Ước Mơ Nhỏ - Tất cả vì trẻ em nghèo

Ghi chép Cam Pu Chia - PP, Siem Reap. {kỳ 2).

 Chúng tôi chờ đợi ở cửa khẩu. Hộ chiếu thì chú phụ xe đã thu mang đi. Tôi và 40 khách trơ thần cụ mỗi người cái túi hay cái bóp. Như đã nói, xe của tôi 1/3 người Kam; 1/5 người Trung Quốc và Hàn Quốc; . mấy cô tây trông trẻ tuổi mà bẩn bẩn, váy ngắn chân dài, tóc màu râu bắp; nhõn tôi và một chị béo múp là người Việt. Tưởng đợi lâu, ai dè cậu lơ xe trờ xuống:” Bố lên làm thủ tục trước nhé!”. Có mơ ngủ không kìa? Không có nhẽ nó biết mình cựu binh K mà ưu tiên? Chả phải! Chắc đương nhiên mình là người già nhất trên xe. Cảm ơn cậu bé người Kam nhé! Cậu chỉ là phụ xe mà biết người già, người trẻ chứ không như cái cậu Hướng dẫn du lịch đi Thái hồi nọ tên là Thành Vũ mồm leo lẻo tử tế nhưng tư cách nó chả ra gì. Chả ra gì ở chỗ nó hành hạ một ông già hỏng đầu gối đứng chờ để nó gửi hàng lậu của nó trong vòng gần 1 giờ đồng hồ. Xem nào? Cậu Vũ kia vỗ ngực tốt nghiệp đại học Việt. Còn cậu phụ xe này trưởng thành từ…đánh xe trâu vùng U Đông. Thế mới thấm câu của triết gia:” Nghề nghiệp không làm nên nhân cách con người!”.
Mà thôi kệ! Đến đâu rồi nhỉ? À! Nhoáng cái đã sang cửa bên. Tìm nhà vệ sinh thì …2 ngàn một lượt.
Bên bạn nhìn nhà cửa, phòng ốc bề thế hơn. Xa xa, bắt đầu những khu nhà và ngôi nhà bề thế, hoành tráng của các biểu tượng ăn chơi và sòng bạc. Nhìn ngoài thế thôi chứ vô bên trong là biết liền. Đổi phỉnh mà đưa dưới 50 đô là chúng họ nhìn mình bằng con mắt khinh thường ngay. Nhớ dạo nào, theo bạn theo bè, mình cũng thử sức và đi tong 200 $ tại chỗ con át píc kia. Tóm lại, người biết phận nên coi những khu nhà hoành tráng kiểu ả rập, kiểu Las Vegas kia là một kênh khác, một kiếp khác không phù hợp với mình…
Từ cửa khẩu Ba Vét, chúng tôi chạy qua những cụm phố, nhà hàng…khá sầm uất. Ngày xưa, nơi đây gọi là phum Ba Vét (thôn làng…). Ngày nay, phải gọi nó là một thị xã nho nhỏ chứ thị trấn thì còn dưới tầm. Chúng tôi rẽ xe đến cái trạm dừng chân nhỏ. Ở đây, cảm tưởng hình như tất cả vẫn là người Việt vì ai cũng nói được tiếng Việt. Đổi tiền, mua sim, mua nước, ăn cơm…đều diễn ra ở đây. Một phần cơm ăn được họ tính 40 k tiền Việt. Quá ổn so với mặt bằng Sài Gòn. Tôi thì kỷ niệm cứ ùa về. Ngoắc chị bán đậu phộng luộc mua luôn 2 bò. Vậy đó. Gần 40 năm, bò đậu phộng hôm nay vẫn in như ngày nào: củ lạc chắc căng và mỗi củ 3- 4 nhân bùi ngậy bên trong. Tôi nhằn nhân lạc chắc là điệu nghệ đến đỗi bà bán vé số và thằng bé bán đường thốt nốt tròn mắt như xem diễn xi nê. Một cô bạn tóc râu ngô trên xe nhìn tôi có vẻ ngạc nhiên rồi đưa máy hình lên chụp. Không có nhẽ, sẽ có một tấm hình ông già nhằn đậu phộng in trên tạp chí nào đó???
Lại lên xe. Tôi tranh thủ chợp mắt một chút để tới Svay Riêng và Khu phà Niêk Lương sẽ thức dậy. Bởi vì, tôi nóng lòng muốn tìm lại một chút gì sót lại của kỷ niệm xưa kia ở hai nơi này…Trên xe cũng vui thật. Mình chưa kịp nhắm mắt mà ngó sang các hàng ghế, mấy em Tây Ba Lô đã nghẹo đầu, há miệng ngủ ngon. Nhìn bộ dạng váy áo nhàu nhĩ, tóc tai trễ nải thế kia nghệt mấy nàng ngáo đá sắp bình minh…
Thị xã Svayrieng!
