Ước Mơ Nhỏ - Tất cả vì trẻ em nghèo

Hà Giang- Đồng Văn –Lũng Cú…một chuyến đi

   Vừa về từ Kiên Giang nơi gần cuối cùng của dải đất S, tôi ngay lập tức nhập vào chương trình lên ngay nơi địa đầu của Tổ Quốc. Lần này tôi chọn Hà Giang! Chọn vì hắn có hoa Tam Giác Mạch, có Mã Phí Lèng và nhất là cột cờ
.
– Cái nơi có cột cờ Lũng Cú vừa to, vừa cao mà nhiều người bảo đó là một trong những nóc nhà của đất nước.

Lần này đi, tôi nghĩ có lẽ là lần chót trải nghiệm sự vạ vệt và dấn thân của một cái tuổi U 70 của mình. Vậy cho nên, tôi chọn cách “khoác cái máy ảnh lên và đi…”.

Chuyến bay giá rẻ Sài Gòn - Hà Nội thật may mắn cho tôi vì nó không delay hay trục trặc gì. Duy chỉ có khâu tổ chức của bản thân thì lại…có vấn đề. Chẳng là giá rẻ nên hành lý xách tay người ta qui định có 7 ký. Thú thật, tôi chưa đi mấy cái hãng rẻ mà bay mãi này bao nhiêu nên kinh nghiệm quá gà mờ. Hành lý đã quá gọn nhẹ nhưng người ta vẫn bắt tôi cân lên và rà soát cái túi đeo vai của tôi. Đáng tội: Chỉ cái máy ảnh với sạc pin, cái laptop và mấy cái ống kính cho Tam Giác Mạch đã trĩu vai rồi. Người nhân viên tỏ ra nguyên tắc và khá quyết liệt với trọng lượng hành lý. Vượt cả mấy ký và tôi không biết họ sẽ phạt bao nhiêu. Tôi phải ký gửi cái gì trong khi cái gì cũng không đáng ký gửi. Đang rầy rà thì may sao “ở hiền gặp lành” và tôi gặp ngay một cháu thanh niên khá hiểu biết về luật hàng không. Anh ta ôn tồn: ”Bác này có lẽ làm truyền thông cho nên cái camera, máy ảnh…thuộc dạng không phải hành lý xách tay đâu cô ơi. Xem lại đi…”. Vậy mà xuôi lọt mới là hay. Nhưng cái câu cắt nghĩa của cô nhóm trưởng một Công ty Du lịch bữa nay cũng lọt tai và chí lý lắm. Cô bảo: “Hàng không giá rẻ là người ta cắt giảm hết các khâu phát sinh để cho ra giá vé thấp nhất cho hành khách. Vậy nên, khi bạn mang dư trọng lượng hành lý, đương nhiên phải trả thêm tiền. Đối với VNA thì khác, giá vé cao hơn vì cũng có dịch vụ và hành lý gộp vào đấy!”. A! thế ra, tính chi ly thì rẻ mà chưa chắc đã rẻ vì VNA còn có cốc nước và chút chút ăn nhẹ…

Xuống sân bay, tôi trực chỉ Mỹ Đình để lên Hà Giang. Giời đất! mấy ngày hôm nay, lượng khách lên Hà Giang tăng vọt đến gấp đôi. Tòm được cái vé giường nằm cho tử tế là một việc khó chứ chả dễ. Lại một lần nữa, tôi “ở hiền gặp lành” một khi có cái thẻ  U70 và một cái thẻ bằng giấy khác và đã được một giường nằm lịch sự.

Tôi chìm trong giấc ngủ sâu mặc cho xe gập ghềnh rong ruổi. Lên đến Hà Giang thì trời còn chưa sáng. Nhưng cũng bắt đầu từ đây, tôi đã có linh cảm rằng:” Mình hơi …dại!”.

Rồi là quá dại bởi cái ham vui trải nghiệm giống mấy chú tuổi tin. Phương án lên Đồng Văn cách Hà Giang 147 cây số có nhiều. Chọn thuê xe máy tự đi thì tôi chào thua bởi cái độ khó và nguy hiểm của đường này kinh khủng hơn nhiều so với đi Điện Biên, Sơn La. Nhưng giá tôi cứ quá lo sợ mà chọn cái ta xi 4 chỗ thì chỉ 2 triệu/ chuyến là quá khỏe. Nhưng thằng tôi lại “ra cái vẻ không sợ đường dốc” mà quyết dấn thân theo cái xe khách 25 chỗ ngồi kia mới là chua cay và khốn khổ!

