Ước Mơ Nhỏ - Tất cả vì trẻ em nghèo

Hà Giang - Đồng Văn - Lũng Cú - Mã Phí Lèng... tôi đi...

Thật là may khi tôi moi ra được ông tài về hưu này với cái xe Fortuner thần thánh. Xe thần thánh không chỉ gầm cao, máy thoáng mà tay lái của hắn thì không chê vào đâu được.
. Ông tài xế cứ ngỏn nghẻn giọng nhát gừng chắc cú rằng: “ Đây là đường huyện tao – Đồng Văn, Lũng Cú là nhất lầu về dốc cua và nhỏ hẹp, nhưng tao đi thường ngày, tao biết nên tránh, nên nhường ở chỗ nào. Chứ cứ lao bừa hay rón rén như mấy thằng miền xuôi chúng mày hay va quyệt nhau mà mất việc bỏ mẹ. Mà tài xế xuôi toàn thằng chửi tục, tao chẳng ưa…”.

Lão tài cứ vừa nói, vừa ngoắt ngoay cái vô lăng dẻo như múa. Đôi khi, lão còn bỏ một tay chém gió vào không khí ghê chết được. Hết chuyện, gã còn chỉ vào mấy thanh cản ven ta-luy mà chê: “ Mấy cái thanh cản này nguy hiểm nha. Mình quẹt xe vào đó trầy tróc là triệu bạc đi tong. Cứ đừng có mấy thanh cản đấy chạy là khỏe ve ve à…”.

Giời đất! đường một bên vực thăm thẳm, cua tay áo, vòng dây chão, hẹp đe đe như thế mà lão lại không ưa thanh cản bảo vệ. Còn nói nó làm trầy tróc xe hơi thì chắc chỉ có tư duy tiểu nông của ông tài này chứ xem ra nó tiếc triệu bạc vá dặm hơn là cả mấy mạng người trên xe. Phải cảnh giác!

Nhưng mà chuyến này coi mòi thua rồi. Đường lên cột cờ Lũng Cú tắc ngang xương. Nhìn dòng xe dài thượt cứ nhô ra, khuất vào ven sườn núi thế kia thì biết bao giờ mới thông đây. Nhìn đồng hồ: gần 5 giờ chiều. Mà vùng rừng núi thì 5 giờ chiều đã lành lạnh và lu u như muốn ngả màu bụng cá. Quay lại? Làm sao quay khi phía sau chúng tôi xe cũng sắp hàng dài và lúc này ngọ nguậy cũng chỉ tổ nan giải thêm. Thế là, con đường bắt đầu lố nhố bóng người. Vài can rượu nó ngả ra với thịt ướp nướng từ bao giờ. Cơm nắm, bánh mỳ, bánh kẹo…phát huy. Chán nhất là chuyện WC. Mấy bác đàn ông thì cứ vách đá mà chĩa nòng súng. Mấy bà phụ nữ ban đầu còn ý tứ này nọ, sau thì không phải người Hơ Mông cũng nói tiếng mông!

Sau hơn 1 giờ tắc đường, chúng tôi vọt được lên điểm gửi xe cột cờ Lũng Cú. Nhìn cột cờ thẳng tưng và cờ bay lồng lộng trên kia thấy lòng kiêu hãnh vãi đời. Thì ra cuối cùng cái đời mình nó cũng nhích được đến đây sau hàng trăm cây số vượt toàn đá là đá mà trong ba lô chỉ đôi lít rượu ngô Phang Cừ với 2 chai nước lọc Lavie. Thú thật, lúc này bộ xương già U 70 của tôi nó răng rắc và muốn nghỉ lắm rồi. Nhưng nhìn bọn trẻ đứa nào đứa nấy hăm hở leo từng bậc từng bậc lên cột cờ thì cũng ham. Càng ham khi chúng nó còn vừa đi vừa “Đoàn quân Việt Nam đi…” rất khí thế.

