Ước Mơ Nhỏ - Tất cả vì trẻ em nghèo

Hai đầu của thế giới phẳng ( Tiếp phần 3 - Truyện Phim)

  Ở cái tuổi Hưng, (con nít mà) người lớn nói gì thường tin ngay.Cũng chính vì vậy, mấy lần nó bị "người lớn" lừa đảo trắng trợn. Khổ thân nó, mỗi khi bị lừa xong, tức phát khóc. Buồn bao ngày sau đó.
.
Một hôm kia, buổi chiều nhá nhem...
Hôm đó, Hưng và Út bán được rất nhiều. Chúng nó có một món vốn khá to và đang trong giai đoạn mua bán những món hàng từ những bà buôn chuyến, khỏi phải đeo theo xe đò bán rong nữa.
Đại khái, nếu có người mang cà phê lên, tụi Hưng mua lại để họ đón xe về lại ngay ngày hôm đó. Họ khỏi phải ngủ đêm lại Sài Gòn, có vậy thì buôn được nhiều chuyến hơn. Còn chúng nó, nếu mua lại, rồi bán lại. Cách này bao giờ cũng có lãi cả. Nhờ ở chị Hương giúp đỡ vốn ban đầu.
Từ đấy, chúng nó bắt đầu thuộc loại khá giả ở bến xe, trong nhóm con nít sống vỉa hè.

Trở lại lại chuyện một hôm kia nhá nhem tối đó. Hưng và Út tính đi ăn thì chợt xe đò từ Thủ Đức trườn vô bến. Trên xe vắng khách. Chỉ có một chị đi xuống với một cái bụng bầu khệ nệ. Anh lơ xe bận rộn tháo hàng từ mui xe xuống nên chị bầu khó khăn vịn cửa xe dò từng bước chân xuống. Hưng không nhịn được lòng, bảo con Út đi ăn trước, để Hưng giúp chị ấy.

Hưng dìu chị có bầu vô trong bến ngồi xuống ghế nhỏ của một hàng nhậu sò huyết, sò lông. Té ra, chị ấy buôn xăng từ Thủ Đức lên. Chị bảo với Hưng, chị có mấy can xăng, mỗi can 20 lít, mang từ Thủ Đức lên. Chị muốn bán để mau mau về lại vì nhà chị còn mấy đứa nhỏ không ai trông. Hưng mau mắn giúp chị ngay. Hưng mua lại can xăng đó. Thú thật, nhìn thấy cái bụng khệ nệ của chị, nó áy náy.

Ở bến xe, mấy tay buôn xăng, họ ít khi mua xăng từ những người lạ. Thường thì họ mua xăng từ những mối quen biết. Khi ấy, chị Nga, cô Sáu Đen, mấy người đó đã cảnh báo Hưng đừng mua rồi. Nhưng Hưng đưa ngón tay vô can xăng, chấm vô xăng, đưa lên thổi một hơi thấy xăng bay hơi đi hết thì chắc là xăng tốt.

Thế rồi, đưa tiền cho chị xong. Chị ấy lên xe khác và đi về Thủ Đức ngay hôm đó.
Còn Hưng, sau khi giấu những can xăng trên những xe đò trống, Hưng đi kiếm con Út, vì hôm nay nó bảo Hưng nó có hai cái vé coi cải lương ở rạp hát Long Vân, nó sẽ đãi Hưng coi rạp đàng hoàng chứ không phải như những lần Hưng rủ nó leo tường sau vô rạp coi lén.

Ngồi trong rạp coi cải lương, Hưng chẳng tha thiết với cái màn mà người ta ngân nga đổ hò. Nhưng với con Út, nó mê cải lương lắm. Bởi vậy, mặc nó "suỵt suỵt im lặng cho tao nghe hát", Hưng cứ rầm rì vô tai nó kể về can xăng Hưng mới mua. Nghe Hưng kể xong, con Út bật dậy:
"Chết mày rồi. Mày bị bà đó lừa rồi. Tao biết con mụ đó. Nó chuyên môn mang can nước, bên trên đổ 1 hay 2 lít xăng, mang đi bán đó."

Hưng hết hồn. Ừa nhỉ, đúng rồi. Lúc thử xăng thì kì thật. Có khi, Hưng thổi xong mà ngón tay vẫn còn ướt. Nhưng khi chấm tay thử lại thì đúng thật là xăng tốt. Thế là 2 đứa bỏ luôn màn cải lương dang dở, chạy ra tìm đến can xăng.
Trời đất ơi, Hưng bị lừa! Trời ạ, nghĩ lại, cái mặt chị ấy thật là hiền khô. Khó mà tin được chị ấy lừa mình. Vốn liếng thế là bay luôn. Con Út chửi Hưng quá xá. Nó chửi Hưng suốt cả tháng trời sau đó. Nó chửi luôn cả đàn ông con trai của  cái bến xe này luôn. Nào là đàn ông mê gái, bị gái dụ, nào là quân tử ngu, quân tử khờ...

