Ước Mơ Nhỏ - Tất cả vì trẻ em nghèo

Ghi chép Cam Pu Chia - PP, Siem Reap. {kỳ 3)

  Tôi thức dậy qua một giấc ngủ thật ngon. Nhìn đồng hồ: gần 8 giờ sáng. Chợt tiếc đến thẫn thờ khi không thể dậy sớm theo chân mấy anh Tây, chị Tàu thuê tuktuk băng lên Angkor ngắm hoàng hôn. Nhớ lời dặn của cậu Lễ tân ban tối, tôi lững thững xuống phòng ăn khách sạn ăn sáng.
.

Tiếng là khách sạn 4 sao nhưng món ăn cũng nghèo nàn. Có lẽ, nơi đây người ta chú trọng đến khẩu vị của các anh chị Trần Văn Tây, Trần Văn Nhật và Trần Văn Hàn Quốc là chính chứ dân Trung, dân Việt là thứ yếu. Tôi tìm cái món khoái khẩu là xôi bắp nếp với khoai lang hầm thì không thấy. Đành chén như Tây vậy. Duy một điều các món trái cây thì tuyệt ngon…

Với khách du lịch muốn ngắm cảnh và cảm nhận Xiêm Riệp, Angkor Paradise Hotel là sự lựa chọn hoàn hảo. Cách sự nhộn nhịp của thành phố 0. Km, khách sạn 4 sao này có vị trí vô cùng thuận lợi và dễ tiếp cận các địa điểm lớn của thành phố này. Một số nơi cho bạn khám phá, Phòng khám Sokpheap, Bệnh viện quốc tế Ly Srey Vina, Bệnh viện Reak Smey - Xiêm Riệp là một trong những điểm du lịch thích hợp cho khách du lịch.

Thiết bị và dịch vụ cung cấp bởi Angkor Paradise Hotel được giới thiệu và PR chắc nình nịch từ phòng thể dục, phòng xông hơi, hồ bơi
ngoài trời, spa, massage…cho công năng sử dụng. Rất tiếc, tôi chả có nhu cầu gì nhiều và có lẽ trong mấy ngày ở đây, cái thần xác tôi cũng chỉ rong ruổi suốt ngoài đường.

Trong phòng ăn, tôi nhìn kỹ, thấy khá nhiều du khách người Âu, Hàn, Nhật…tất bật trở về với máy ảnh tối tân, chân đế vững chãi cùng ba lô, ống kính lỉnh kỉnh. Thì ra, các họ dậy từ rất sớm đi chụp ảnh bình minh của Angkor. Nhìn trang bị lia quét của các họ, tôi chợt nhìn về con Ca hơi cổ lỗ của mình mà khiêm tốn trong lòng…
Một khách sạn khác ở Xiêm Riệp nhìn từ ngoài

Mặt trời đã lên cao

Tôi lững thững đi ra quầy Lễ tân dự định sẽ nhờ họ thuê cho hướng dẫn và xe đi Angkor. Vừa lượm cái bản đồ 3 D xong thì có người vỗ vai. Gì nữa đây? Tức thì, ông người Cam này nói bằng một giọng Việt Nam đặc sệt Sài Gòn:” Xin lỗi bác có phải tên H, đêm qua tới đây?”. Chắc chắn rồi! Ông bạn lập tức nở nụ cười rất tươi như khoe hàm răng đều tắp và trắng bóng. Cười xong xuôi, ông ta mới rành rẽ:” Tôi là người chạy xe tuktuk thôi. Nhưng sáng nay có người gọi điện thoại kêu tôi tới khách sạn này tìm bác hỏi xem bác có cần thuê xe và hướng dẫn đi thăm đền và Biển hồ không đấy!”. Ai vậy cà? Tôi lại lục tìm trong cái nếp nhăn của mình một hình bóng khả nghi chớp thời cơ giúp tôi đúng lúc thế này?!! Ông bạn tuktuk nói ra một cái tên lạ hoắc bảo là bạn cũ. Quả thật, tôi không bao giờ nhớ ra nổi vì bản thân xưa nay vẫn vô tình. Thôi kệ và hãy cứ hỏi han giá cả và trao đổi với ông ta. Trong cái hoàn cảnh đơn thương độc mã của tôi nơi đây thì việc xuất hiện một pho từ điển tiếng Việt thế kia là nhất lầu.