Nếu ai đã từng làm nhiệm vụ đánh địch bảo vệ biên giới Tây Nam ngay từ những ngày đầu quân Pon Pot quấy nhiễu biên giới thì không thể quên được thị trấn Svayrieng. Những năm Bảy mươi thì đấy chỉ là một thị trấn nhỏ, có cái ngã ba đường nhựa và một số ngôi nhà cùng những vườn cây, bưng rạch trù phú. Nhưng sự ác liệt trong giao tranh giữa quân tình nguyện VN và quân Pon Pot thì thật khủng khiếp. Nơi đây đã được mệnh danh là Mặt trận. Mặt trân Đông Svayrieng và mặt trận Đông Bắc. Có thể nói, trong suốt gần 1 tháng trời giao tranh tại đây, quân đội Việt Nam đã đánh tơi tả 2 sư đoàn địch, thanh toán gọn gàng 5 trung đoàn Pon Pot, tiêu diệt xấp xỉ 10 ngàn tên. Mặc dù, chiến thuật của các anh Pon Pot cũng rất tanh khi triển khai 2 gọng kìm kẹp theo đường số 1 thanh toán quân Việt Nam. Ở mặt trận này, chúng ta đã phải dùng tới không quân để oanh tạc và đặc công của Bộ Tổng và Tỉnh đội Tây Ninh.
Có thể nói, mấu chốt chiến tranh biên giới Tây Nam chính là do mặt trận Svayrieng quyết định. Cầm cự ta và địch gần nửa năm trời, lúc co cụm, lúc phản kích chơi nhau với 5-6 sư đoàn của chúng, Nơi đây xảy ra khoảng 600 trận đánh. Địch tổn thất gần 10 ngàn quân và bên ta thì …chưa tính được!
Sau khi địch tan rã tại mặt trận này, quân ta theo nhiều ngả và nhiều đội hình gần như thẳng tiến về PhnomPenh. Tất nhiên, nói cho ngọt ngào vậy chứ cuộc chiến còn là cơ khổ. Địch tan rã nhanh nhưng khi một đội quân ta lướt qua thì chúng tan ra nhưng ngay sau đó lại co cụm thành đội hình và lại gài mìn, chống trả…
Thành ra, súng nổ vẫn liên hồi và thực tế sau này nhiều đoạn hồi ký, nhiều câu chuyện kể lại cũng địa danh ấy, cũng thời điểm ấy nhưng cái nhìn lại khác nhau và kết quả cũng khác nhau…
Chiếc xe của chúng tôi chầm chậm chuyển dần đến ngã ba. Nhớ thằng Thành nó kể rằng tiểu đội nó (Bên sư 9) sục sạo gom được một thau vàng gồm nhẫn với dây chuyền, mặt Phật… Trong đánh nhau, tối kỵ thủ vàng trong người (dễ chết) cho nên mấy anh em bàn nhau chôn xuống bờ mương gần cái gốc bình bát. Cùng hứa với nhau là sau này sống sót về đào lên thì chia nhau. Vàng được dùng báng súng đập dính vào nhau to cỡ cái mũ cối. Chôn xong cái là hành quân truy kích. Than ôi! Sau này có 2 thằng còn sống trở về thì không còn nhận ra địa hình nữa. Máy ủi đã san phẳng tất cả…(Thằng Thành sau bị sốt xuất huyết, mất ở PP và chôn tại nghĩa trang viện 4).
Gõ phím đến đây tôi thấy bồi hồi. Nhìn cảnh vật bây giờ không còn như xưa. Phố xá sầm uất và nhà cửa đẹp lên rất nhiều. Con đường phẳng phiu này đưa tôi đến một địa danh tiếp theo quá nhiều kỷ niệm: Phà Neak Luong!
Nhưng thật không may cho tôi. Hi vọng cái cảm giác đứng trên phà tự hành, phanh cúc áo ngực, đón gió lồng lộng của Mê Kong luồn lộng trong vồng ngực đã không còn nữa. Không còn bởi nơi đây người ta đã xây xong một cây cầu dây văng bắc ngang qua..
Hồi xưa, sau nhiều ngày oánh nhau vật vã, tháng 1-1979 quân đội Việt Nam làm chủ phía đông của bến phà Neak Luong. Những tàu đổ bộ tự hành và các phương tiện được huy động đánh sang sông giải phóng bờ Tây Neak Luong.
Toàn bộ đội hình hướng này thuộc quân đoàn 4 hùng dũng vượt sông. Địch tan rã nhanh chóng. Quân ta tiến băng băng về Nam Vang dài hơn năm chục cây số trên con đường thênh thênh mở rộng này đây. Địch thấy ta đến thì tan rã lướt đi. Ta qua thì nó lại có vẻ tìm cụm nhau lại y hệt chiến thuật du kích mà lính Việt dạy lính Cam ngày nào. Lại súng nổ lẻ tẻ….
 
