Ước Mơ Nhỏ - Tất cả vì trẻ em nghèo

Lững thững trên sông Hương

  Một buổi ngược dòng Hương Giang chính là dự định mà tôi cùng Thọ Dũng 2 năm rồi mãi vẫn chưa xuất bến. Có vô vàn lý do để chưa xuất bến. Trong đó, còn có cả cái lý do mà cảm xúc của tôi và ông bạn này luôn luôn trái ngược… .
Cuối cùng rồi ngày xuất bến cũng đến.

Đón chúng tôi tại bến là một ông chủ nhà thuyền bệ vệ, nhìn có nét quan chức chứ không đơn thuần chỉ là thợ xoay xoáy vô lăng. Ông chủ thuyền với vẻ mặt thất vọng và hụt hẫng rõ ràng khi biết chỉ có…2 chúng tôi và bác Đăng Khoa tài xế đóng vai phụ kiêm gạc đờ co. Chắc hẳn, bố cháu thấy khách gọi thuê hẳn cái thuyền đôi chềnh ềnh rứa thì đinh ninh chuyến đi cũng vài chục mống chớ đâu ẻo lả vậy?

Chờ chúng tôi lên thuyền đâu đó, ông chủ tàu bộ tiếc rẻ:”Sao mấy anh không thuê cái thuyền đơn, vừa rẻ vừa đi nhanh, cơ động? Cái thuyền đôi này…?”. Chúng tôi vỗ vai bác tài:” Bác có lý của bác. Tôi có lý của tôi. Cái lý của tôi là…rủi có bề gì thì cái thuyền đôi này nó chìm chậm hơn cái thuyền đơn. Xác suất sinh tồn…cao hơn! Cơ may được cứu sống nhiều hơn đó”.

Bác Tài nghe đến đó thì chỉ còn nước khoát tay giục vợ chuẩn bị khởi hành. Lúc này, yêu cầu của trưởng đoàn hành khách éo le hơn nữa:”Bác cho thuyền chạy hình chữ chi nhé. Tại sao á? Chạy xiên xiên có gió mát chứ chạy dọc bức bối lắm!”. Thế là, trên dòng Hương Giang tĩnh lặng hôm nay, có một cái thuyền đôi rồng chạy theo kiểu chữ chi…Các bạn đồng hành nhìn thuyền của chúng tôi như nhìn anh em từ tít ngoài Trâu Quì vô du lịch (!!!)

Huế tuyệt thật! Mùa này màu xanh Cố đô thật mướt mà. Thuyền qua gầm cầu Tràng Tiền, Phú Xuân…người xe đạp, xe máy dòm xuống và chúng tôi dòm lên. Phượng đỏ au xõa xuống, bóng cầu ánh bạc hắt lên. Không biết ai vui, ai buồn nhưng lãng mạn đã có.

Dòng sông Hương càng ngược về thượng nguồn thì hai bên bờ càng xanh. Xanh từ mỡ màng đến thăm thẳm. Tôi chợt nhớ một câu cảm nhận: Huế là một viên ngọc xanh giữa hai triền cát trắng. Bên kia Ái Tử, Phong Điền và bên này Phú Bài, Hòa Khánh…

Dòng sông này, mấy chục năm qua, nhiều lần tôi vẫn nổi trôi trên sông nghe những điệu hò mái nhì, mái đẩy… khoan thai, dàn trải của những nhóm ca Huế. Những điệu lý bay bổng, mượt mà như lý con sáo, lý hoài xuân, lý tình tang và chợt tùy hứng lên sẽ là Một khúc tâm tình Hà Tĩnh hay Bến nước Sông quê…. Tôi chẳng biết về những Giao nhạc, Miếu nhạc, Ngũ tự nhạc, Đại triều nhạc, Thường triều nhạc, Yến nhạc…. nhưng khi những lời luyến láy trúng chất dân ca thì tôi cứ bồi hồi, lúc thương cho số phận nào đấy, lúc nhớ quê, nhớ nhà nhưng nhớ nhất vẫn là nhớ người mẹ môi đậm nồng cốt trầu xưa…
Gầm cầu này mà mai phục câu cá chắc là...nên canh
 

Ngay từ cây cầu Lục Miếu (xin lỗi tác giả cây cầu), chúng tôi đã cố gắng lia quét tầm mắt để tìm bóng dáng của Bảo Tháp Đại Giác Huyền Không. Bảo Tháp mà chúng tôi từng ngắm, từng chụp ảnh từ mọi góc độ gần xa nhưng chưa từng bao giờ ngắm nó từ dưới lòng sông.

