tâm Mặt Trời (trụ sở đường Sông Đà, Q.Tân Bình, TP.HCM) và Công ty CP đầu tư thương mại dịch vụ Cộng Đồng Việt (trụ sở đường Tân Sơn Nhì, Q.Tân Phú, TP.HCM). Thống kê sơ bộ, nạn nhân của 2 tập đoàn này là gần 270 ngàn người, tổng số tiền chiếm đoạt là 523 tỷ đồng.


Công an TP.HCM khởi tố 2 lãnh đạo của Công ty CP đầu tư Du lịch Việt (trụ sở đường Bùi Thị Xuân, Q.Tân Bình, TP.HCM), với hơn 10 ngàn nạn nhân, số tiền bị lừa hơn 12,6 tỷ đồng.

Liên Kết Việt

Ông : Đăng Thọ Dũng
Emai: dangthodung@yahoo.com
Số TK  Ước Mơ Nhỏ - Đặng Thọ Dũng: 2009206008503
Tại: Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, Chợ Mới, Đà Nẵng 
                                                                                                                                                                                                

Sống là cho…
Triết học phương đông có câu: “Làm cho mình là làm cho cuộc sống, còn làm cho người là làm cho cuộc đời!”.
Với quan điểm nhân thiện, câu nói trên đã đi xuyên suốt lịch sử và làm nền tảng nhân ái của loài người. Đối với chúng tôi nó có một ý nghĩa cực kỳ sâu sắc...
  • Tin mới

  • Đọc nhiều nhất