Nắng thì nắng vẫn chụp hình tự sướng dài dài
 
 11 giờ sáng 7-1, đơn vị đầu tiên của Việt Nam vào đến Nam Vang, lúc đó đã là thành phố bỏ ngỏ. Những ngôi nhà khép kín không một bóng người. Thi thoảng, những phòng ăn trong vài ngôi biệt thự vẫn còn y nguyên bát đũa, đồ uống đã khô cạn trên bàn ăn. Những dấu vết ấy, sau này chúng tôi lý giải được rằng: khi những gia đình nọ đang dùng bữa thì bọn Pon Pót tìm đến, đuổi họ tức tốc phải dời đi…
Có thể nỗi khắc khoải và day dứt nhất đối với những người lính sống sót trong chiến dịch giải phóng Cam chính là vấn đề công tác tử sĩ. Do đánh vận động, lúc cường tập, lúc thoái chốt, lúc chi viện và tăng cường theo lệnh….cho nên ngay cả đồng đội cùng chiến đấu cũng không nắm chắc về sự tồn tại của bạn mình. Nguyên tắc là tử sĩ phải đưa về tuyến sau và giao cho đơn vị vận tải để khâm liệm sơ bộ bằng túi nilon rồi chuyển về Việt Nam (nếu thuận tiện) hay chôn cất. Đôi khi, trong trận đánh chẳng còn ai mà mang tử sĩ về. Giữ chốt và giữ tính mạng mình thường ưu tiên. Vậy nên, bộ phận phục vụ chiến đấu thường tự chủ động tìm và thu gom tử sĩ. Nhiều người còn giấy tờ, nhiều người chả có gì. Có khi chỉ là một nhận diện chủ quan, có khi chỉ là miếng giấy trích ngang viết vội nhét vào túi áo người chết. Thường thì, tuyến sau tiếp nhận, tìm cách làm rõ tử sĩ, thay cho anh em bộ quân phục lành lặn, để chiếc ba lô của họ kèm theo…thế là xong.
Nhiều trường hợp, anh em phía sau không biết rõ người hi sinh. Còn những người biết rõ thì là đồng đội còn đang mải truy kích, chiến đấu.