Bố đi lên cho biết. Mệt quá thì con cõng giúp một đoạn - Một cậu thanh niên nói. Hai cô gái còn hữu nghị:” Bố đưa cái túi máy ảnh đây con khoác lên cho…”. Chậc! cái tật mình cứ thấy phụ nữ là hết mệt mới lạ. Tâu thì Tâu! Tâu tiết…(Đi thì đi! Đi nữa!...).

Chỉ buồn một nỗi rằng khi lên đến chân cột cờ, xoa tay vào phiến đá hoa cương thì trời đã sập tối. Tầm mắt không còn nhìn ra xung quanh được. Đành chụp vài tấm ảnh gọi là cho có. Mà tùy duyên làm sao, chính nơi đây, tôi thấy một nhóm thanh nữ áo đỏ, sao vàng và “tôi yêu Việt Nam” khá lãng mạn. Họ đứng sắp hàng vươn những cánh tay nuột nà nghiêm trang hát quốc ca. Giữa hoàng hôn chập choạng núi rừng, tiếng hát của họ vang lên, quyện vào gió ngàn thật hùng tráng. Đến câu "Đường vinh quang xây xác quân thù..." thì tôi dám đoan chắc rằng cái trung đội nữ vươn một tay thẳng băng, một tay đặt trên tim kia dám chấp cả trung đoàn quân nước lạ nếu nó héo lánh đến đây. Người tôi chợt nóng bừng. Mình là thằng đàn ông  giữa lúc hoàng hôn sôi sục này không nhẽ co ro tránh rét? Thế là lấy hết can đảm, tôi vác máy ảnh chụp lén 1 tấm. Nghĩ rằng chụp theo cái nóng, lây cái cái lãng mạn hùng tráng. Ai dè, họ phát hiện và muốn tôi gửi hình cho họ làm kỷ niệm. Chuyện vui hơn khi tôi ra Huế chuyến sau đó thì…một trong những cô gái hát quốc ca trên cột cờ Lũng Cú kia lại là cô gái ở Huế. Một sự tình cờ thật tùy duyên…(Càng tuyệt vời khi lão già tôi được vinh hạnh ngồi uống cà phê và trò chuyện với cô gái đó trong một quán cà phê điển hình của lãng mạn và thơ mộng giữa Huế chỉ vài hôm sau đó).

Tôi cố tìm một cảm xúc khi đứng cạnh cột cờ Tổ Quốc ở độ cao 1500 mét so với mặt biển. Thực lòng, tôi không cảm thấy gì nhiều. Nhìn dòng người tấp nập leo lên và leo xuống kia, tôi chỉ thấy nơi họ sự hiếu kỳ là nhiều. Một số lời lẽ phấn khích, a dua cũng là dễ hiểu. Có lẽ, nơi đây cần lắm nhiều khoảng lặng. Cuộc đời có lẽ cũng vậy. Cần những khoảng lặng để mà suy tư, chiêm nghiệm, soi chiếu và hơn nữa tự biên khảo lại cuộc đời mình…Hình như ngay cả nơi địa đầu Tổ Quốc này cũng khó tìm ra những góc riêng tư. Trời đất! Hay là không đâu yên ả, lặng tĩnh cho bằng căn gác nhỏ giữa phố phường xô bồ lạo nhạo vẫn thấy của tôi ư?

Ông tài xế cười nhẹ nhàng:” Nó đòi tiền gửi xe 20 ngàn đấy. Chúng mày chịu tiền gửi xe lố. Bây giờ mình đi Nhà Vương nhé”.

Cột cờ Lũng Cú nhìn từ xa
Đường lên cột cờ
Tới nơi rồi đây
Những cô gái hát Quốc ca hùng tráng bên cột cờ Lũng Cú mà tôi chụp lén tấm hình này...
Đằng sau tôi là cả một giàn sao. Vậy đó! Tổ Quốc này, Con người này...ngàn năm bất diệt!
---

Dinh cơ của Vua Mèo Vương Chí Sình cũng gần đó. Dù trời tối, chúng tôi cũng quyết đi tới cho bằng được. Những người rủ tôi về Hà Giang cứ nắc nỏm khen về cái dinh cơ gia tộc của Vua Mèo Vương Chính Đức là: Giữa một vùng núi đá xám xịt, quanh năm khô hạn và mây mù lại xuất hiện một công trình kiến trúc nguy nga theo lối cung điện, lâu đài, thành quách của vương triều phong kiến.

