Ước Mơ Nhỏ - Tất cả vì trẻ em nghèo

Ghi chép Cam Pu Chia - PP, Siem Reap. {kỳ 4)

  Cho đến phút này, tôi vẫn đang viết về cái “vòng ngoài” của chuyến đi. Cái vòng chính, tôi mặc định sẽ là mấy chục ngôi đền bên Cam, vài ngôi chùa và mấy điểm du lịch khả dĩ. Nói khả dĩ bởi vì thực chất du lịch Cam ngoài thăm Angkor, Biển Hồ, Hoàng Cung ở Nam Vang ra thì chả còn chỗ nào mà đi.
.
Những điểm như Cánh đồng chết, nhà tù Suôi…coi thấy ghê răng lắm. Người ta bảo đó là điểm du lịch là họ bảo chứ tôi thấy không hay ho gì xới lên cái sự chết chóc, dã man trong quá trình hành hạ người với con người. Tốt hơn là gói nó vào dể khi ai đó cần coi lại thì giở ra coi chứ lúc nào cũng tenh hênh giàn sọ người với que cẳng…như nhát ma mà riêng tôi thấy hơi ngại. Bởi, tôi sinh ra ở vùng quê chân chất phong thổ bình lặng là: “Sinh tại thổ thác về tại thổ” với mặc định đào sâu, chôn chặt. Đàng này, người ta cứ khai quật mồ mả lên (kể cả những phi vụ danh nghĩa khảo cổ), tương trình ra bàn dân thiên hạ thế có vẻ không xin phép người đã chết. Tôi không ưng là vậy!

Lần này trở lại Cam, tôi vẫn thực sự ngạc nhiên về cách nghĩ, cách làm thoáng đãng của những người dân xứ sở chùa tháp. Cái ngày xưa, trên những nẻo đường của đất nước này hầu như cả nước hành quân. Tất cả gia đình đồ đạc, trẻ con, gà lợn…cho lên một cái xe ba gác cũ kỹ và họ cứ thế đi. Từng đoàn người chạy loạn. Nhóm đi ngược, nhóm đi xuôi nhưng tôn trọng luật lệ mà đi phần đường bên phải. Ban đầu, những người lính chúng tôi ngạc nhiên lắm. Nhưng sau đó thì thương và cảm thông vì tất cả họ phải bỏ nhà vì lính Pon Pot xua đuổi. Vài người lén mang theo cái giấy, cái bằng…còn đa số không mảnh giấy lận lưng. Tuy vậy, nếu ai có kiến thức hay biết ngoại ngữ trao đổi thì những người dân bụi bậm, chân đất kia có thể biết rành tiếng Anh, nói sõi tiếng Pháp… chỉ có điều, chế độ Pon Pot nó thanh trừng trí thức nên họ phải ẩn mình, trốn chạy và lưu lạc. Ngày ấy, sau khi giải phóng Nam Vang. Món đắt giá nhất không là vàng mà là muối. Một ký muối đổi ngang 1 hay 2 chỉ vàng 24 K. Sau là gạo. Một bao gạo 50 ký cũng đổi 1 chỉ vàng. Lấy vàng làm căn cứ thanh toán vì ngày ấy Cam không xài tiền và hài hước là chế độ quân quản lâu rất là lâu. Chúng tôi vất vả đến độ khi cái xe máy bị lủng lỗ, đành xúc một bò gạo mang theo trả công cho người vá xe…

Mãi sau, những giao dịch như mua thuốc lá Sa Mít, thuốc 85, vải Xơ vi ốt, vải Ốt pho…đều hỏi nhau: Một chỉ thì bao nhiêu quần hay mấy cây (thuốc). Những giao dịch nhỏ thì người ta dùng kềm cắt nhỏ vàng ra và cân lên…

Cho đến hôm nay, giao dịch của đất nước này vẫn phong phú khi đồng Đô La cứ là chủ đạo. Tiền Ria (Cam) hay tiền Việt…đều có thể xài vô tư và sự qui đổi đúng nghĩa kinh tế thị trường không định hướng.