May mắn cho tử sĩ khi anh có bạn bè hay đồng hương huyện xã ở phía sau biết đến. Chắc chắn, những trường hợp ấy, ngôi mộ ấy sau này người thân sẽ tìm thấy. Còn những anh em không may thì tới bây giờ hài cốt cũng vẫn còn nằm lại đâu đó trên cánh đồng bao la kia…
 Tất nhiên, vài ông lính cũ truyền kinh nghiệm là ghi tên tuổi, quê, cha mẹ vào mảnh giấy cho vào cái lọ con hay túi nilon nhỏ nhét trong túi áo. Cái này xem ra tiện nhưng đa số lính cóc thèm làm bởi đơn giản là đang sống sao lại chuẩn bị cho cái chết kỳ vậy? Mà làm thằng lính, sống hay chết cũng đang cống hiến cho đất nước này, thân phận mình sống còn chẳng xá huống hồ khi đã lìa đời? Tụi nó có vùi vào chỗ nào cũng là đất cát cơ mà…
Có mấy thằng như thằng Lĩnh, thằng Hòe, thằng Biên, thằng Trọng…là những thằng huyết áp thấp hay háu đói. Chúng nó đùa nhau lấy bút bic vẽ những vòng bán nguyệt quanh cái thắt lưng thành những vòng no và vòng đói. Rồi để không lẫn nhau, chúng nó ghi tên họ vào thắt lưng …té ra lại hiệu quả. Những ông như vậy ngã xuống, dù kiểu gì thì trong túi anh em cũng ghi vội thêm cho một cái tên và mảnh giấy. Sau này, không ít trường hợp giám định AND xác định chắc chắn liệt sĩ
Ngẫm ra mới thấy mấy ông quản lý quân của Mỹ thật khoa học. Mỗi vị có cái thẻ bài. Khi bị thương thì theo đó kiếm nhóm máu mà cấp cứu. Khi vong mạng thì theo số lính truy tra là rõ ràng…
Lại lan man mãi rồi.
Hôm nay, chiếc xe đò này đưa chúng tôi chạy lướt lên trên cây cầu Neak Luong mới tinh. Hả? Giống hệt như hồi cây cầu Mỹ Thuận bên ta mới khánh thành. Nhiều gia đình, du khách Cam phi xe lên đỉnh cầu rồi từ đây chui ra hứng cái nắng chang chang để ngắm cảnh và chụp ảnh tự sướng. Trong thâm tâm. Tôi cũng thầm mong nhà xe nó đỗ lại vài phút để tranh thủ làm kiểu ảnh cho cẩn thận. Nhưng không hề! Dân kinh doanh nó chạy qua cầu hàng ngày hơi đâu lãng mạn tầm phào như du khách ba lô chúng ta…
Khoảng 13 giờ chiều, xe chúng tôi tới Nam Vang. Khi chiếc xe bò lên cây cầu Monivong tôi cũng vẫn bồi hồi. Bởi, qua cây cầu này ngày trước là vào nội ô Nam Vang. Ngay cái bùng binh kia hồi đó là cái trạm kiểm soát quân sự hắc xì dầu nhất trong những cái hắc xì dầu. Đến độ, con xe honda 90 của đơn vị tôi được đích danh Chủ tịch Ủy ban quân quản Pnom Phenh Khang Xà Rin cấp giấy mà các bố ấy lần nào xem cũng xoay ngược xoay xuôi (chắc cóc biết chữ Cam nó ngược xuôi ra sao) rồi hỏi đôi câu mới gật đầu.
Nhớ nhất trạm này, ông Bách lái Reo kể chuyện thằng Thoại bị tóm lãng nhách bởi cái dây tràng hạt đeo cổ đen thui. Nó vớ được cái dây dài này ở nhà nào không biết nhưng nó cứ quấn đeo trên cổ nom giống hệt một cha xứ. Chính nó cũng không dè là cái dây đó có những hột vàng được sơn đen trộn vào những hột đá kêu lanh canh. Nhìn nó đeo và bộ dạng lấc cấc của nó, ai cũng hiểu cái dây kia chỉ là trò trang sức rẻ tiền hài hước. Nhẽ ra, nếu nó có số hưởng thì khác. Đằng này, nó có số cầm lao K 8 (nhà tù quân đội) nên lượn lờ làm trò. Nó đứng cạnh trạm gác lúc chờ quân cảnh kiểm tra xe, làm bộ như cha xứ nhận xưng tội nói huyên thuyên về đức Chúa. Ngứa mắt, cậu quân cảnh giật cái dây tràng hạt vứt đuổi Thoại đi. Ai có dè, những hạt đen kia rơi xuống nền đường hột thì nảy cao như đá hột thì thiệp nặng như chì. Cúi xuống, gã quân cảnh nhặt một viên đưa lên răng cắn: Vàng ơi!
Tức thì qui lát khẩu tiểu liên cụt đuôi (AK báng gấp) lên đạn đánh rốp. Thằng Thoại mặt cắt không hột máu và bị dẫn vào bên kia…rồi về K 8 bóc lịch
Ngày xưa bên dưới dạ cầu Monivong chẳng khác gì những bến sông miền quê. Bây giờ khác hẳn. Người Cam đã làm cho nó đẹp và hoành tráng lên nhiều.
Xe chúng tôi đi vào đại lộ Monivong sầm uất để tìm tới bến xe. Chúng tôi được hướng dẫn xuống và chuẩn bị đổi xe để lên Siemriep. Ngồi dưới trời nắng gay gắt hơn 1 giờ đồng hồ kể cũng oải. Riết rồi chúng tôi được dẫn lên 1 chiếc xe buýt cũ kỹ với bác tài rất chi là phong trần. Lạ là trên tay lái của những bác tài Cam thường thấy có vòng chỉ đỏ. Hỏi ra mới biết đó là vòng chỉ may mắn mà họ đã cầu xin được ở chùa hoặc từ những vị tỳ kheo khả kính. Mấy ngày sau, tại đến Angkor, tôi được diện kiến một vị đại đức ngồi ban phát cho khách thập phương những vòng chỉ này, bên cạnh là thùng đựng tiền giống như công đức. Xem ra, cứ nhìn cái vòng tròn dây nhiều lắm trên đĩa kia thì phát hết bấy nhiêu chỉ đỏ, ông đại đức kia mang về khá tiền…
 