Ban nãy, xa xa từ trên đường 2C tôi đã thấy ẩn hiện trong sương mây Sà Phìn khu nhà thật lạ này. Đây là một khu tư dinh theo kiểu kiến trúc Trung Hoa cổ bao gồm những toà ngang, dãy dọc quy mô, bề thế với nhiều công trình phụ. Sự nghiệp thuốc phiện và bài bạc của cha con cụ Vương Chính Đức và Vương Chí Sình có nhiều nét rất quái và thức thời. Họ không chỉ kết hợp với người Pháp đánh Nhật mà còn ủng hộ Việt Minh ổn định suốt một dãy vùng biên hiểm trở.

Cụ Vương Chí Sình còn làm đến Đại biểu Quốc hội hai khóa đầu tiên, kết nghĩa anh em với cụ Hồ chứ đâu phải người thường?

Tôi chuyến này mê lên ngôi nhà kia cũng là nghe tin vị hướng dẫn viên trong ngôi nhà đó chính là cháu nội đời thứ 4 của cụ Vương gia chủ. Quả thật, nghe người hướng dẫn trong gia tộc nói về gia phả, lịch sử đất đai, dòng họ của chính họ thì thật tuyệt vời. Tôi đinh ninh mình sẽ có duyên được nghe chị Vương Thị Chờ diễn giải.

Nhưng mà lại là không! Khi con xe của chúng tôi bươn bả đến thì cái sân chợ trước lâu đài vắng tìu hiu vì đã quá khuya. Có tiếng nhắc ra rằng: hết giờ tham quan nên đóng cửa rồi. Thất vọng thấy rõ! Nhưng chính lúc này vai trò của ông tài xế lại hữu hiệu hơn bao giờ. Đúng là thuê đắt nhưng xắt được ra miếng. Ông tài xế kéo tay tôi phăm phăm đi lên các bậc tam cấp, lướt nhanh qua hàng phơ mu cổ thụ và luồn tay gỡ khóa đi vào nhà họ Vương như chính ông ta mới là chủ nhân ngôi nhà. Lòng tôi chợt thấy sướng âm ỉ một cách nhỏ nhen xen với chút phân vân của người tham quan trốn vé. NHưng mà ông tài xế trấn an: Chúng nó ở đây là có mấy đứa học trò của mình lố.

Cũng bắt đầu, ông tài xế làm hướng dẫn viên bắt buộc. Trong cái giọng kinh lơ lớ tiếng được, tiếng mất, tôi biết khu nhà được cụ Vương Chính Đức (Vua Mèo) xây tốn kém đến 150.000 đồng bạc trắng và phải hơn 8 năm mới xong (1919-1928). Cứ dân dã qui đổi, mỗi đồng bạc trắng ngày ấy bây giờ tương đương hơn một triệu VNĐ? Khủng lắm chứ! Non trăm năm trước mà thiết kế, tư duy vậy là Cấn Văn Kinh rồi. Khu nhà do thợ Trung Quốc làm, vật liệu để xây dựng nhà gồm đá xẻ, gỗ lim, gỗ nghiến, nền nhà bằng đất, lợp ngói âm dương… kết cấu kiến trúc gồm hai tầng, sàn nhà được lát bằng gỗ. Phía ngoài gian chính giữa có treo một bức hoành phi bằng chữ Hán do vua triều Nguyễn phong tặng vua Mèo “Biên chinh khả phong”. Nhà có 64 gian phòng, có lô cốt bảo vệ, bể trữ nước mưa vô địch. Vui nhất là phòng các bà vợ cứ liền kề, đối diện nhau thế kia chắc âm thanh phải kìm nén dữ lắm chứ không thì ngứa ghẻ, hờn ghen đến tan hoang cả sàn gỗ cũng lim dim, và vách gỗ cũng nghiến két chứ yên sao?(Gỗ xây nhà bằng Lim và Nghiến).

