Ước Mơ Nhỏ - Tất cả vì trẻ em nghèo

HÒN ĐẤT KIÊN GIANG- Thương lắm một vùng xa

 Chuyện thật dài…
Thật dài để đi đến cái phóng sự cũng khá dài về một vùng đất thuộc tỉnh Kiên Giang – một trong những nơi cuối của dải dất hình S thân yêu của nước Việt!
.
Khởi thủy cho chuyến đi này là dự kiến cách đây tới…6 năm! 6 năm liên quan đến ý chí và quyết tâm của người sáng lập ra cái quĩ Ước Mơ Nhỏ giản đơn này: Đặng Thọ Dũng!

Người viết bài phóng sự này nhớ như in cách đây 7 năm, khi ngồi trò chuyện với gã bạn vong niên này ở quán cà phê trong khuôn viên Công ty điện ảnh tại quận 1. Gã bảo:” Mơ ước của Ước Mơ Nhỏ của em là sẽ đi dọc và có thể in dấu lên khắp các tỉnh dọc miền Trung. Nhưng anh phải đồng hành và giúp em…”. Tôi đã ừ mà lòng như chiếu lệ. Tôi thương gã. Càng thương khi có lúc gã buồn về công việc, về bạn hữu chỉ ngồi bên ly cà phê và nhìn phố phường qua cặp mắt kính chai dày. Tôi cũng thương cái tính “cho cháy hết mình” của Dũng. Là người có nghiên cứu, tìm hiểu về tướng số và vân vân, tôi biết anh là người mang phần số không sung sướng gì. Quen biết nhau đến hơn chục năm (tới lúc ấy), tôi hiểu rằng mình cố gắng sát bên gã tới đến bao giờ có thể - Để có thể giảm giúp anh bạn đừng thể hiện quá cái chuyện “thương người hơn thương mình” và “Mang của nhà đi cho người ta” của Dũng. Nhưng xem ra thật khó!

Nhưng rồi cũng Ước Mơ Nhỏ cũng đi đọc Miền Trung. Phải nói rằng cùng với sự giúp đỡ và hỗ trợ của bạn bè, cấp trên, đồng nghiệp, anh chị em CBCNV trong đơn vị…thì sự nỗ lực của người sáng lập quĩ Ước Mơ Nhỏ là rất lớn.

Sau đó 1 năm – tức cách nay 6 năm như đã nói ở trên. Thọ Dũng nói chân tình nghiêm túc:” Em muốn Ước Mơ Nhỏ lên Biên giới với trẻ em nghèo, hiếu học, anh về Biên giới Tây Nam khảo sát cho các em ít nhất 10 xuất học bổng nhé. Nhớ xử lý thật đích đáng…”. Ôi! Vùng Biên xa ngái, nơi không chỉ thiên tai khắc nghiệt, đất đai khô cằn mà còn cả những nguy cơ về địch họa. Nghĩ đến chặng đường gập ghềnh xuyên qua những trảng mía, rừng cao su, hàng thốt nốt, rẫy khoai mì…mà tôi hơi ngán. Nhưng rồi chuyến khảo sát cũng xong và 6 năm sau, mấy cô, cậu học trò bé tí trên Biên giới đứng cạnh tôi ngày nào, năm nay (2015) đã vui mừng báo tin 3 cháu đã vào Đại Học Công lập TP HCM (xem bài ở đây).

Cũng 6 năm trước ấy, khi giao nhiệm vụ lên Biên giới cho tôi, Anh còn nhủ thêm:” Mơ ước của em là Ước Mơ Nhỏ còn phải đi đến tận…Mũi Cà Mau. Anh phải giúp em…”.

6 năm trước, tôi đã tròn mắt trước cái mơ ước của Dũng. Có một thoáng nghĩ rằng hơi hoang tưởng và cả hoang đường. Thế nhưng cách đây 6 tháng thì Đặng Thọ Dũng gặp tôi:” Lúc này chính là lúc anh phải về những vùng đất cuối cùng của cực Nam Tổ quốc cho tôi. Ở những nơi đấy, học sinh còn nghèo lắm thật lắm. Hãy chọn ra những em ham học anh nhé…”.