Con thuyền nổ máy chầm chậm ngược dòng. Cầu Kim Long nhộn nhịp. Một chút đi lên là cái quán chè quá ngon của xứ Huế. Tôi nhớ cái quán chè này đến vô cùng vì đó là nơi thường gặp gỡ Cộng tác viên UocMoNho. Kỷ niệm sâu sắc nhất có lẽ là lần cùng với Mạnh Hùng trao đổi giao lưu với cô giáo Anh Văn của Trung tâm Anh Ngữ Huyền Không. Sau cuộc trao đổi ấy, chính tôi là người tiếc đến đứt ruột khi biết một cây bút cộng tác viên sắp sửa theo chồng về trời Tây. Các em học sinh ở Huyền Không thiệt thòi và Ước Mơ Nhỏ cũng thấy tiếc nuối. Cái tiếc là đích đáng vì từ ngày ấy, UMN không còn nhận được bài viết của chị nữa. Thêm một kẻ theo chồng bỏ chúng tôi…

Chị R ơi! Thời gian cứ sẽ trôi đi không ngừng nghỉ, cũng có thể đó sẽ là ngày mai, cũng có thể sẽ là một tuần, một tháng, một năm hoặc nhiều hơn đi nữa…Huế thật đẹp này cảnh sẽ ấm hơn khi biết trong chị có một niềm khao khát được quay về. Hơn nữa, tôi còn biết rõ rằng: Trong chị đang lưu mãi những thời khắc giảng bài, luyện chữ như làm công quả cho những đứa trẻ còn ngây thơ lắm của Trung tâm Anh ngữ. Tôi đoan chắc rằng, lúc này đây, chị quay quắt nhớ những tiếng cười không vợn một chút ưu tư phiền muộn của đàn học sinh ngây ngô mặc dù, cuộc đời của chúng, của cha mẹ các em cứ đang ngổn ngang bởi trăm mối lo toan và vất vả….

 

Chùa Thiên Mụ hiện ra xa xa sau lớp sương mù mỏng. Chùa Thiên Mụ (Linh Mụ) nằm trên đồi Hà Khê. Ngôi chùa xây dựng hơn 400 năm, được xếp vào 20 thắng cảnh nổi tiếng xứ Huế. Bến chùa Thiên Mụ thật tĩnh lặng và thật đẹp. Nơi đây những bậc thềm đá lãng mạn lúc nào cũng rói hằn vết dép, giày của mặc khách gần xa. Cũng là Phượng đỏ thả bóng nhưng màu Phượng nơi đây như được nhân lên trong trang phục tinh khiết của nam, nữ sinh vào hè. Những chiếc thuyền rồng đặc trưng Huế vẫy chào nhau và chúng tôi hướng về Ngã Ba nơi dòng Bạch Yến nối với Sông Hương.

Ngày hôm nay, với ý chí bánh mì, săng uých và vài loại bánh Huế cho 2 bữa trưa, chiều. Chai nước lum lum nơi túi quần. Điện thoại tắt đi bằng hết. Gió không có nên cũng không chém. Mỗi người chúng tôi đắm chìm vào suy tư của riêng mình. Riêng bác tài xế thì do sợ ngủ gật nên cứ lập bà lập bập rít thuốc lá khan khan. Nhiều lúc thấy bác củ rủ ít nói (hơi xấu giai) nhưng sao bà vợ thì xinh hết biết.
 