Ngôi nhà lựa theo thế Phong Thủy trường tồn. Nhà nằm trên một khối đất nổi lên cao như hình mai con rùa. Rùa tượng trưng cho thần Kim Quy. Theo lý giải thì xây dinh thự, nhà ở bên trên sẽ được rùa đội lên (như cách chúng đội bia đá trong Văn Miếu) và tiếng tăm, sự nghiệp, dòng dõi…của người chủ sẽ vang danh và có hậu về sau. (Thực tế gia tộc họ Vương hình như đã đúng như vậy)

Bao quanh khu nhà Vương là một dải núi cao, tạo nên địa thế hình vòng cung ôm lấy toàn bộ dinh cơ này. Đó là một địa thế phòng thủ rất tuyệt vời. Những năm Pháp bắt đầu xâm chiếm đất Đồng Văn, ở trên các đỉnh núi này, người Pháp cũng chưa bao giờ dám héo lánh tới đây mà chỉ mới chiếm khu Đồng Văn, Quản Bạ.

Dù trời tối, nhưng tôi vẫn thấy sừng sững những dãy cây thẳng băng, vững trãi vươn mạnh mẽ lên bầu trời. Những vòm lá xanh đậm mà lúc đang trên đỉnh đèo tôi đã thấy như tỏa ra, ôm ấp ngôi nhà hình chữ “Vương” đầy oai vệ (Vương: 王). Thật lòng, tôi muốn ngồi dựa lưng vào những tàng cây ấy mà nghỉ ngơi sau vài trăm cây số bồng bềnh trên đèo, dốc, núi và mây mù. Nhưng các bạn đang đợi tôi…

Tôi tranh thủ đi từng phòng, từng khoảng sân, soi đèn và chụp ảnh kỷ niệm. Đá và gỗ làm nên ngôi nhà Vương tại Sà Phìn cho ấn tượng mạnh nơi tôi. Chuyến đi còn ấn tượng với dốc cột cờ Lũng Cú chất ngất như thẳng đứng, đỉnh Mã Phí Lèng vách núi như khảm vào trời xanh màu thép bạc và nhất là dòng sông Nho Quế dưới kia mảnh như sợi chỉ xanh len lỏi giữa đá ngàn…

Một ấn tượng rất mạnh trong tôi nữa chính là cái sức sống mãnh liệt của con người và thiên nhiên nơi đây. Đất ít, đá nhiều, nhưng người dân vợt từng nhúm đất, vun vào từng hốc đá để trỉa ngô, đậu và hình như ai trên đường tôi gặp cũng mến khách và thật thà y hệt ông tài xế là cán bộ về hưu, tuy giàu có nhưng vẫn hồn nhiên làm việc đưa chúng tôi đi khắp hang cùng ngõ hẻm của Đồng Văn.

Những đứa trẻ vẫy chào phong thái như lãnh tụ thế kia, không có nhẽ lớn lên chỉ là chuyên gia nếm rượu Phang Cừ?
Một đệ tử của rượu đang liêu xiêu trên đường đèo
Nhà Vương nhìn từ xa
Và tới gần...
Đá và gỗ là hai điểm nhấn của công trình Thế kỷ...
Thật phục cụ Vương khi 3 bà vợ ở cùng nhà trong các phòng sát nhau. Ước gì cụ truyền kinh nghiệm này cho hậu thế. Ví như tôi mà lâm vào cảnh này thì dám cả vùng tan hoang vì ngứa ghẻ, hờn ghen chứ đừng nói chỉ tan nát, tan hoang trong ngôi nhà này. Bái phục tiền bối đến ...lung linh thần tượng! 
Con xe thần thánh đi cùng chúng tôi