 Chúng tôi nhanh chóng kết giá cả và lịch trình. Ông ta kém tôi chục tuổi nên gọi tôi bằng anh. Tôi thật kết nụ cười hiền lành và mến khách của ông bạn. Thì ra, những năm Bảy mươi, anh ta chạy trốn Pôn Pốt sang Việt Nam lưu lạc tận Sài Gòn làm nghề đạp xich lô kiếm sống. Không ai có thể ngờ rằng cái anh người Chà Và này lại là một sĩ quan quân đội Cam. Khi Pôn Pốt thanh trừng và giết trí thức, anh nhanh chân lánh nạn và không bao giờ muốn nhớ về cái quá khứ bi thương cùng cái chân cà nhắc do chiến tranh.

Gần bằng tuổi nhau, lại có cùng chung cảm tưởng về cuộc chiến tranh biên giới nên chúng tôi thu hẹp khoảng cách thật nhanh. Tên anh bạn này gọi nôm na là Bu 

Dạo này, những bài viết của tôi thường đan xen kỷ niệm. Thực lòng, tôi mong các bạn còn trẻ hãy thông cảm thật nhiều. Đến một tuổi nào đó người ta đôi lúc hoài niệm về chuyện cũ ngày xưa. Nhìn một chiếc lá khô xoay tròn trong gió hoặc chầm chậm trên đường có nắng vàng nhè nhẹ cũng đủ khiến người già nhớ lại một điều gì đó. Rồi họ liên tưởng, nghĩ ngợi lan man và dứt khoát tâm trí sẽ rõ nét lên một kỷ niệm hay xa hơn chạy về tuổi thơ, về quá khứ tưởng đã nhạt nhòa mông lung. Với tôi, những khoảng khắc hoài niệm cứ hệt như mình được an ủi, giải tỏa. Trong chuyến đi này, tôi có quá nhiều ký ức dội về. Ví như khi chạy xe ven lộ 6 của Kam hướng về biên giới Thái, tôi được thấy những hình ảnh mà hơn 50 năm trước đã sống lại. Đó là những ống bò quả vối chín màu tím sịm. Quê tôi xứ Bắc; nơi ấy quá nhiều cây vối. Vối mọc góc vườn và mọc ven bờ ao, bờ mương. Dân quê tôi hái lá vối đun uống thay cho nước trà. Lá vối nếp phơi khô đun bằng nước mưa giữa giời uống đến đâu lịm người đến đó. Biết đã bao lần, mẹ đun nước vối và nhà tôi đằng trước bụi tre - sau hè vườn chuối. Mỗi khi đồng áng giải lao ngồi đón gió từ cánh đồng Quan lộng về, cúi xuống ca nước vối sánh màu hổ phách và cơn khát tan đi, cái mệt như được đẩy lùi…

Rồi, những cành vối hào phóng trổ nụ, đơm hoa. Những nụ hoa vối nhỏ xinh, ngan ngát kia chính là nơi hấp dẫn những ong, bướm, cánh cam, xiến tóc…Những đứa trẻ chúng tôi bắt xiến tóc lén gài lên mái tóc óng như tơ của các bạn gái để hàm răng như hai lưỡi liềm bén cứng của nó xiết xiến từng nhúm tóc của bạn mình rơi xuống. Rồi khi, những gương mặt bầu bình của các bạn gái phụng phịu, trách móc (thậm chí oán hờn) thì chúng tôi lại bắt thường cho họ bằng những con cánh cam bóng đẹp, có bộ cánh lụa lãng mạn mê hồn và tiếng vồ cánh thanh mảnh êm tai, được buộc bằng một sợi chỉ và khuyến mãi cái que cầm bằng cành vối khẳng khiu...