Mà tức thiệt chứ. Hưng chỉ là một đứa con nít thôi, có lòng tốt, vậy mà bị chị đó lừa gạt, lừa đảo. Không biết sau này chị ấy có khá được không nữa? Mấy ông lơ xe bảo Hưng: cái bầu đó chắc là bầu giả. Nhìn sơ sịa, mấy ổng lơ nói là hơi nghi ngờ, nhưng không dám nói.
Một bài học của tuổi ấu thơ: chớ nên tin... gái!

Rồi Hưng bị đánh. Không chỉ bị một người đánh, bị 2 người đánh làm 2 lần mới ác chứ.
Trong những ngày tháng sinh sống ở bến xe, Hưng làm nhiều chuyện mà mấy đứa khác bảo Hưng là "ngu dại". Thí dụ, một hôm, Hưng thấy xe bus thành phố, đề ga chạy lên, khi khựng lại 1 tí để xe sang số lớn chạy nhanh thêm, thì một thằng nhóc móc túi (trạc tuổi Hưng) chạy thật nhanh theo xe bus, đu người lên cửa sổ, giựt sợi dây chuyền của một chị hành khách. Sau đó, thằng nhóc chạy biến vào ngõ hẻm.
Hưng biết thằng nhóc và cái băng nhóm của nó. Vì thấy lảng vảng ở bến xe hoài mà.
Xe bus ngừng lại. Chị hành khách mất dây chuyền, mặt mày dớn dác hoảng hốt. Chị khóc và hỏi lung tung những người bến xe. Ai cũng quay lưng lại với chị, xem như không biết gì cả. Riêng Hưng, Hưng lại lăng xăng đến "méc" chị biết về cái thằng móc túi và nhóm của nó ra sao.

Đang méc cho chị ấy thì có một ông già đứng gần đó chỉ vào Hưng và nói với chị hành khách đó:
"Nè cháu à, cái thằng nhóc này cũng là đồng bọn với mấy tụi móc túi đó cháu"

Thế là, mấy người trên xe bus xúm lại nhéo tai, đánh Hưng tưng bừng. Hưng mồm miệng ra sao cũng không cãi được những bàn tay hận thù đánh đập đó. Con Út nghe nói Hưng bị người ta đánh, nó xông vào lôi Hưng bỏ chạy. Nó bảo đừng dại gì đứng đó mà cãi để ăn đòn. Mấy bà bán hàng gần đó cũng đứng che cho Hưng để nó chạy đi.

Chạy đi rồi. Một lúc sau, cái ông già già mà hô lên Hưng là đồng bọn đó, ông ta dẫn một băng đảng nhóc con móc túi lại, đánh dằn mặt cho Hưng một trận đòn bán sống bán chết nữa. Con Út quỳ xuống năn nỉ mãi, ông ta mới kêu bọn nó ngừng tay. Mấy người ở bến xe kêu xe xích lô chở Hưng vô nhà thương, cũng may, còn nguyên vẹn bộ xương sườn...
Té ra, ở bến xe thời đó, dù có thấy tụi móc túi ăn trộm ăn cắp, mình cũng phải làm lơ. Vì những người khách ở bến xe, họ đến rồi lại đi. Còn mình sinh sống ở vỉa hè nơi đó, lạng quạng, tụi móc túi sẽ xin tí huyết cho biết. Thêm nữa, cái ông già kia là bố già của mấy đám móc túi. Ông ta tai mắt ghê lắm. Nghe bảo là thường xuyên ông ta dẫn công an hay phường đội đi nhậu nhẹt nữa. Ấy là cái thời bao cấp ở bến xe.
Bị đánh tưởng gần như chết đi sống lại. Ấy vậy mà ra khỏi bịnh viện mặt mày còn băng bó tùm lum, vài ngay sau Hưng gặp chính cái thằng nhóc da đen móc túi (nó lai da đen vì tóc nó quăn tít, mắt rất là tây, da đen thui) hôm nọ. Ngồi nói chuyện với nó thấy cũng thân thiện, Hưng khuyên nó nếu có tiền thì để dành rồi trốn đi chỗ khác làm nghề đàng hoàng. Đừng móc túi nữa. Chả biết thằng nhóc da đen đó nghĩ sao. Đang nói chuyện vui vẻ, nó bực mình đứng lên, nện cho Hưng thêm một cú đấm giữa mặt rồi bỏ đi văng tục um sùm. Chắc có lẽ, Hưng chạm vô vết thương lòng của nó, hay chạm vô chuyện gì đó mà nó không thể làm được dù nó rất muốn làm.