Bài viết có thể kết thúc và có thể sẽ còn nữa khi tôi trở về khách sạn yên tĩnh mà không bị li bì bởi những chén rượu ngô bỏng họng. Những ghi chép vội vã này căn bản thực hiện trên cung đường Hạnh Phúc – Con đường huyền thoại dẫn đến con đèo Mã Phí Lèng đây – nó là một trong 4 con đèo Tây Bắc khủng nhất mà người đời gọi lãng mạn là “tứ đại đèo Tây Bắc”. Chỗ kia là tấm bia ghi công 16 dân tộc vùng núi phía Bắc như phủ bụi thời gian…

Trong ánh đèn le lói trong chiếc xe bốn bánh, tôi mở cửa hứng gió ngàn. Lạnh ập tới. 3 bề quanh tôi là vách núi. Phía dưới là vực sâu. Con đường gồ ghề phía trước cứ hun hút vào màn đêm và như thách thức những ai muốn trải nghiệm, dấn thân…

Sáng hôm sau, tôi dậy muộn khi bình minh đã phóng lên đỉnh núi những tia nắng rực rỡ hình nan quạt. Có nắng nhưng cái lạnh cao nguyên vẫn tê tê làm cho người yếu vía co ro, run rẩy. Hôm nay là phiên chợ chính của Đồng Văn. Thật tuyệt vời khi mỗi tuần chỉ có 1 phiên. Tôi thả bộ ra chợ. Người đã đông ken đủ sắc thái. Chả bù cho ngày hôm trước, tôi còn băng qua chợ để đến quán ăn Sông Núi 2 nổi tiếng về thịt lợn nướng của Đồng Văn. Hôm nay, các khoảng rộng không còn. Mà lạ! xem ra phiên chợ này người Kinh xuôi lên với chợ nhiều hơn người 16 dân tộc nữa. Các quán phở, bún, miến…đông ních những người là người. Đến nỗi, nếu không đặt ăn trước thì chả có mà ăn. Hoặc giả, xin mời quới khách tự tay đi chỉ trỏ, bưng bê về bàn mà dùng. Về giá cả, tất nhiên là hơi cao. Nhưng có hề chi. So với Hà Nội thì mức độ chém còn thua Thủ đô và nếu ai đã từng khốn quẫn bởi phở ở thị xã Sầm Sơn Thanh Hóa thì bát phở 35 ngàn nơi đây vẫn là thiên đường.

Quà bánh, xôi, khoai…ở chợ Đồng Văn rất phong phú. Xôi bảo nấu bằng nếp nương nhưng ăn cũng không phê hơn nếp cái hoa vàng quê ta bao nhiêu. Chỉ mê nhất là khoản màu xôi. Các bà mế khẳng định như búa đập thùng fuy rằng màu mè kia làm bằng lá hái trên rừng chứ dứt khoát hóa chất chợ Kim Biên Sè Gòong hay màu phẩm Trung Hoa Nhân Dân Cộng Hòa Quốc không thể có mặt.

Mía Hà Giang cây to, mập tím và ngọt lừ. Nhưng giá cả thì như trên trời. Lạ nhất là nơi bán gia súc. Gà bán thì cắp nách. Lợn bán thì buộc dây mà lôi. Chó thì seo từng cặp suỳn suỵt vui vãi lều lều. bò, lợn, trâu, ngựa…bà con mang đến chợ phiên này bán hết. Hỏi giá cũng rẻ. Con trâu to to chỉ đâu khoảng 3 triệu…

Tôi ấn tượng về các chú heo. Đa số bụng con nào con nấy ỏng chảy, to búng. Có chú bụng béo sát đất nom rất ngộ. Chả chú nào bị trói hay nhốt mà chỉ lùa và buộc dây. Khi cân bán thì họ để một cái cân to rồi người bán ôm cả con lợn nhảy lên cân thấu bì sau đó cân thằng người bao nhiêu thì trừ lại. Nhìn con lợn kêu eng éc, hai chân loài quài đạp vào áo thằng người. Thằng người thì miệng méo ra ôm con vật đứng chòng chành trên đĩa cân, hàm răng xỉn nhệch ra giữa những ngoặc đơn, ngoặc kép phong trần trên khuôn mặt mà tôi chả hiểu ông bạn ấy đang cười hay đang mếu. Nhưng tổng tập vấn đề thì sự vô tư, chân thật và đơn giản nơi đây thật đáng học tập. Cứ bảo người dân tộc họ không nói thách nhưng khi chúng tôi vui miệng trả giá thì…bớt một chút cũng bán liền.