Rồi, từ trên cây, quả vối từ xanh, chuyển màu đỏ chát và chuyển về chín tím sậm chính là lúc chúng tôi hái xuống chia cùng các bạn gái ăn vui. Sau khi cơm cùi vối đã nhằn thì cái hạt lại có ích bằng cách nhồi vào súng phốc. Thậm chí, những năm 1965- 1966, những người bạn học sinh từ Thủ Đô sơ tán về học và chơi cùng chúng tôi, họ thích quả vối chín vô cùng…

Hôm nay, thi thoảng thấy bên đường một bà, hay một chị ngồi bán quả vối chín. Tôi và ông bạn Kam mua nhiều nhiều. Nhiều đến độ, buổi trưa, mọi người bỏ cơm ra ăn hay vào hàng quán, hai chúng tôi bỏ xe bên đường để tấp vào gốc cây và…nhằn vối chín!!

Khi nghe tôi kể về côn trùng: cà cuống, cào cào và muồm muỗm, ông bạn cười như đang phê pha. Hắn quyết chí cho tôi thưởng thức mấy thứ đó một cách lãng mạn nhất. Tôi nói con muồm muỗm và anh ta chẳng hiểu gì. Nhưng khi tôi vẽ ra giấy và tả cảnh nướng xèo xèo thơm của con muồm muỗm thì gã hiểu ngay và cũng nuốt nước miếng giống tôi.

Coi nào: Mỗi khi vào mùa lúa chín rộ, ấy là lúc bắt đầu mùa muồm muỗm. Những chú muồm muỗm to béo, cánh xanh mướt luôn là đối tượng tìm kiếm của lũ trẻ chúng tôi ngày trước. Thoạt trông chúng có vẻ giống con cào cào, nhưng nhìn kỹ thấy mình nó thon, cánh nhỏ gọn hơn nhiều. Người ta bảo muồm muỗm thường ăn các loại trứng sâu, muỗi ...trong các ruộng lúa. Vào buổi chiều, khi nắng đã xế tà, những con muồm muỗm thường đậu trên đỉnh ngọn lúa, chúc đầu xuống, hai càng giơ thẳng lên, hai bên cánh xòe ra, đập tới tấp tạo thành tiếng kêu gọi nhau  trong gió thật vui tai. Thế nhưng bắt muồm muỗm đã nhất là lúc người ta gặt lúa. Sau khi bà con cắt gần hết lúa trên một thửa ruộng thì châu chấu, cào cào và muồm muỗm dồn lại góc cuối. Lúc này là lúc canh me chộp muồm muỗm, bẻ chân, vặt cánh…
Lấy một cái que xiên qua mình con muồm muỗm rồi đem nướng trên bếp lửa. Mới chỉ nghe tiếng mỡ của nó chảy xèo xèo xuống than hồng. cánh và chân muồm muỗm cháy hết chỉ còn trơ lại mỗi cái thân tròn, căng, vàng óng, thơm phức, cái mùi thơm cuốn hút đặc biệt này hấp dẫn không chỉ trẻ con mà cả người nhớn. Đưa con muỗm nướng vào miệng, vị thơm, vị béo, bùi của nó tràn đầy khoang miệng. Nước miếng sẽ túa ra…

 Ôi! béo ngậy mà không thấy ngấy! giòn rặm bùi lừ.

Sau mấy chục năm trời, tôi không còn thấy con muỗm. Về quê, bà con cũng bảo giống côn trùng này đang tuyệt chủng dần bởi thuốc trừ sâu, bởi sự cằn cỗi…

Nhưng mà dịp này, anh bạn Bu này đã cho tôi cái cảm giác ngon ngậy đến vô tư lãng mạn ngày xưa.

Chúng tôi thân thiết thật nhanh.

