Ước Mơ Nhỏ - Tất cả vì trẻ em nghèo

Chương trình trao học bổng 2014 - 2015 : Biên giới Tây Nam

  Mở đầu khởi động cho chương trình trao học bổng “Nâng Ước Mơ Em” của Ước Mơ Nhỏ năm nay chúng tôi bắt đầu trao từ vùng biên giới Tây Nam của Tổ quốc. Vùng đất mà hơn một lần, bản thân tôi
.
đã từng xúc động viết ghi lại những kỷ niệm không thế nào quên trước tình cảm hi sinh, nghĩa cử quên thân của những người dân, người lính trong 2 cuộc kháng chiến Bảo vệ Tổ Quốc và Chống giặc Cứu nước.

Một đặc điểm của vùng biên giới phía Tây Nam Tổ quốc với nước bạn láng giềng là cái lằn ranh biên giới không hiểm trở đầy núi cao vực sâu như phía Bắc hay vắng lặng âm u huyền bí như Tây Pha Thét. Ở đây, chỉ là một cánh đồng. Bờ ruộng có hàng cây thốt nốt kia là bên đất bạn. Bên này là chúng ta. Một rặng, dải le xanh xơ kia, đường chính giữa là đường biên. Hay một con sông nhỏ, bên kia người dân của bạn còn bên này, bà con chúng ta…

Với sự gần gũi, thân tình và chân tình như thế. Những đám giỗ người ngồi không phân biệt đâu là Việt, đâu là người Cam. Chiếc ly nhỏ xoay chừng môi anh, môi tôi câu samaki hay lời đoàn kết cũng thuộc như nhau. Sự sống và hoàn cảnh trở nên gắn bó những người dân hai quốc gia nhiều năm. Thế nhưng giới chức lãnh đạo Khơ Me Đỏ không hề nghĩ vậy. Chúng kích động và xách động lòng hận thù và dùng sự tàn ác để áp lực cho binh sĩ của chúng tàn sát những người dân vùng biên giới cách đây hơn 30 năm.

Hơn 30 năm trước. Những sự việc kinh hoàng xảy ra tưởng như còn mới hôm qua thôi.

Hôm nay, ngày 03/9/2014, chúng tôi vẫn đi qua nghĩa trang lớn của Tân Biên. Anh Tuấn vẫn nhắc chúng tôi trong đó có nhiều cô giáo đã nằm lại cùng học trò sau vụ tàn sát dã man của lính Pôn Pốt. Màu xanh rợp mát của nghĩa trang cùng gió reo vùng biên giới giúp chúng tôi nhẹ lòng hơn. Không hương khói và anh em như luôn thấy có lỗi với các đồng chí, đồng đội nằm lại vì bao nhiêu chuyến về đây, chúng tôi chỉ còn thời gian mải mốt đến với những người đang sống. Chính lúc này đây, tại Phòng giáo dục Tân Biên, các đồng chí, đồng đội và các em học sinh đang chờ đợi…

Vậy là đã 4 năm Ước mơ nhỏ bén duyên âm thầm cùng các em học sinh nghèo, chăm học của vùng biên giới. Chị Trần Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng phòng Giáo dục huyện Tân Biên ngỏ ý mời Ước Mơ Nhỏ về biên giới đúng ngày khai giảng. Thế nhưng, chúng tôi không thể thu xếp vì ai cũng bận cực kỳ. Vậy là thống nhất tổ chức trao học bổng cho các cháu ngay sau lễ Quốc Khánh.

Đã dặn mãi các thầy là thật đơn giản trong phạm vi đơn giản. Nhưng chị Tuyết cứ cười bảo: Các anh lãnh đạo bên Huyện, Huyện Ủy, Dân vận, Tuyên giáo… khi biết anh VietHoa đã trở lại và đã 4 năm trao học bổng cho các cháu thì vui và thấy rằng đây là một nghĩa cử động viên rất lớn cho các cháu và phong trào cho nên năm nay bận mấy thì cũng bố trí dự lễ trao và gặp nhau cho một buổi.

Bước vào cái hội trường mới xây khang tranh nhất nhì huyện, tôi và thầy Bùi Anh Tuấn hơi choáng khi thấy một bác Camera to sụ với cái logo TTV hoành tráng. Mọi người đã đông đủ chờ. 10 em học sinh năm nay đã lớn bổng như các thanh niên và thiếu nữ. Cách đây 5 năm, khi tôi tiến hành về khảo sát thì các em còn là những bé gái, bé trai nhỏ xíu, lam lũ và …chân đất. Nhanh thật! thời gian thấm thoắt đã 5 năm trời.

Kia rồi, Phụ trách ban dân vận huyện:  bác Lê Bá Vũ; anh Võ Văn Long, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện Ủy, Chủ tịch Hội khuyến học Trần Văn Thanh nguyên là Phó chủ tịch Huyện năm trước. Sau khi ngồi an tọa thì chính cái ông ôm máy quay phim cũng ỏn ẻn tự giới thiệu: em là…trước đây lính uýnh bên Quân Khu 9. Loanh quanh trong cái mâm dài trưa nay ngó qua ngó lại toàn Bo Đót (bộ đội). Chụp hình chứ? Tất nhiên rồi! Cuộc trao học bổng cho các em học sinh trở nên ấm cúng và thân thiết.