Thế đấy, cả đời Hưng, đến tận giây phút này, nhớ lại lần bị đánh đó, Hưng vẫn còn cảm thấy run sợ cho sự ác độc giữa người với người.
 


Sài Gòn mưa đêm rất lạnh. Chứ không nóng và ẩm ướt như bây giờ. Có thể là hồi đó Hưng đói khát, không chịu lạnh được nên thấy Sài Gòn về đêm lạnh.
Có một đêm kia, nhà bà Ba bán cơm phải tráng xi măng đằng trước hiên nhà, nên Hưng không thể ngủ ở đó được. Ngủ ở công viên thì rất dễ bị công an phường đội hốt đi, mang về lại vùng kinh tế mới. Theo kinh nghiệm của Hưng, kiếm chỗ nào trên vỉa hè ít có dân lang thang là an toàn nhất.
Hưng đi lang thang tìm chỗ ngủ đêm trong những con hẻm nhỏ tăm tối của đường Hùng Vương, một con đường của Ngã Bảy Sài Gòn, hy vọng tìm được một mái hiên nào đó đủ rộng để tránh mưa.
Đêm nay chắc sẽ có mưa.
Hưng cảm được cái hơi nước lành lạnh trong sương đêm của bóng tối. Đang dò dẫm thì nghe tiếng gọi tên Hưng!
Thì ra là chị Gái!
Hưng biết chị Gái. Tên thật của chị là Gái. Còn thì khách của chị, họ hay gọi chị bằng nhiều tên rất mỹ miều như Hoa, Lan, Cúc, Diễm...
Chị Gái gọi Hưng từ trong bóng khuất của một hàng hiên nơi người ta kê những cái ghế bố, để khách lỡ đường mướn, ngả lưng tạm sang đêm, đợi chuyến xe của ngày mai. Chị có hẳn riêng môt chiếc sạp nhỏ giống như một cái giường vậy. Ai cũng biết chị làm nghề bán thân ở cái bến xe này. Chị khoảng tuổi 25, thuộc loại đàn chị hay đáng tuổi cô dì của Hưng.

Chị Gái vẫy gọi Hưng lại. Rồi hất hàm hỏi:
- Nhóc con, mày đang kiếm chỗ ngủ đúng không? Bà Ba đang sửa nhà mà
Hưng nhìn chị yên lặng.
Chị hỏi tiếp: "Con Út chị của mày đâu?"
Hưng lí nhí: "Dạ không biết. Từ chiều đến giờ hông thấy nó đâu hết".
Chị kéo tai Hưng sát lại chị, dí cái mặt đầy phấn son loè lẹt vào mặt Hưng, gằn hỏi: "Có muốn ngủ ké giường chị không? Chị cho ngủ đó".
Sống ở vỉa hè này khá lâu, Hưng đủ thông minh để biết lựa lời đáp hỏi chiều theo những người sống trong sương gió. Hưng cũng xưng chị em theo ý chị Gái.
- Dạ, em không dám. Em không dám làm phiền đến chuyện làm ăn của chị.
Chị Gái buông tai Hưng ra. Chị thở dài một cái, dịu lại giọng nói và quay mặt đi:
- Hôm nay chị không có làm ăn. Giường chị cũng rộng. Chị cho em nằm ké giường chị đó.

Thấy Hưng im lặng, chị tiếp:
- Mà nếu em không thích ngủ có chị, chị cũng không buồn ngủ. Chắc chị đi ra nhậu suốt đêm. Em cứ nằm đây ngủ đi. Chị cho em giữ giùm giường của chị. Khi nào nhậu về, chị đòi giường lại.
Không hiểu sao, giọng nói của chị có một cái gì đó đầy thương tâm và cảm xúc sao đó, làm Hưng không muốn chị phật lòng. Hay có khi, lúc đó, Hưng cũng buồn ngủ quá. Hai chân Hưng chả muốn đi tiếp những con hẻm mịt mù lởm chởm ổ gà với nước mưa và phân chó. Hưng nhanh nhẹn gật đầu và leo lên giường chị. Cẩn thận nằm ở thành giường quấn cái chăn cúa Hưng mang theo, và chìm nhanh vào giấc mộng. Giấc mộng gia đình lại được đoàn tụ, quây quần bên những bữa ăn tối, với tiếng ba Hưng sang sảng dạy các anh học, còn Hưng thì lẫm chẫm ngồi tô màu, cắt hình dán tranh... Cảnh gia đình Hưng trước khi đi vùng kinh tế mới đó mà!