Hai anh em cùng con Way thần thánh bắt đầu rong ruổi trên những con đường lúc thì nắng chóa, lúc thì rợp bóng rừng cây của Xiêm Riệp. Chúng tôi bắt đầu theo con đường số 6 hướng về biên giới Cam- Thái mà trên đường đi sẽ rẽ về Angkor.
Người Cam rất thoáng và họ cũng rất nghiêm túc với tín hiệu giao thông
 

Trên đường đi, ông bạn khéo léo hỏi về khẩu vị, ý thích…của tôi. Chậc! sao mà kỹ càng thế? Thì ra, ông ta thấy tôi ngủ nghỉ tại khách sạn xịn nên nghĩ rằng khách là người giàu có. Không hề! tôi thanh minh với bạn rằng tôi chỉ là một công chức quèn đã về hưu rảnh thời gian đi lang thang chút cho đỡ cuồng chân mà thôi. Chuyện ở khách sạn xịn  Allson Angkor Paradise Hotel cũng là vô tình. Gã Way 3 bánh lập tức gật gù ra vẻ hiểu và hình như từ đó, khoảng cách của chúng tôi không còn cách xa…

Có lẽ cũng nên dành ít dòng cảm nhận về Xiêm Riệp. Đây là một thành phố đang mở mang. Đa phần du khách du lịch Cam thường đổ về vì nơi đây có những ngôi đền tồn tại hàng ngàn năm tuổi cổ kính, hoành tráng, huyền bí và kỳ bí. Nơi đây còn có không khí trong lành, khung cảnh nên thơ, lãng mạn và thực sự thanh bình

Xiêm Riệp có Khu phố Tàu nằm trong khu phố Tây, quanh chợ cũ. Thành phố có sân khấu biểu diễn điệu múa Apsara, các cửa hàng thủ công, các nông trại nuôi tằm và các cánh đồng lúa của vùng nông thôn và làng chài, tràm chim gần hồ Tonlé Sap. Xiêm Riệp là một điểm đến nổi tiếng của du khách với nhiều khách sạn và nhà hàng. Các khách sạn nhà hàng nhỏ nằm quanh khu chợ cũ, các cơ sở lớn thì nằm ở giữa sân bay Quốc tế Angkor và dọc theo Quốc lộ 6. Thành phố có sân bay quốc tế nối đến các thành phố trong khu vực châu Á,

Nơi đây khá yên tĩnh, không xô bồ. Nói cách khác, đây không phải thành phố dành cho người thích cuộc sống sôi động về đêm. Nhưng với những người muốn thoát khỏi sự ồn ào và ô nhiễm mà vẫn muốn trải nghiệm sự năng động sáng tạo thường thấy ở các thành phố lớn, Xiêm Riệp là một lựa chọn lí tưởng.
Nếu nói Băng Cốc là Thiên đường, Pataya là thành phố ma quỉ thì Xiêm Riệp là một viên ngọc lục bảo đậm màu xanh...

Khâu đầu tiên của thăm thú chính là đi mua vé vào các đền. Giá vé hơi bị ngại khi chính phủ Cam siết 20 $/ngày và 40 $/3 ngày. Có ai bảo đắt xắt ra miếng. Tôi thì nghĩ khác bởi vì, nếu bà con không tới nhanh thì cái di sản này chả còn chỗ nào nguyên vẹn nữa đâu. Nơi thì sụt lún, nơi thì bong tróc và đổ nát. Đúng là công trình thế kỷ. Angkor có cách ta đã cả ngàn năm…

Người mua vé thật đông. Tôi cùng xếp hàng với 4 vị nam. 2 vị nữ nói tiếng Việt tuổi xấp xỉ anh Bu tuktuk. Chúng tôi được hướng dẫn tới cửa trả tiền, nhìn thẳng, cười tươi để camera chụp ảnh in luôn trên vé. Tôi thật quê độ khi nhận vé. Khi nhìn hình người trong vé, tôi đoan quyết nhóm người Việt kia nhận nhầm vé của tôi. Ngay lập tức, tôi níu áo ông trưởng đoàn yêu cầu đổi vé cho trúng. Nào ngờ, ông ta buông câu gọn hơ:” Vé này là của anh, hình trên vé chính là anh…!”. Quái! Tôi nhìn kỹ lại cái gã mặt múi sần lên trong tấm vé một lần nữa: Á!!! Chúa thật! có lẽ đúng là mình! Mà cái mái tóc vuốt hất về trái kiểu vừa Hít vừa Le kia thì là mình chứ ai nữa?(Hít le cũng vuốt tóc sang trái, tôi không học gã mà chỉ là người thuận tay trái) Mèn đét ơi! Đến bản thân mình còn không nhận ra mình thế này không trách mới đi Miền Tây 1 tuần về thằng cháu nội dòm ông cứ lom lom như dòm người lạ. Chợt À ra ngay! Thì ra, đã 5 tháng nay mình chưa soi gương, toàn chải đầu mò mò chiếu lệ…Vậy thì mình không nhận ra sự xuống sắc của mình không có gì lạ.