Nhưng đời này, có cái dại nào giống với dại nào đâu. Chua cay nhất là khi tôi “không còn gì mà gọi Huệ” (Tức Ụa = Nôn) thì hai bạn thanh niên ngồi sau tôi vuốt vai:” Bố cố lên! Kẻo chúng nó lại bảo U 70 rồi mà còn chơi dại!”.

Cha mẹ ơi! Cái xe chỉ 25 chỗ mà nó lèn vào 48 người. Nó vòng vèo từ 5 giờ 30 chạy sô trong thành phố Hà Giang rồi chất lên nóc xe cơ man nào từ nệm nằm, trứng gà, bông gòn, vải vóc…đến hơn 1 giờ đồng hồ mới ra khỏi địa phận Thành phố. Tôi bị ngồi ép vào cái ghế sát cửa kính gần cuối. Cho đến 12 giờ trưa thì con xe này mới lên đến Hà Giang – nó tên là Nhật Cường với kỷ lục 47 người say xe, nôn ọe duy chỉ 1 người không bị sao mà thôi…

Kể ra vậy thôi chứ chả ai trách móc hay hờn giận gì vì cái nhà xe nó cũng lịch sự lắm. Mình muốn đi thì đi thôi chứ nó có ép mình phải đi đâu cơ chứ. Chỉ hơi run cái phát ngôn của cậu phụ xe khi lúc nó đang ngoắt ngheo, lắc ngả trong cua tay áo:” Bố ạ! Chỗ này mà vô phúc rơi xuống thì nắm xương tàn của chúng mình sẽ văng tới tận…thị trấn Yên Minh!”. Nó nói phát ớn vì lúc đó mình đã đi cách xa cái thị trấn đó hơn chục cây rồi. Té ra, tính đường chim bay không bao nhiêu nhưng đường cứ vòng vèo, nhìn trên cao xuống tựa như cái dây thừng cuộn quanh hết ngọn núi này đến ngọn núi khác…

Một hụt hẫng khác là Thị trấn Đồng Văn chỉ có bấy nhiêu mặt bằng thôi. Nó gọn nhẹ lọt thỏm 4 bề núi đá mà chẳng có thể mở mang, nống ra đâu cả. Nếu mở, chỉ có phép là san núi cho phẳng hoặc đào hang hầm vào núi đá mà thôi. Có lẽ mọi người lan truyền và món PR tuyệt tác quá cho nên người phượt trên này đông kỷ lục. Tìm phòng khách sạn ư? Người ta đặt trước cả 2 tháng rồi đấy. Vậy là chúng tôi phải chung lưng với nhau đi tìm thuê nhà dân ở với giá 80 ngàn/người/ đêm/nệm. Mọi người cứ nằm sát vào nhau…

Cái nhóm chúng tôi bắt đầu xảy ra bi kịch quan trọng nhất của Du lịch là: mệt! Họ nằm lăn ra và ngủ. Mồm ai nấy cứ há hốc ra phơi cả nha chu và hàm vẩu. Họ li bì sau chuyến xe bão táp và nhất quyết không thèm đi nữa. Lên Đồng Văn nhưng cờ Tổ Quốc ở Lũng Cú cũng kệ cờ. Nhà vua Mèo Vương Sình gần đó cũng kệ xác hắn. Mã Phí Lèng có gì mà coi hơn giấc ngủ mết mờ? Thế là, thân xác của người thì người lo và cùng lắm, họ sẽ tỉnh dậy sau cữ chiều rồi lượn ra chợ ngó nghiêng xem hoa văn thổi cẩm, áo cúc cỏm đen sì của chú ít người…

Nhưng với tôi thì nhất quyết không! Cái máu ghi chép, chụp choạch, ngó nghiêng của tôi nó ngấm vào trong tủy rồi. Mặc cho các khớp xương đang răng rắc và mặc cho tin đồn nóng hổi là con đường lên cột cờ Lũng Cú đang tắc nghẽn vài giờ. Mặc! tôi đi thi kiểu tôi và hình như lại một lần nữa “Ở hiền gặp lành!”.

Tìm ta xi trên thị trấn này là một chương trình khó hơn hiến máu nhóm O. Nhưng tôi nhất quyết chỉ có cách đấy mới đi nổi. Mà phương án là phải đi đêm. Bởi lẽ, đêm thì không kẹt xe. Đêm thì bọn sợ ma rừng với sợ dốc đèo nó ngủ yên hết và núi rừng lại chỉ có ta với ta thôi. Đắc chí với phương án ấy, tôi mò tìm kiếm xe con.