 


Huế thật yên bình. Thậm chí, một vài chú bò cứ thản nhiên gặm cỏ sát mé nước mà không thèm ngẩng đầu khi thuyền rồng của sếp lớn chạy qua. Những đàn vịt xiêm với gà nhép còn vô tình hơn. Chúng lội giỡn, giằng nhau mồi, cấu chí…mặc cho tiếng màn trập của máy ảnh xành xạch. Bên bờ sông, thi thoảng, vài nhóm trẻ giỡn tắm trong nắng vàng ruộm lên, nhóng nhánh ánh mặt trời. Trong chốc lát, tôi chợt nhớ con sông quê tôi đến quặn lòng. Những em bé kia chính là hình ảnh của thằng tôi hơn 50 năm trước; cũng vẫy vùng, giồng cây chuối, đánh he, bơi sải, tay ôm thân chuối, tay cầm súng tàu chuối…miệng hò hét vang trời…

Kìa có những đứa trẻ đang câu cá. Ừ! Bọn trẻ chúng tôi đã bao nhiêu lần trốn giấc ngủ trưa để xuống sông câu cá nhỉ? Con sông quê tôi, có những bờ kè chống sóng, lũ. Chúng tôi câu cá trong những hốc đá này thì không cần có cần câu, không cần có phao, chỉ cần một sợi dây cước và một cái lưỡi câu. Đào đất ở bụi tre, gốc chuối để bắt trùn kim, trùn mủ làm mồi, móc vào lưỡi câu và thả sợi dây cước xuống.

Chỉ chờ một chút thôi, cánh tay của mình sẽ nhận biết cá đang đớp mồi, bàn tay cảm thấy bị rung nhẹ. Cảm giác con cá cắn câu trên tay mình ép phê hơn nhiều so với con mắt nhìn thấy cái phao rung rinh, mấp máy. Im lặng, cá đang ăn. Và bỗng nhiên, cánh tay mình như bị kéo trì níu đi. Giựt. Cái cảm giác khoái chí không thể diễn tả được, cánh tay nằng nặng và rung bần bật vì con cá mắc câu đang cố sức vẫy vùng. Con tim bé nhỏ của ta cũng liên hồi đập nhịp… Ôi tuổi thơ! Những chiêu câu cá. Những pha câu cá trẻ mỏ ấy từng đã được tôi viết vào sách. Mà lạ! cũng đã có những lời khen!.

Những bến sông cứ lần lượt hiện ra. Đi bồng bềnh dưới con sông Hương nhẹ như thơ, như nhạc hôm nay, nhìn từ xa vào bến sông, tôi còn thấy nguyên jn màu xanh của những thềm đá cổ xếp lớp và hai bên lối đi là những gốc cây cổ thụ rễ sần u múi như những con trăn khổng lồ ẩn hiện với triền xanh.
Những hình ảnh quê hương thấy ấm lòng
 

Gió đẩy làm mặt nước sông Hương lăn tăn gợn sóng, sóng vỗ nhẹ vào bờ đá thành những âm điệu đều đều như tiếng ru. dòng Hương êm trôi, nghe tiếng sóng xì xào, nghe tiếng lá đong đưa, đong đưa rì rào…lòng tôi cầu mong từ khoảng lặng này, một ai trong 4 kẻ chúng tôi trên thuyền bật lên một vài câu thơ cảm xúc…

Không thấy thơ ai, chỉ thấy giọng hát chị Thu Hiền văng vẳng “Nét dịu dàng pha lẫn chút trầm tư", từ cái loa điện thoại của bác lái đò…