 
Con xe cà khổ bò ra khỏi Pnom Phenh với tốc độ của rùa bò và trong cái nắng đổ lửa cùng bụi mù trời đất. Dù giao thông công chánh của bạn có xe tưới nước nhưng không ăn thua. Tưới xong là bụi đỏ lại lầm lên. Báo hại bác tài này còn dễ dãi vô tư dừng bắt khách dọc đường. Con xe xóc lên giằn xuống chao đảo như muốn bung ốc vít. Thôi kệ! đi cứ đi. Trên xe các em Tây, các em nước lạ còn chẳng thèm kêu ca thì mình nam nhi không lẽ thua họ…
Riết rồi cũng chạy tới trạm dừng chân. Nhện, châu chấu, cào cào và cà cuống…nướng với xào đây chứ đâu. Tôi hăm hở mua 2 $ cà cuống. Cố lắm mà nhai 1 con toàn bã với ớt xả. Thì ra, cái tinh dầu cà cuống họ lấy đi mất rồi cho nên cái thần xác cà cuống chỉ như xác con gián già mà thôi. Ngược lại, trứng vịt ở đây ngon tuyệt. Bẻ miếng trứng, chấm muối tiêu đưa vào miệng nhai thấy bùi béo khác thường. Nghĩ mãi: thì ra bên này nuôi vịt chính mác chạy đồng, còn bên mình nuôi vịt đẻ bằng cám cò công nghiệp. Hai thứ ăn khác nhau chính là lẽ đấy!
 
Dọc đường cũng có những quán cà phê võng y hệt Việt Nam...
 