Ngồi cạnh tôi, một chiến hữu cứ nhắc chừng: Khuya mai tôi gọi pôn dựng ông dậy tâm sự nhé. Vâng! Bác cứ tự nhiên, nhưng nói nhiều về cách xóa đói giảm nghèo, kinh nghiệm nuôi bò bê với lại hiệp thương bảo vệ biên giới nhé. Đừng mang vác chuyện thằng này cụt giò, ông kia bất hạnh…gì gì ngày xưa ra kể. Cái gì qua thì cho qua. Chúng mình hướng con cháu tới những tương lai khả dĩ…

Quay qua, quay lại, cái ba lô công tác của tôi mất biến. Quái! Bao nhiêu chuyến xê dịch, có bao giờ vắng đồ nghề? Hỏi thì bác Cựu Dân vận cười hình hịch: Ngày mai bác hãy về. Chúng em cất tạm ba lô. Mời bác ra giếng khoan rừng le rửa mặt cho mát rồi mình…nướng thịt. Ớ sao lạ? Nước giếng rừng le thì mát hẳn. Bởi vì đi bộ ra đó đã nắng chang chang vục mặt xuống gàu nước trong vắt làm sao không tỉnh người? Còn nướng thịt? Té ra, sếp Bùi Anh Tuấn, Phó Văn Phòng vật vội vã một chú heo rừng đời F 2. Giời ạ! Dứt khoát cơn cớ này, làm sao tôi có thể về xuôi???

Lại cùng nhau thả bộ. Đứng trước cánh đồng thưa thớt. Mọi người lại mường tượng tới ngày xưa. Cũng cánh đồng như thế này đây. Khi gặt xong gốc rạ ngả vàng. Trai gái nước mình, nước họ đối đáp, gửi cho nhau những lời thăm hỏi và tình cảm thân thương. Ôn xơ lanh bòong tê? (tiếng Kampuchia: em có yêu anh không?) Xo Lanh! Xơ lanh! (Yêu! Và yêu!). Những giọng cười trong trẻo len lách lúc thì qua từng gốc rạ, lúc thì vờn lên xõa mượt tàu thốt nốt xanh thâm.

Bây giờ, sau những can qua. Tình người như đã trở lại. Nhưng hình như tiếng cười mỗi bên chả còn vô tư như xưa. Anh bạn tôi quệt tay vào vách gạch thô nhám cười nhẹ: "Tụi này chả biết sống với nhau có chắc không nên cái nhà, cái tường làm cũng tạm bợ. Các ông tính…có gì xảy ra, sợ “nó” lại tràn sang phá phách thì mình uổng công…”.

Thôi, chả nói chuyện dông dài nữa. Mình đi vào việc học cho các cháu. Thật mừng vì 10 em học sinh Ước Mơ Nhỏ trao học bổng, cho tới hôm nay, hầu hết các em đã vươn lên khóa và giỏi. Chị Hồng Phượng, phụ trách Công đoàn nói với tôi:” Trời đất! đứa nào cũng ráng rỏi hết bác à! 4 năm trước, bác đi hỏi cùng chúng tôi là có đứa muốn nghỉ ngang đúng hôn? Bi giờ, cháu nào cũng học khá hết. Có 3 em năm nay sẽ hết cấp và thi đại học. Ai chớ nhỏ Tuyền học giỏi cỡ đó thì chuyện vào Đại học chẳng phải là mơ. Bác cứ chuẩn bị quà thưởng cho nó đi ạ.

Nghe cô trao đổi và nhìn vào bảng báo điểm tổng kết 2013- 2014 của các cháu thì thật vui. 4 năm trước, khi xoa đầu cháu bé da ngăm nhem nhẻm, chân trần không dép vùng biên này, tôi chả bao giờ hình dung có ngày các cháu tiến bộ như thế này…
Ờ! có thế chứ! Những mầm cây và những tấm tình...
Anh Ngô Văn Rẻ, Trưởng Phòng Giáo dục Huyện cứ xiết tay tôi thật chặt:" Thật là quí hóa. Anh cho gửi lời cảm ơn thật nhiều tới các nhà tài trợ và thiện nguyện Ước Mơ Nhỏ nhé...".
 
Hình ảnh:
Chị Hồng Phượng Công Đoàn (ảnh trên); chị Bạch Tuyết, Phó TP Giáo dục (ảnh dưới)
Chủ tịch Hội khuyến học trao học bổng cho các cháu
Em Huỳnh Ngọc Pha, phát biểu tri ân các nhà tài trợ và lãnh đạo
 
 
Cùng ngày giao lưu:
Mô hình VAC tại Biên giới...
Nhớ nghề, làm đôi chú cho bữa chiều...
Nhớn bùi, bé mềm. Cá Tra mập tròn như Cá Hú, canh chua ớt hiểm thì vô đối 
Thầy Bùi Anh Tuấn và thầy Hòa, Hiệu trưởng trường thực nghiệm Trần Đại Nghĩa
Có khác gì Triệu Tử Long múa thương bên bờ Tràng Bản đâu nhỉ
Chuyên gia gỡ cá có ngạnh Bùi Anh Tuấn đang biểu diễn
Thầy Hòa: Các bác chụp giùm tôi đôi tấm về úp lên Phây...
Quá Hoành!
 
Bài và ảnh: VietHoa
 
 

 


Tin mới hơn:
Tin trước đây:
Ông : Đăng Thọ Dũng
Emai: dangthodung@yahoo.com
Số TK  Ước Mơ Nhỏ - Đặng Thọ Dũng: 2009206008503
Tại: Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, Chợ Mới, Đà Nẵng 
                                                                                                                                                                                                

Sống là cho…
Triết học phương đông có câu: “Làm cho mình là làm cho cuộc sống, còn làm cho người là làm cho cuộc đời!”.
Với quan điểm nhân thiện, câu nói trên đã đi xuyên suốt lịch sử và làm nền tảng nhân ái của loài người. Đối với chúng tôi nó có một ý nghĩa cực kỳ sâu sắc...
  • Tin mới

  • Đọc nhiều nhất