Ngày mới giải phóng Nam Vang, những gia đình còn giữ được vàng, đồ cổ quí thì đã rất thoáng nhập ngay những xe tải, xe khách mới tinh từ Thái sang. Đặc biệt xe tải, họ nhanh nhạy thiết kế nhiều chỗ ngồi trong ca-bin đành cho cả gia đình di chuyển cùng với việc chở thuê hàng hóa ở thùng xe phía sau. Hành khách Cam thì ngồi trên xe vắt vẻo thật điệu nghệ. Những tài xế, phụ xế bên Cam chất hàng lên xe cũng điệu nghệ. Nhìn chiếc xe oằn nhíp cõng hàng hóa chất ngất rồi một số không ít bà con nam nữ ngồi vắt vẻo trên đó chạy băng băng trên lộ mà lạnh người. Cho tới bây giờ cũng vậy. Vẫn tình trạng hành khách bíu níu, vắt vẻo trên mui xe đò và bác tài hồn nhiên giải thích rằng: người ngồi như vậy chỉ phải trả tiền cước vé rất ít. Còn sự cố ư? Cả đời giao thông có bao giờ an toàn như nhất đâu. Nhưng các bác yên tâm, chúng tôi đã vào Chùa cầu nguyện cho bản thân, gia đình, xe pháo và xin nhà Sư ban cho một vòng chỉ đỏ may mắn buộc trên vô lăng đó…

Nghe bấy nhiêu giải thích, tôi chỉ còn biết cười

Tôi muốn anh Bu tuktuk đi vào những khu nhà xưa cũ để tìm lại những kỷ niệm xa xưa. Ngày xa xưa ấy, dù là khu nhà nhưng rất hiếm người còn trụ lại vì đã bị Pon Pót xua đi. Những đồn điền hoang vắng. Chúng tôi từng đi kiếm những con dao Thái rất đẹp, những bàn chải đánh răng hữu ích, những lô chén kiểu bằng sứ nhẹ tênh, hoa văn sắc sảo và cả những bộ ấm trà, bình hoa…vô cùng tuyệt tác. Dù chỉ trụ lại 1- 2 ngày, nhưng chúng tôi vẫn thích sưu tập sử dụng. Những chiếc máy khâu con bướm đầy mơ ước của một gia đình Việt hay chiếc đồng hồ quả lắc bóng màu gỗ quí… Tất cả ngày ấy chúng tôi hiểu rằng nó vô cùng quí báu nhưng không một ai chiếm dụng. Sướng nhất là những đĩa nhạc tuyệt đỉnh của Duy Khánh, Chế Linh, Phương Dung, Hoàng Oanh, Giao Linh, Thanh Tuyền, Hùng Cường, Mai Lệ Huyền...đặt vào kim hát là mê ly cùng giàn loa cực đỉnh, bass cứ gọi là chết lịm lỗ tai. Chúng tôi chỉ tập hợp sử dụng vài ngày hay vài giờ. Nói thật tình, bản thân tôi đã sang trọng đến nỗi 2 ngày mỗi ngày mang một cục xà bông Camay đi tắm rồi bỏ luôn ở nơi tắm. Bởi vì, hôm qua kho hàng có thằng kệ nê bưng về hẳn 1 thùng Camay to. Thằng Thiết còn có thú khuân đồng hồ quả lắc. Nó khuân về hơn chục cái và vặn lệch giờ. Thành thử liên tục lúc nào trong căn nhà thênh thang kia cũng nghe tiếng bính boong của chuông báo giờ…

Lệnh trên truyền xuống nghiêm cấm nhiều thứ. Những qui định của người lính làm nghĩa vụ Quốc tế có đầy đủ và đã học. Cấp trên lưu ý vụ lấy chiến lợi phẩm và đối xử với phụ nữ. Nói rõ rằng: nếu chiến sĩ nào lạm dụng tình dục với nhân dân là xử bắn. Tòa án binh xử và tuyên án rôi thi hành trong 24 giờ không có chống án chống ớt gì sất. Hãi lắm! Sao không vì đã có trường hợp bị bùm rồi!

Chính vì vậy, tranh thủ “cầm nhầm” xài chơi vài bữa khi rời đi là lại ba lô cóc nhẹ tênh cho đơn giản. Tất nhiên, với Kiểm soát quân sự ở mấy trạm đã nói trên thì ít ra họ cũng tâm lý và rộng lượng. Ví như trong ba lô mình có đôi đùm xe đạp (loại xịn) thì sau cái quắc mắt của lính dõng, chúng ta năn nỉ rằng: cái xe đạp của bản thân đùm xe tã quá, xin cái về thay. Hắn sẽ hỏi, thế thì linh động duyệt cho một cái mà chọn. Hơi buồn vì không đồng bộ nhưng còn có cái mang về. Chuyến sau cơ hội bỏ ba lô thêm cái nữa là thành đôi…