Đêm trùm xuống nhanh. Bên Cam đường rất ít đèn. Có lẽ xe chạy qua những miền quê phần lớn. Khi xe đỗ xịch thì thấy rõ đây là Siemriep. Dưới ánh sáng yếu ớt, tôi thấy những xe ôm và tuktuk vây quanh. Nhìn đồng hồ: 22 giờ 19 phút. Hơi bị kinh giữa cái thành phố xa lạ mà một chữ nước ngoài bẻ đôi tôi còn chả biết.
Đi về đâu bây giờ? Câu hỏi xoáy trong đầu. Nhìn quanh xem có nhà trọ hay ho teo nào không đã: Chẳng thấy gì!
Bỗng ai vỗ vai tôi. Quay lại thì một cậu thanh niên Cam chính cống gật nhẹ và đưa ra miếng giấy có chữ Mr Hoa-Uocmonho.com. Hay là mình hoa mắt? Hoa còn có thể nhầm chứ Uocmonho.com thì chỉ có mỗi mình ta. Không có nhẽ gã sếp biết mình đi rồi chu đáo thế này? Dứt khoát không bao giờ có chuyện đó. Hay là…ông giời?!
Ngay lập tức, cậu thanh niên rút cái điện thoại to kềnh, vuốt vuốt một tý lòi ra cái Mail. Té ra, con gái mình nó sợ bố bơ vơ ban đêm giữa cái thành phố xa lạ này nên đã chủ động đặt khách sạn, thanh toán sẵn và cung cấp lộ trình cũng như tên tuổi yêu cầu khách sạn Paradis cho người ra đón tôi tại bến xe. (Vậy mà đôi khi mình vẫn mắng con là không biết lo xa)
Cũng ngay lập tức, cậu thanh niên tóm hành lý của tôi xếp lên cái tuktuk và ngay lập tức tôi ngồi lên với sự yên tâm vô bờ bến. Xem ra, ở hiền vẫn gặp lành…
Tôi trả tiền, cậu tuktuk ra hiệu rằng khách sạn đã thanh toán. Thôi thì chú cầm vài chục ngàn trà đá nhé. Ông bạn dòm lom lom vào tờ giấy 50 ngàn VND lạ lẫm. Nhưng anh ta vẫn cảm ơn và nhẻn cười hỏi tôi có thuê xe đi Angkor? Tôi cũng cười làm bộ không hiểu rồi tới quấy lễ tân…
May làm sao, cậu lễ tân nói tiếng Việt như người Việt. Anh ta lịch sự dẫn tôi lên phòng nghỉ, hướng dẫn mở khóa, dùng két, dùng các tiện nghi của cái khách sạn bóng lưỡng bởi gỗ căm xe và cẩm lai này…
Cái view khách sạn thật đẹp. Cửa sổ nhìn ra hồ bơi đèn đêm đang lung linh. Sóng quấy nhóng nhánh vờn lên những thân thể nam nữ đang quấn lấy nhau trong điệu nhạc dìu dặt. Thật thơ mộng và yên bình.
Tôi chỉ còn sức tắm rửa sơ qua rồi lăn ra giường ngủ kỹ…
 
Hồ bơi của hotel Angkor Paradise 
còn tiếp
VietHoa

Tin mới hơn:
Tin trước đây:
Ông : Đăng Thọ Dũng
Emai: dangthodung@yahoo.com
Số TK  Ước Mơ Nhỏ - Đặng Thọ Dũng: 2009206008503
Tại: Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, Chợ Mới, Đà Nẵng 
                                                                                                                                                                                                

Sống là cho…
Triết học phương đông có câu: “Làm cho mình là làm cho cuộc sống, còn làm cho người là làm cho cuộc đời!”.
Với quan điểm nhân thiện, câu nói trên đã đi xuyên suốt lịch sử và làm nền tảng nhân ái của loài người. Đối với chúng tôi nó có một ý nghĩa cực kỳ sâu sắc...
  • Tin mới

  • Đọc nhiều nhất