Nhớ đến thơ khi thèm mới thấy ngôn ngữ mình nghèo nàn làm sao. Vậy mà…Nói cho ngay, tôi không còn cảm tình với tác giả nhạc sĩ nào đã viết “ Bẻ đôi câu thơ, chặt đôi câu thơ…tôi làm mái chèo…”. Đành chỉ là hình tượng nhưng tôi cảm thấy cung bậc dã man của cánh tay con người. Anh ta bẻ thơ là mái chèo đưa bạn gái đi. Bẻ đã là gớm nhưng khi không bẻ được thì “Chặt” luôn. Cái cảm nhận phát xít ứ đầy khi tôi nghe câu hát này. Tôi nghĩ: Có lẽ, anh ta chưa bao giờ cảm nhận và nhìn đúng nghĩa về thơ. Đa số người ta từng nghĩ rằng: Thơ là cô đọng của ngôn ngữ, chắt lọc từ tâm hồn. Vậy mà bị chặt, bẻ ra với mục đích gì chăng nữa thì.. Và, nó không bao giờ (và đừng bao giờ) liên tưởng, so sánh đến tứ thơ bất hủ của Tố Như: Vầng trăng ai xẻ làm đôi/Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm đường! Vậy mà…Thôi nói về sông Hương nhể!

Dời Ngã Ba sông Bạch Yến chừng vài trăm mét, lập tức tầm mắt chúng tôi nhận ra bảo Tháp Đại Giác Huyền Không nổi bật giữa nền xanh. Ánh mặt trời tô điểm thêm cho tháp sự lung linh huyền bí. Nhìn Đặng Thọ Dũng ngây người ngắm bảo tháp rồi anh lấy điện thoại chụp hình. Tôi hiểu tâm trạng của anh. Bởi hơn ai hết, anh là người luôn sát cánh và mong mỏi công trình Bảo Tháp mau chóng khánh thành. Thật tiếc, chiếc máy ảnh mà chúng tôi mang theo, ống tele chỉ có hạn cho nên dù rất cố gắng, chúng tôi cũng chỉ mang về được những tấm hình tàm tạm.
Bảo Tháp Đại Giác Huyền Không nhìn từ lòng sông Hương
 

Cứ thi thoảng, ông chủ tàu lại đưa mắt hỏi chúng tôi đại khái rằng:” Đi nữa hay dừng lại?”. Đi nữa chứ! Coi như hôm nay về nguồn đúng nghĩa của sông Hương. Mà sao lại gọi là sông Hương? Google một phát ra vô vàn kết quả với hàng loạt dị bản về cái tên Hương. Chúng tôi thích nó là hương của hoa Thạch xương bồ hơn. Hỏi sao ư? Chả phải vì 3 chữ kia có có âm hưởng lãng mạn mà hình như cái cây ấy nó còn là một vị thuốc Nam. Thạch xương bồ là một vị thuốc quý trường sanh đấy. Thích là kiểu gọi lãng mạn vậy. Đại khái như phụ nữ cần bát nước lá rau sam hay chúng ta đau bụng chiêu luôn bát nước lá nhọ nồi. Rẻ mà dân giã…

Bác chủ đò bảo không có nhẽ hai bác định ghé lăng Gia Long thăm thú. Ối giời ôi! Không đùa với thần tượng được đâu. Từ chỗ bến đò mà lên Lăng ông Gia Long đi mấy cây số kia đấy. Em chả!

Nét dịu dàng pha lẫn chút trầm tư", đấy mới là vẻ đẹp của Huế mà "chẳng nơi nào có được". Huế là Huế, Huế không phải là Hà Nội, Huế lại càng không thể là Sài Gòn. Ai đó bảo: “Sông Hương là cái hồn của Huế, là tính cách của người dân Huế. Một chút trầm tư của cổ nhân lúc chiều tàn, một chút lãng mạn của thi nhân trong đêm trăng, một chút dịu dàng e ấp của thiếu nữ buổi sớm mai…đấy là sông Hương, đấy là Huế. Nếu đầy ắp phù sa như sông Hồng, sông Tiền, sông Hậu thì sông Hương đã bị biến thành cái bóng của sông Hồng, sông Tiền, sông Hậu. Sông Huơng đơn giản chỉ là sông Hương, là trái tim, là mạch máu của mảnh đất Thần Kinh - xứ Huế…”.

Dòng sông Hương đã chia thành phố thành hai nửa. Mỗi nửa bên bờ lại có những ranh chia dù không rõ rệt. Nửa bên này sông là một Huế trẻ, hiện đại và nhộn nhịp hơn. Nửa bên kia là đại nội, là một Huế cổ cũ và êm ả.