Khu vực bán vé vào đền
 
Ngon rồi! Angkor thẳng tiến nhể? Ông bạn Bu cho tôi hay rằng Xiêm Riệp nhiều đền lắm. Cái tháp Chàm Ninh Thuận nhà bác chỉ như hòn bi đá giữa cao nguyên đá mà thôi. Thế là theo đà tuktuk mấy cây số đường đất, ông bạn kể cho tôi sơ sịa về Angkor… 

Angkor Wat, một kỳ quan thế giới còn có tên cổ tiếng Việt là đền Đế Thiên. Theo tiếng Khmer Angkor: kinh đô, Wat: đền thờ hay chùa. Angkor Wat mới đầu để thờ thần Viśnu của Ấn Độ giáo. Về sau, khi vương triều Khmer theo Phật giáo, Angkor Wat trở thành linh đền thờ Phật. Đây là một trong các là di tích quan trọng bậc nhất tại Campuchia, được xem là tuyệt đỉnh của nghệ thuật và kiến trúc Khmer.

Kinh đô này của Đế quốc Khmer và đã phát triển rực rỡ vào khoảng thế kỷ 9 đến thế kỷ 15. Chính xác hơn, thời kỳ Angkor từ năm 802, khi vị vua Hindu Jayavarman II của người Khmer tự xưng “vua thiên hạ” và “thiên tử” của Campuchia. Năm 1431, khi người Thái chiếm được kinh đô của Khmer khiến cho dân cư ở đây di cư về phía nam đến khu vực Phnom Penh. Phế tích của Angkor nằm giữa rừng và vùng đất canh tác nông nghiệp về phía bắc của Biển Hồ (Tonle Sap) và phía nam của đồi Kulen, gần thành phố Xiêm Riệp ngày nay.

 Các ngôi đền của khu vực Angkor có số lượng trên 1000 với kích cỡ và hình dáng khác nhau mang đậm phong cách kiến trúc Khmer.

Anh Bu tự hào rằng: Trong các kiến trúc vĩ đại vào thời xưa như: Kim Tự Tháp, Vạn Lý Trường Thành và Angkor Wat, thì Angkor Wat là kiến trúc đẹp nhất về phương diện mỹ thuật.  Nhiều kiến trúc sư của thế giới đã kinh ngạc và khâm phục công trình kiến trúc Angkor Wat.  Người Khmer rất hảnh diện về Angkor Wat, và đã chọn Angkor Wat làm biểu tượng cho quốc gia Campuchia trên quốc kỳ của họ.

Người cho xây Angkor Wat (vua Suryavaman II) từng đã tấn công Đại Việt 4 lần vào thời nhà Lý. Có lần Khmer Empire liên minh với Chiêm Thành cùng tấn công Đại Việt nhưng lần nào cũng thất bại. Trong lần cuối cùng mang đoàn quân xâm lược của Đế Quốc Khmer đi xâm lăng Đại Việt, vua Suryavaman II đã băng hà

Vua Suryavaman II chết, Angkor Wat chưa thật sự hoàn tất, có phần còn đang dỡ dang, có chổ đá chạm khắc chưa hoàn tất, nhưng công trình xây dựng Angkor Wat đã phải bỏ dở dang .

Nhiều người Khmer đã phải công nhận: sau khi vua Suryavarman qua đời, triều đại huy hoàng của ông và đất nước Khmer bị suy yếu về kinh tế lẫn quân sự, là hậu quả những lần đem quân xâm lược Đại Việt nhưng bị triều đại nhà Lý  đánh bại.