Nhưng cuộc đời đã có câu:” Tham thì thâm!” quá đúng. Nhà dân đấy! Trụ sở chính quyền của địch đấy. Khi người ta chạy hay rút lui thì gà vịt, trâu bò, lợn mèo…thường không mang theo được. Lính tráng bên ta thì đâu phải ai cũng hiền lành biết giữ của nả cho họ. Với cái lý sự: Lợn gà kia là của chính quyền địch. Của Hợp tác xã Pôn Pót – nghĩa là không phải của dân- Vậy thì chúng ta cứ tự nhiên mà thụ hưởng, mà rượt đuổi, mà phá phách, lục lọi. Nhưng khổ chưa? Cuộc chiến Cam Phu Chia vấn đề gài mìn và lựu đạn cho những kết quả và hậu lụy bi thương đau xót nhất. Địch chôn mìn, gài lựu đạn ở những chỗ anh em không ngờ. Một bước chân sai là “vết chân tròn trên cát” ngay lập tức! Đôi khi, thấy cánh cửa khép hờ và anh lính đẩy cửa bước vào thì lựu đạn treo, mìn dưới ván kích hoạt. Thế là …Bờm ơi! Chuồng gà, chuồng vịt không ngoại lệ với một đoạn dây gai khi vướng phát là bật kíp đánh Ầm! Có khi, anh lính cựu dạn dày khói súng cũng chỉ còn biết kêu:” Mẹ Ới!” rồi đi…

Trách ai? Lên án những thủ đoạn triệt hạ dã man này ư? Xin cứ việc! Nhưng những trò chơi của tử thần hàng ngày càng thêm nhiều chiêu mới, thủ đoạn mới. Họ dạy nhau gài mìn, đơm trái diệt sinh lực ta. Ta dạy nhau rút kinh nghiệm. Vài người chỉ huy lão luyện thì thở dài rằng:” Những chiêu trò đánh du kích này trước đây chúng ta dùng oánh Mỹ và dạy cho người Cam cũng oánh Mỹ. Bây giờ thì…chúng nó dùng oánh lại Thầy”.

Nhưng xét cho cùng thì: Chiến tranh mà! Sách cụ Tôn ngày xưa cũng từng và ông anh Tào Tháo cũng từng nói câu “Binh bất yếm trá” đó sao???

Vì vậy chiến trường là nơi nhiều cạm bẫy nhất, nhiều thủ đoạn chơi nhau nhất, từ hiện đại đến thô sơ, từ "sạch sẽ" đến "bẩn thỉu" nhất đều được mang ra thi thố với duy nhất một mong muốn là: Giành lấy chiến thắng.
----
 
Có đủ loại phương tiện để tham quan tại Xiêm Riệp: xe đạp, xe đạp điện, xe ôm, xe tuk tuk, ôtô 4 chỗ, trực thăng và khinh khí cầu. Căn bản là quí khách chịu chi cỡ nào. Có chi là có chơi chứ dứt khoát không phải chuyện xin cho hay xét duyệt gì cả. Đường đến Angkor có bảng chỉ dẫn rất rõ ràng. Vậy nên nhiều cô Trần Thị Tây Ba Lô vô tư thuê xe đạp điện khoảng 7 USD/ngày.
Phong cảnh Xiêm Riệp thật yên ả và thanh bình
 

Hôm nay, tôi và Bu thống nhất đi 2 nơi là Angkor Wat và Angkor Thom.

Như đã nói ở bài trước là tôi bỏ qua việc ngắm và chụp ảnh bình minh Angkor Wat. Đến lúc này thì hai chúng tôi thong dong trên chiếc tuktuk kịch đại phong trần của anh Bu. Chiếc xe Way làm ngựa cứ dừng lâu một chút là không khởi động bằng nút Đề Ma Rơ được mà phải đạp chí mạng. Chả sao vì bù lại, sự cần mẫn và tận tụy của chủ xe được đánh giá cao.

Từ đằng xa, chúng tôi đã thấy cảnh Angkor hôm nay náo nhiệt vô cùng. Thật ngạc nhiên và thấy quá lãng mạn khi một dòng suối người khoác áo màu cam di chuyển. Bu giải thich rằng: đó là những nhà sư. Hôm nay ngày lễ và người khắp nơi đổ về đây dâng lễ, đặt bát,  cúng dường cho các tăng.

Sư ở Cam dùng trang phục màu vàng cam. Ban tổ chức cũng chính là các Tỳ kheo với loa Mi Ca Pon, bộ đàm, hiệu lệnh. Toàn bộ cảnh sát chỉ đứng bên lề cuộc cúng dường. Giống như Phật tử Nam Tông Huế, những Phật tử người Cam chờ đợi các Sư với tứ vật dụng. Các Sư cũng đi bát có dây đeo y hệt ngoài Huế. Phía sau, hai hàng dài những ni với trang phục trắng và mỗi người mang theo một cái túi lớn dùng để chuyển những vật dụng cúng dường về Chùa.