Nói với nhau 1 câu là vậy. Nhưng để làm được theo yêu cầu của anh ta thì không đơn giản. Nhưng rồi cũng thật cơ duyên. Trong một cuộc gặp gỡ bà con, bà chị giáo viên trò chuyện với giọng thật chân chất:” Này! Chú có biết không? Chỗ chị dạy học tận Kiên Giang. Xứ ấy là Hòn Đất – tiếng Hán gọi là Thổ Sơn, gồm Hòn Sóc, Hòn Me và Hòn Đất nên xứ Hòn Đất còn gọi là xứ Ba Hòn…"

 

Thế là nhờ sự giúp đỡ của chị Nguyễn Thị Thanh, Nguyễn Thị Thu, Nguyễn Thị Thùy Dung...là những giáo viên sở tại, tôi đã tiếp cận được với các Thày, Cô trong Ban Giám Hiệu, Công đoàn và Hội khuyến học địa phương. Từ đó, trong tay tôi có danh sách 40 em học sinh thật nghèo, ham học của một địa danh bất khuất trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước- Địa danh không chỉ đi vào lịch sử với những trận đánh hào hùng mà còn đi vào lịch sử văn học Việt Nam với cái tên tác phẩm: HÒN ĐẤT. Trong đó, nhà văn Anh Đức đã khắc họa một nhân vật Anh Hùng Bất khuất có thực ngoài đời thường: CHỊ SỨ - Tức chị Phan Thị Ràng…
Ngay từ khi cuốn tiểu thuyết của Anh Đức ra đời, tôi đã quí và thích cách xây dựng tác phẩm của nhà văn gốc Nam Bộ này. Ông để chị Phan Thị Ràng trở thành nhân vật trong tiểu thuyết dữ dội và tuyệt đẹp dường như không phải thêm thắt gì. Ông không giống như tác giả xây dựng “Em Bé Đuốc Sống” cường điệu và xạo ke. Ông cũng không một chút gì khiên cưỡng kiểu như nhà thơ kia cho trẻ em tập nói bằng ”Tiếng đầu đời con gọi…Xít –Ta Lin!”.Tất nhiên, tác phẩm cũng còn chút sạn khi để lại cho bà Cà Mỵ trên đời những bực bội buồn phiền. Song hơn hết – nhân vật chính của chúng ta chân chất, bình dị cùng tình yêu quê hương, yêu đồng loại, như thản nhiên chít lại cái khăn rằn rồi bước thẳng vào trang sách…

Hôm nay, nơi chỗ cây xoài phía trái địch treo cổ chị Sứ đã không còn. Nhưng hố bom trước mộ thì vẫn đó. Các nhà kiến trúc đã chuyển hố bom sâu này thành hồ hoa súng – một Chu tước giản đơn. Sau lưng mộ chị là Hòn Đất – là Huyền Vũ ngàn đời. Phía trước mộ chị, chân núi Hòn Đất, xưa khét mùi thuốc súng với máu chảy và tiếng kêu la vang động đất trời, bây giờ là khoảng sân rộng ấm ánh nắng thanh bình. Lối vào mộ chị đã nhộn nhịp và hai bên xoài lá xanh thẳm rợp mát và trái xoài ánh màu thép bạc.

Phía sau mộ chị Sứ là bậc thang cao lên sườn đồi, có bức phù điêu lớn bằng đá hoa cương, trên khắc tên 960 liệt sĩ cùng tượng đài chiến thắng của quân dân Hòn Đất…
 
Hôm nay, tôi tìm về nơi đây. Đến chính ngôi trường mang tên Chị nằm cạnh gần ngôi mộ của chị ngày đêm không ngớt khói hương! Dẫu rằng: bà con ở đây không ít người còn đang nghèo thật là nghèo và học sinh cũng thật vất vả và lam lũ…
 


Khi ra mộ chị, Tôi đã cùng thầy hiệu trưởng trường Cấp II, III Phan Thị Ràng – Thạc sĩ Nguyễn Quang Duy thắp hương và tôi khấn nhủ cùng Chị rằng:” Em về Hòn Đất của chị khảo sát học sinh nghèo. Chị có linh thiêng thì phù hộ cho em chân cứng không mềm. Năm nay, sang năm…giúp em về với bọn trẻ nhé!”. (Nhưng đấy là đoạn sau, còn bây giờ xin đi từ đoạn vượt quãng đường vài trăm cây số của tôi)

 

HÀNH TRÌNH CỦA MỘT ANH GIÀ

Anh già là tôi - người trực tiếp thực hiện phóng sự này.
Cấp tốc bay từ Huế về Sài Gòn, tôi kịp hôn mấy đứa cháu, bẹo má bà quản gia, hất hàm hỏi các con xem…có gì mới? Vậy là đặt vé xe đò đi Hà Tiên.