Thế đấy! Vua Suryavaman II oai hùng của Khmer Empire đã chiến thắng nhiều quốc gia Đông Nam Á, mở rộng lãnh thổ, và bắt hàng chục ngàn tù binh từ các quốc gia bị đánh bại,  để đem về làm nô lệ đi xây Angkor Wat.  Có trên 20,000 người phải liên tục xây dựng Angkor Wat trên 20 năm trời. Cứ giả sử ngày xưa Đại Việt bị Khmer Empire đánh bại, thì người Việt cũng bị bắt làm nô lệ đi xây Angkor Wat rồi!

Để xây được đền Angkor Wat người ta phải chuyển đá từ một ngọn núi cách vị trí đền khoảng 65km. Ban đầu người ta định dùng voi kéo đá nhưng khoảng cách quá xa và đá quá nặng nên người ta phải đào một con sông dài 65km để vận chuyển đá. Voi chỉ dùng kéo đá khi chuyển lên, xuống sông. Angkor Wat rơi vào quên lãng, bị rừng già vây phủ và được khám phá lại vào năm 1860 bởi Herri Mouhot.

Khu Angkor Wat có chu vi gần 6 km và diện tích khoảng 200 ha, nơi cao nhất là đỉnh tháp của ngôi đền chính, có độ cao 65m. Angkor Wat là đền núi duy nhất ở Campuchia có lối vào chính ở hướng tây, hướng Mặt Trời lặn.

Khu đền gồm 4 tầng nền, càng lên cao càng thu nhỏ lại, mô phỏng hình ảnh "núi vũ trụ Mêru" của người Ấn Độ. Như đã nói trên, Vị thần linh được thờ ở đây là thần Viśnu. Khu đền chính bao gồm 398 gian phòng với nghệ thuật chạm khắc đá trên trần phòng, hành lang, các lan can... thể hiện sức mạnh phi thường và bàn tay điêu luyện của người Khmer cổ đại.

Xung quanh ngôi đền, có hào rãnh bao bọc; bên ngoài bức tường có nhiều hồ chứa nước, sự thiết kế của ngôi đền này rất cân đối và xinh đẹp, có qui mô to lớn, khu vực nằm trong vòng tường, rộng tới 83610m².

Với những phù điêu phong phú, nhiều màu sắc để trang trí, hoàn toàn tương xứng với sự thiết kế cân đối và nghiêm trang. Trên những bức phù điêu đá này, đã miêu tả những cảnh tượng trong sử thi Ấn Độ. Rất nhiều thần linh nam và nữ vui vẻ nhảy múa với nhau trong tư thế vui nhộn và cả lãng mạn. Qua một hành lang phù điêu nối tiếp nhau, chạy dài đến mấy trăm thước Anh, đã thể hiện nhiều nhân vật chân thật trong lịch sử của Campuchia. Hình tượng được mọi người yêu thích và thường xuất hiện trên phù điêu, chính là vị nữ thần nhảy múa của Campuchia. Người ta cho rằng sờ vào cặp "nhũ hoa" của nữ thần sẽ gặp may mắn nên thời gian đã biến cặp "nhũ hoa" của nữ thần của Angkor cứ bóng nhẵn màu lên nước do trai làng thập phương, tám hướng đủ quốc tịch xoa vuốt…
 
Một người bán quả vối chín, 2 $ /1 bò
 
còn tiếp
VietHoa

Tin mới hơn:
Tin trước đây:
Ông : Đăng Thọ Dũng
Emai: dangthodung@yahoo.com
Số TK  Ước Mơ Nhỏ - Đặng Thọ Dũng: 2009206008503
Tại: Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, Chợ Mới, Đà Nẵng 
                                                                                                                                                                                                

Sống là cho…
Triết học phương đông có câu: “Làm cho mình là làm cho cuộc sống, còn làm cho người là làm cho cuộc đời!”.
Với quan điểm nhân thiện, câu nói trên đã đi xuyên suốt lịch sử và làm nền tảng nhân ái của loài người. Đối với chúng tôi nó có một ý nghĩa cực kỳ sâu sắc...
  • Tin mới

  • Đọc nhiều nhất