Tôi càng may mắn khi bà chủ nhà trọ tốt bụng dẫn đi, nhắc và mặc cả mua cho cơ man nào là các vị cây rừng từ tam thất đến táo mèo, mật ong khoái, măng lưỡi lợn, quả mắc cọp, gạo nương. Tôi hay ăn thịt gà nên nhìn cái thớt gỗ nghiến vân vi kia thì thèm lắm bởi thớt ấy mà chặt thịt gà thì vuông miếng lắm. Nhưng mà cô em Út nó giật vội tay vì bấy nhiêu đó, tha nổi ra sân bay sẽ rất kỳ công với U 70 rồi chứ đừng thớt mới chả gốc.

Còn điều gì ấn tượng nữa nhỉ? Nơi cái chợ này thôi đã quá nhiều thứ ấn tượng. Nhưng nếu ai tới đây, đúng chợ phiên sẽ không bao giờ quên được cái…mùi chợ. Mùi chợ này thật phong phú. Từ mùi xôi nóng ngậy đến mùi rượu ngô, gạo lưng lừng. Ngát lên cái mùi thịt lợn nướng rắc vừng bá cháy. Mùi hoi nồng của lợn gà. Mùi xin xỉn của vịt, ngan xen lẫn với mùi của các con bò lâu ngày không tắm khiến ta muốn rút lui. Đặc biệt nhất, nếu bạn tinh ý sẽ còn thấy mùi phụ nữ toát ra từ những cô gái vùng cao mặc rất đẹp nhưng tỏa hơi nồng nàn vì các nàng phải vượt suối trèo đèo nhiều cây số để đến chợ này. Đặc biệt nhất nữa: một mùi sữa nguyên zin tỏa ra từ một bình sữa mẫu mã đẹp mắt di động và đứa trẻ hồn nhiên của núi rừng trên lưng địu đang thưởng thức đến mê say…
Bài ký tới đây cũng đã dài, tạm dừng để chuẩn bị cho bài sau: Tam Dứt Mạch (à quên: Tam Giác Mạch! Và những nỗi nhiêu khê tự sướng)
Mã Phí L2ng có con đường Hạnh Phúc (Bia kỷ niệm đó)
Tự sướng đời mới IP 6
Anh bấm nút nhanh lên...em phê lắm rồi!
Dưới kia la dòng Nho Quế
Về thôi em ơi, nắng đang tắt rồi và phố phường đang đợi...

Người ta bán nhiều bánh, trái và sản vật của rừng
Lợn sẽ bán...
Bò cũng bán...
Gà rừng, gà lai thì bán vô tư...
Để cho em vô tư chưng diện và cả 4 bánh phia sau...
Dù có buồn khi em quay đi nhưng anh và Cún chỉ bâng khuâng tý chút. Có rượu và Thắng cố ở kia...
Còn tiếp: Một bài riêng về Tam Giác Mạch (không giống ai nhé)
Bài và ảnh: VietHoa
Ông : Đăng Thọ Dũng
Emai: dangthodung@yahoo.com
Số TK  Ước Mơ Nhỏ - Đặng Thọ Dũng: 2009206008503
Tại: Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, Chợ Mới, Đà Nẵng 
                                                                                                                                                                                                

Sống là cho…
Triết học phương đông có câu: “Làm cho mình là làm cho cuộc sống, còn làm cho người là làm cho cuộc đời!”.
Với quan điểm nhân thiện, câu nói trên đã đi xuyên suốt lịch sử và làm nền tảng nhân ái của loài người. Đối với chúng tôi nó có một ý nghĩa cực kỳ sâu sắc...
  • Tin mới

  • Đọc nhiều nhất