Một khung cảnh náo nhiệt trong sự cung kính với Tăng, Ni. Còn các vị Sư thì thật đa dạng độ tuổi. Từ người cao tuổi không thể xác định với khuôn mặt tuyệt khắc khổ quá nhiều nếp nhăn thời gian đến những nụ cười thật hồn nhiên cùng khoác áo tu hành. Một đất nước mà Phật Giáo trở thành Quốc Giáo với biểu tượng Quốc Kỳ là 3 ngọn tháp Angkor. Trước mắt tôi là những hàng dài người tu hành đúng nghĩa đầu đội trời, chân đất đạp đất dưới cái nắng chang chang của Xiêm Riệp. Những nụ cười thân thiện và những cái nhìn từ bi đang tỏa ra từ hàng người ấy. Để lại sau lưng cảnh nhộn nhịp ấy, tôi và các bạn du khách tiến vào khu vực chính của Angkor Wat. Nhìn những khu công viên bao la như quảng trường đan xen những hồ nước mênh mông, tôi thầm cảm phục những nhà hoạch định và thiết kế kinh đô này cả ngàn năm trước về sự điều hòa khí hậu và sinh thái. Bu kể cho tôi rằng: Để thoát nước ngập cho Angkor tương lai, 1000 năm trước, nhà vua đã cho đào một cái hồ rộng gần 1 km và dài hơn 20 km mà những ngày sau anh ta sẽ đưa tôi đến đó để ăn cá nướng, gà lùi và mua trống Savaichamty…
Các nhà Sư đang nhận và người dân đặt bát
 

Tôi mang thêm một chai nước và bắt đầu hành trình lên Angkor Wat. Những bậc thềm và những lối đi. Chỗ nào cũng thấy hình vẽ và phù điêu. Người ta nói, khi xây dựng Angkor thì thợ đặt đá lên sau đó mới tạc phù điêu. Thật hoành tráng với bức phù điêu dài giằng rặc trên tạc đủ thứ hình và vật. Mấy nhà nghiên cứu Tây Ba Lô đang chổng mông soi từng đường nét, chụp ảnh lại từng khoảng hoa văn. Mấy chị người nước lạ da trắng phau phau đang lảu ta lảu tô với những âm thanh cao vút, mất trật tự như một bầy chim sẻ, chích chòe chém gió..

Những lối đi hiện thời có vẻ hẹp so với mật độ khách tham quan. Thật lạ khi thấy những bức tượng cụt đầu, mất cả vai mà vẫn được khoác y vàng. Lý giải giản đơn cho những bức tượng cụt đầu kia là có kẻ gian hi vọng mỗi bức tượng đều có vàng yểm bên trong nên chúng họ “luộc khan” tượng y hệt như đã luộc hai hàng tượng của lối đi vào đền Angkor Thom mà Chính Phủ Cam mới trùng tu lại.

Tôi bước thấp, bước cao tìm đường lên tháp. Thì ra, những bậc tam cấp lên tháp của nhà Vua ngày xưa đã trở lên quá nguy hiểm nên người ta dựng một cầu thang bằng gỗ có tay vịn cho du khách leo lên trên. Cầu thang dựng đứng. Để leo lên, mấy bạn bảo vệ yêu cầu bỏ mũ nón và để đầu trần. Tôi chợt phì cười khi cảnh để đầu trần nhưng khi leo ngước lên không may gặp mấy chị mặc váy không chùng. Suy nghĩ xem ra bất nhã nhưng lại là thực tế. Nhưng thực tế càng nghiệt nghèo một khi người leo đã rất mệt và người xuống chỉ mong thật nhanh để tránh cái nằng oi như đốt hầm than và hơi sứ cđâu hình dung, tưởng tượng sau cái màn mỏng kia là như thế nào...

Té ra, lại chỉ có mấy anh chị Tây là sức khỏe vững bền, sải bước với những ngôn từ ríu rít như trả bài, trên vai còn cái ba lô kha khá nữa chứ…
600
Mệt roài...
Những bức tượng du khách chạm vào đã lên nước bóng loáng
 
Người ta bán nước và rượu Thốt Nốt- uống thật phê pha...
--------
Bài và ảnh: VietHoa (Còn tiếp)
 

 




Tin mới hơn:
Tin trước đây:
Ông : Đăng Thọ Dũng
Emai: dangthodung@yahoo.com
Số TK  Ước Mơ Nhỏ - Đặng Thọ Dũng: 2009206008503
Tại: Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, Chợ Mới, Đà Nẵng 
                                                                                                                                                                                                

Sống là cho…
Triết học phương đông có câu: “Làm cho mình là làm cho cuộc sống, còn làm cho người là làm cho cuộc đời!”.
Với quan điểm nhân thiện, câu nói trên đã đi xuyên suốt lịch sử và làm nền tảng nhân ái của loài người. Đối với chúng tôi nó có một ý nghĩa cực kỳ sâu sắc...
  • Tin mới

  • Đọc nhiều nhất