Nhưng chỉ từ ngã ba Bạch Yến đổ ra, hiện đại không còn nữa và nhộn nhịp cũng lùi xa. Huế hai bờ Tả, Hữu lúc này thanh bình và yên ả. Tất nhiên, vẻ thơ mộng thì dường như đã là vĩnh cửu…
Huế so với vài chục năm xưa dù đã thay đổi nhiều. Các nét vàng son ngày xưa một thời đã dần phai và nay đang trên đà phục dựng. Di sản đang trở về. Ừ! Một cố đô mà không còn những cung điện, thành quách, lăng tẩm và dòng Hương thơ mộng…thì còn gì cho khách thập phương vương vấn?

Con thuyền của chúng tôi đã đến ngã Ba Tuần. Bâng khuâng đứng giữ đôi dòng nước chính là đây. Đã biết mấy lần có những tao nhân mặc khách ngược dòng Hương mà chỉ đi đến đây rồi quay lại. Sao thế? Họ lý giải rằng: Sông Hương Thơ mộng và đẹp, trữ tình đầy ắp. Nhưng trước 2 ngã rẽ của dòng sông thì khách biết chọn bên nào và bỏ lại bên nào vì ngược lên nhánh Tả hay Hữu thì dòng nào cũng đẹp. Thế là, để công bằng cho 2 nhánh sông Hương. Du khách neo lại nơi bến Phà Tuần!

Hôm nay, bến Phà Tuần đã là dĩ vẵng. Cây cầu Tuần bắc ngang nối Huế với huyện miền núi A Lưới phía tây đã đưa bến Phà và những bến đò ngang và cả cây cầu phao nơi đây vào cổ tích.

Ô hay! Đang cảm xúc chơi vơi thì cậu Nguyễn Đăng Khoa – tài xế ô tô khều khều khiến tôi trở về thực tại. Anh bảo:” Qua mùng 5 rồi nhưng có…vịt cỏ bác ơi!”.Thật là quá nhanh, quá nguy hiểm khi trong lúc chúng tôi đắm say với khung cảnh thiên nhiên thì Khoa hắn “công tác dân vận” thế nào mà bà chủ thuyền hạ quyết tâm xẻ hết nửa chú vịt xiêm hấp hành ra chiêu đãi khách. Bia HuDa hôm nay mát họng không ngờ. Thọ Dũng xua tay không mặn vì anh nặng lòng với săng uých, pizza... Bác tài công thì chỉ chờ neo tàu xong là kiếm chỗ lăn ra ngủ bù mặc kệ đĩa vịt hấp ken hành ngó trắng phau. Chỉ còn tôi và Đăng Khoa vừa phá cỗ vừa chuyện trò cùng bà chủ…

Tôi hỏi bà chủ sao dòng Tả Trạch và Hữu Trạch  sông Hương nơi đây bây giờ màu nước lại hệt giống nhau chứ không trong đục như ngày xưa. Bà chủ cười khẽ khàng:” Cái sông bệnh nớ thì bác đi hỏi mấy ông…phá rừng nhé!’.

Bà chủ không cười nữa mà nén tiếng thở dài.
 
Bài và ảnh: VietHoa
Cầu Tuần
 
Tất cả đều hóa rồng nhưng chỗ này chưa là biển lớn...
 
Ông : Đăng Thọ Dũng
Emai: dangthodung@yahoo.com
Số TK  Ước Mơ Nhỏ - Đặng Thọ Dũng: 2009206008503
Tại: Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, Chợ Mới, Đà Nẵng 
                                                                                                                                                                                                

Sống là cho…
Triết học phương đông có câu: “Làm cho mình là làm cho cuộc sống, còn làm cho người là làm cho cuộc đời!”.
Với quan điểm nhân thiện, câu nói trên đã đi xuyên suốt lịch sử và làm nền tảng nhân ái của loài người. Đối với chúng tôi nó có một ý nghĩa cực kỳ sâu sắc...
  • Tin mới

  • Đọc nhiều nhất