Nếu so sánh với việc đi những năm trước thì bây giờ đi Hà Tiên sướng như…tiên luôn. Xe giường nằm máy lạnh vo vo. Ti vi phim hài, ca nhạc Thúy Nga nghe mệt không được nghỉ. Trên xe có Wifi; tôi tò mò zalo tí xíu, khoản tìm quanh đây phê luôn bởi bạn mình nhiều nhiều cách có…vài mét nhưng khổ nỗi khi ngỏ lời kết bạn thì thằng tôi bị đẩy ra với lý do:” U 70 rồi đừng có mà xí xọn!”.

Xe tôi băng qua những con lộ lớn để tiến vào cao tốc Trung Lương. Đường chập trùng cây và lúa. Ngoài cầu Mỹ Thuận hoành tráng qua sông Tiền thì xe qua hoàng loạt cây cầu và địa danh có tên khá ấn tượng và như….không đụng hàng:

Cầu Rượu, cầu Chềnh, Nha Mân, cầu tên của các ông Cai, ông Đội. Các địa danh có một không hai như Cái Bè, Lai Vung, Lấp Vò, Cai Lậy, Rạch Giá, Giồng Riềng…Thắc mắc thì trên xe có vị còn bảo:” Xứ mình có cầu Rạch Chim thì tất yếu có cầu …Xẻo Bướm!”. Con lộ 80 cứ như thể càng hẹp lại và mải miết chạy tới tận Hà Tiên và tương lai là con đường xuyên Quốc Gia sang Cam nữa.

Xe đến Thị trấn Hòn Đất vào cỡ cuối chiều. Qua cây cầu Tri Tôn là tới khu chợ khá nhộn nhịp. Giấc ngủ ập nhanh và tôi chỉ kịp hẹn với các Thầy, Cô rồi chìm vào giấc ngủ. Trong mơ vẫn như thấy đang bồng bềnh lắc lư theo nhịp bánh xe quay. Mặc cho vài chú muỗi lạ hơi người lao vào châm chích. Ăn thua gì, da của CCB dày lắm. Bọn mi đốt cũng chỉ….cùn vòi mà thôi!

Những hình ảnh trên đường:
Cao tốc Trung Lương
Trạm dừng chân
Phà Vàm Cống

Zalo em nhé. Nhìn đốm thuốc lá trên môi nàng đỏ rực, tôi chợt nhớ thời xa xưa...

-------
 
Kế hoạch của tôi là Ước Mơ Nhỏ sẽ tiếp cận, đồng hành với học sinh nghèo, hiếu học của 3 trường là: cấp I; cấp II; cấp III. Thật cảm ơn sự nhiệt tình giới thiệu của 3 cô giáo nêu trên.

Trường Tiểu học Thị trấn là một trường lớn có gần 1000 học sinh. Cô giáo Phạm Thị Chi – Hiệu trưởng: Cô giáo Hằng Phó hiệu trưởng; Cô giáo Nguyễn Thùy Dung; Bà Lê Thị Mai, Phó Chủ tịch Hội khuyến học Hòn Đất…tiếp chúng tôi cùng các em học sinh được đề cử khảo sát.

Sau khi nghe trao đổi sơ bộ về tình hình của trường, những khó khăn mà không ít các em đang phải chịu đựng. Lý do thật đơn giản rằng: trước đây, khi địa phương còn thuộc dạng “nghèo” thì theo tinh thần chỉ thị…các cháu được miễn giảm học phí. Nhưng từ ngày được công nhận là khu vực “thoát nghèo” thì học phí phải đóng và đây chính là cái khó khăn của một số ít học sinh. Nhà trường cũng vận động, tìm nguồn tài trợ, học bổng…nhưng cũng chỉ đỡ được không đáng kể.

Những cháu học sinh ngồi trước mặt tôi đây: Cháu Nguyễn Thị Thảo, bố ngày đi làm mướn nuôi 2 chị em. Cháu Nguyễn Ngọc Hoa, lớp 3 thì cha chỉ chạy xe ôm; Phan Hùng Vỹ, bố và mẹ hàng ngày đểy xe ba gác bán rau dong (Sài Gòn bán rong còn khá chứ cái thị trấn nho nhỏ này thì bán cho ai vì nhà ai cũng sẵn rau?)…

Hầu như cha mẹ các em đều làm mướn hoặc khuyết. Có gia đình người Việt, có gia đình người Khơ Me hoặc tác hợp.