Tôi lục điện thoại của "2 cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi" xa xưa. May sao có một số trả lời. Nàng mới về hiu nhưng quan hệ vẫn rộng lắm. Ngay lập tức, một bác giáo viên hiu trí nhà có xe, có khách sạn –Người dân tộc Tày- xuất hiện giúp tôi hành quân với giá phải chăng…

Tôi được trải nghiệm với vài cung đường tắt mới; một tay lái điêu luyện vì “ Đồng Văn là đất của tao mà!” đồng thời, tôi còn được tiếp xúc với một thầy giáo chuẩn như cơm mẹ nấu và nhất là ông bác này nói câu nào chắc như dao chém đá và chí lý đến vô cùng!

Sau khi chia tay ở bến xe cầu Mè Hà Giang, bác tài chỉ bảo:” Mày không cần biết tên tao. Có số máy nói đó là đủ rồi hấy!”.

Ông tài xế này, có con mắt nhìn khá lạ. Ông bảo:” Người Kinh chúng mày hôm nay đã gần thương mại hóa người Mông bên Đồng Văn như đã làm bên Sapa rồi đấy! Dưới xuôi lên cứ thấy lợi lợi, dù là lợi trước mắt cũng cho tổ chức các kiểu hội hè. Mà hội hè kiểu Tam Giác Mạch này lớp du khách "thiếu ý thức" có thể tan phá nơi đây. Mày thấy không? Chúng ta đang đổ đèo nguy hiểm thì...tắc đường bởi chúng nó dừng lại ngắm đường. Người dân tộc thấy lợi chặt rừng bán nông sản Rồi thì rừng trụi lụi vì cái gì hay đẹp, bị chặt hết đem bán. Tết chúng nó đi chặt đào rừng xót xa lắm hấy! Còn khách chúng mày nhảy hết lên hoa, cỏ, rau màu của đồng bào dân tộc chúng tao để cười hi hí chụp hình tự sướng. Chúng mày xả mặc rác thải và cả cánh đồng hoa, rau nhàu nát be bét…”.

Tôi nhìn ông ta: một anh công chức về hưu, đang kiếm tiền bằng cách chạy xe đưa khách mà nói những câu như Viện phản biện Quốc Gia. Mâu thuẫn trong một con người a? Không phải! chẳng phải anh ta bảo là:” Có người nhờ tao giúp mày đi chơi cho sướng thân mày thì tao đi đấy. Tao chả cần tiền nhiều. Nhưng mày đi thì phải trả tiền tao tao mới vui cái bụng. Còn chuyện tao nói là do mày hỏi đấy nhé chứ tao không tự ý tuyên truyền phản PR vậy cho quê tao đâu…”.

Thật vui! Cứ nghĩ sẽ vất vả nhưng rồi sự vất vả bù lại luôn. Cái gặt hái dù nhỏ nhoi nhưng cũng ý nghĩa, đáng nghe và đáng nghĩ.

Tất nhiên, phía trước còn những tiếng đồng hồ thật dài của cái đầu gối nhức buốt khi lê thân hàng ngàn bậc lên cột cờ Lũng cú và lúc run rẩy đứng chụp ảnh tự sướng ở cái chỗ gọi là…Mã Phíu Lèng!
 
Bến xe Hà Giang
Các bạn đang tự sướng - dưới ấy là ...thăm thẳm cẩn thận củi lửa hén
Phố xá qua sương
Đá (ảnh trên) và sản vật (ảnh dưới)
Dòng sông Nho Quế
Người đã quay đi để một người buồn/
Duy hai chú Cún là luôn bồn chồn...
 
 
Tác giả..
 
Sẽ còn tiếp …
Bài và ảnh: VietHoa
Ông : Đăng Thọ Dũng
Emai: dangthodung@yahoo.com
Số TK  Ước Mơ Nhỏ - Đặng Thọ Dũng: 2009206008503
Tại: Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, Chợ Mới, Đà Nẵng 
                                                                                                                                                                                                

Sống là cho…
Triết học phương đông có câu: “Làm cho mình là làm cho cuộc sống, còn làm cho người là làm cho cuộc đời!”.
Với quan điểm nhân thiện, câu nói trên đã đi xuyên suốt lịch sử và làm nền tảng nhân ái của loài người. Đối với chúng tôi nó có một ý nghĩa cực kỳ sâu sắc...
  • Tin mới

  • Đọc nhiều nhất