Nhìn vào danh sách, tôi thắc mắc khi không có nhẽ hai em Phạm Thị Mộng và Phạm Thị Mơ là hai chị em sao được ưu ái cùng đề xuất học bổng? Cô Hiệu trưởng Phạm Thị Chi giọng chợt chùng xuống và hình như khóe mắt chị đang ngấn nước. Cô Hiệu trưởng nói rằng:” Đây là hai cháu gái sinh đôi. Mẹ cháu không biết lý do gì đã bỏ đi 2 năm nay. Cha cháu là anh Phạm Ngọc Thanh đi bẻ Cà na bán bị ngã chết đuối. Hai cháu và đứa em phải nương vào ông Nội và bà con chòm xóm. Nhưng chúng ham học, học được và quyết không chịu bỏ học. Hai chị em thay nhau đi nhận mối bánh để đội đi bán rong. Ban nãy, chúng ngồi chờ Ước Mơ Nhỏ tại đây nhưng lâu quá đã xin tranh thủ về "đi bán bánh kẻo nguội bà chủ sẽ không vui…”.

Cô giáo Thùy Dung bảo:” Anh biết bài vọng cổ Gánh Chè Khuya của soạn giả Thu An nổi tiếng chứ? Em bé trong bài bán chè thưng tuổi đã 15 nhưng hai cháu Mộng Mơ của chúng tôi đi bán bánh thì tuổi mới 11 thôi anh. Tiếng rao của hai đứa tội lắm. Chút nữa đến nhà tụi nhỏ anh sẽ thấy, chúng tôi giảng bài thấy nhà Chị Dậu đã là điển hình nghèo khổ. Nhưng con chị ấy còn cha, còn mẹ và có những con chó. Phần hai cháu bé này thì không khéo sẽ bơ vơ!…thôi đi anh, chúng ta tìm về nhà các em…"

Tôi và mọi người tìm về căn nhà của ông Phạm Xuân Trung – là ông Nội của hai cháu bé Mộng và Mơ. Trước mắt tôi là căn nhà không còn gì có thể nói là điêu tàn hơn nữa, Tài sản đáng giá chỉ là chiếc ti vi hỏng trùm khăn và mấy cái chum đựng nước mưa mẻ bể trét xi măng. Chỗ nằm ngủ đâu? Dạ! không có giường phản chi cả. Chúng trải chiếu nằm đất với ông Nội. Chết thôi! Muỗi Cà Mau, Kiên Giang thế này làm sao chịu thấu. Nhìn góc nhà vài mẩu nhang muỗi kia là đủ hiểu…

Tôi tránh nhìn cái bàn thờ người cha xấu số của các cháu mà nhìn kỹ 3 chị em thì…không thể tin được! Nếu độc giả nào cũng nhìn thật kỹ tấm ảnh tôi gửi lên cùng bài này sẽ thấy 3 khuôn mặt này đã chớm toát lên vẻ xinh xắn và có phần quí phái. Nhưng sao họ lại phải chịu cái quả nghiệp cơ cực đến nhường kia? Nói cho ngay, 3 gương mặt này nếu có phúc phần lọt vào gia đình nào có điều kiện một chút thì tương lai chẳng thua kém ai đâu. Nhan sắc chẳng thẹn với Hà Anh, Thu Thảo…còn tài năng ư? Với ý chí ham học kia thì chưa biết thế nào đâu.

Nhìn 3 gương mặt ngây thơ khoanh tay chào tôi kia thực lòng tôi không dám hi vọng gì. Mỗi xuất học bổng dành cho một cháu là 2 triệu đồng đã là sự cố gắng rất lớn của Ước Mơ Nhỏ đến trân trọng lòng ham học của hai cháu.

Lòng tôi thoáng chùng xuống khi nghĩ đến rằng: Liệu năm sau, khi tôi trở lại nơi đây trao học bổng tiếp tục cho học sinh thì còn có thể gặp lại hai cháu bé này không? Liệu chúng có còn đủ nghị lực và còn duyên phận đứng ở khán phòng nhận học bổng nữa hay không hay lại trôi nổi, xẻ nghé, tan đàn với những tiếng rao đêm lạc loài trong khuya vắng? Câu hỏi thầm kia thật phũ phàng nhưng lại là có thể vì ở Hòn Đất này, những nhà nghèo, những học sinh nghèo  còn nhiều lắm. Cái khó khăn thì muôn vàn và luôn chực chờ. Dù nơi đây, tôi nhận thấy em có những ấm áp tình thương và trách nhiệm nhưng các Thày, các Cô còn sau lưng mình hàng trăm học sinh nghèo khác và một số giáo viên cũng đang chật vật thoát nghèo. Địa phương cũng vậy!

Tôi chắc sẽ rất buồn nếu sang năm không gặp hai đứa ở trường này. Tôi sẽ buông xuôi? Không hẳn thế! Nhưng Gia đình Ước Mơ Nhỏ mấy trăm học sinh và sinh viên. Tiêu chí của chúng tôi là đồng hành cùng “học sinh nghèo, khó khăn, hiếu học”. Vậy nên, nếu các em không theo học nữa thì…cũng đành!

Lúc này, Cô hiệu trưởng Phạm Thị Chi và Hội phó khuyến học Lê Thị Mai mới giải thích cho cái thắc mắc ban đầu của tôi:” Ban Giám Hiệu chúng em cũng đã bàn nhau quan tâm đặc biệt đến 2 cháu. Giữ cho sự học của hai cháu. Số tiền học bổng sẽ được giao cho cô giáo từng đỡ đầu 2 cháu về tinh thần giúp giữ thăng bằng. Tất cả có sự giám sát và đi sát của nhà trường…”. Người viết bài này hôm nay cũng đã quyết định mua giúp hai cháu Mộng, Mơ toàn bộ 2 mẹt bánh với giá khá cao. Cầu mong cho được yên lành…

Nhìn cháu bé nép vào lòng cô hiệu trưởng Phạm Thị Chi với vẻ đầy tin cậy kia, tôi lại thấy ấm lòng…

Hai chị em Phạm Thị Mộng và Mơ cùng ông Nội và căn nhà của họ
Cô Hiệu trưởng Phạm Thị Chi áo xanh đứng giữa
Các cô giáo dẫn chúng tôi đi..

Những ngôi nhà thật nghèo...
Của những em học sinh thật hồn nhiên...
 
VỀ TRƯỜNG CHỊ SỨ

Chị Nguyễn Thị Thu- Giáo viên kiêm Phó chủ tịch Công đoàn của trường Nguyễn Thị Ràng (Chị Sứ) cho tôi đi nhờ xe máy từ Thị Trấn Hòn Đất băng 10 cây số để đến trường. Con  đường Ba Hòn khúc qua Hòn Quéo thật dễ sợ khi nổi toàn u và lõm toàn cỡ ổ voi. Những chiếc xe ben xuỳnh xịch ủi tới, lao ngả ngớn, nước bùn văng loe toe và bụi trắng cứ lầm lên. Mấy lần con xe máy tà xuống khiến tôi tưởng phải chống chân hoặc nhảy đại tránh bùn. Vậy mà người ta vẫn để mà lưu thông được là cớ làm sao?

Thạc sĩ Nguyễn Quang Duy –Hiệu trưởng trường cấp II, III Phan Thị Ràng (Chị Sứ) đón chúng tôi trong khuôn viên trường lộng gió và đậm màu xanh của cây lá. Rồi cũng chính là thầy Duy dẫn tôi đi thăm thú di tích và thật may sao, Nhà trường có đội thuyết minh hướng dẫn du khách và cùng đi với chúng tôi là một cháu học sinh thuyết trình của trường Thầy Duy...
 
Còn tiếp ...
Bài và ảnh: VietHoa

Tin mới hơn:
Tin trước đây:
Ông : Đăng Thọ Dũng
Emai: dangthodung@yahoo.com
Số TK  Ước Mơ Nhỏ - Đặng Thọ Dũng: 2009206008503
Tại: Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, Chợ Mới, Đà Nẵng 
                                                                                                                                                                                                

Sống là cho…
Triết học phương đông có câu: “Làm cho mình là làm cho cuộc sống, còn làm cho người là làm cho cuộc đời!”.
Với quan điểm nhân thiện, câu nói trên đã đi xuyên suốt lịch sử và làm nền tảng nhân ái của loài người. Đối với chúng tôi nó có một ý nghĩa cực kỳ sâu sắc...
  • Tin mới

  • Đọc nhiều nhất