Có lẽ, chị Gái nhìn Hưng ngủ lâu lắm, rồi chị mới bỏ đi. Hưng cảm được điều đó trong khi Hưng ngủ...

Đến khoảng 4 giờ sáng, cơn mưa rơi đánh thức Hưng dậy. Hưng thấy mình đang nằm trong lòng của chị Gái. Chị ôm lưng Hưng, phà hơi thở đầy mùi rượu vào cổ Hưng. Người chị gái ướt đẫm nước mưa. Chắc chị mới đội mưa đi về....
Hưng gỡ vòng tay của chị, quấn cái chăn của mình lại, và lấy chăn của chị đắp lại cho chị. Chị Gái ú ớ vài tiếng vô nghĩa như phản đối ai đó, rồi chị quay mình vô vách, cuốn chăn quanh người và đều đều ngáy tiếp.

Trời mưa tầm tã, Hưng đứng mon men bên vách hiên cho đến tận hừng sáng. Vài người khách ở ghế bố khác thức dậy, ngồi đốt thuốc thả khói mịt mù. Một bác lớn tuổi hỏi Hưng:
- Hai mẹ con cháu đi về tỉnh nào?
Chắc bác ấy tưởng Hưng và chị Gái là hai mẹ con. Hưng nhìn bác lắc đầu, chạy nhanh bỏ lại sau lưng cái hàng hiên với chị Gái nồng nặng hơi men rượu.

Trong ngày, Hưng kể cho con Út nghe.
Con Út mắng Hưng như tát nước. Nó hăm dọa Hưng đủ điều. Nào là nó bảo, "mấy con nhỏ đĩ điếm mang bịnh cùng mình, nếu mày mà ngủ chung chăn chung giường với tụi đó, mày sẽ bị lây bịnh. Mà bịnh toàn tim la, giang mai, lậu với hột xoài".  Nó cứ hói gặng Hưng là: "khi mày tỉnh dậy, có thấy quần áo mày bị thay đổi gì không vậy? Có bị bà đó hiếp chưa?".

Hồi đó còn nhỏ, Hưng chỉ biết lo sợ khi bị con Út hăm doạ thôi. Hưng lo lắng đến mức, mang chuyện đi hỏi mấy chú chạy xe ôm. Họ bảo nó là không sao đâu. Không có làm chuyện người lớn thì không sao. "Ngủ chung một giường, lại đắp chăn của mày, chắc chắn không có sao đâu. Yên tâm đi nhóc". Mấy chú bảo Hưng vậy.

Thế nhưng từ đó về sau, nó thà ngủ ngoài mưa hơn là để con Út lo lắng vì lây bịnh hoa liễu.
Thật ra, bây giờ Hưng nghĩ lại, khi Hưng lây lất sống ở bến xe, mấy chị làm gái ăn sương là những người hay binh vực Hưng nhiều nhất. Binh vực hơn cả mấy bà bán hàng. Có nhiều lúc, Hưng bị đám móc túi hăm doạ đòi đánh, mấy chị hay nói khéo cho Hưng khỏi bị chúng đánh.

Hưng vốn rất ghét công an, thời ấy. Nhưng một bận, nó chứng kiến 1 chuyện và suy nghĩ khác.
Chuyện yêu ghét?  Khi ấy, Hưng bé lắm. Nên tất nhiên không đủ trí khôn để ghét công an qua những kiểu như là: ừa! chế độ thay đổi làm gia đình tan nát, ừa! gia đình tan nát làm mình lưu lạc vỉa hè; ừa! công an là dính với chế độ là một, nên ghét họ? Nó hoàn toàn không có suy nghĩ cao siêu như vậy đâu.

Cái sự yêu ghét của nó chủ yếu vì trực tiếp xung chạm mà thôi.
Khi sống ở vỉa hè, chung quanh Hưng là những con cá mập lúc nào cũng chèn ép, ăn hiếp, trấn lột nó. Công an phường đội không binh vực Hưng thì chớ, có khi họ cũng...trấn lột luôn nữa. Họ không ăn hối lộ trực tiếp từ bọn nhỏ. Nhưng có một luật ngầm bất thành văn ở chốn phong sương ấy. Đó là:
"nếu mày bỏ của chạy lấy thân, thì tao lấy của, tha cho mày lần này đấy !"
Thế đấy.
Nên lúc nào cũng phải có "của" phòng hờ trong người. Nếu bị công an rượt bắt, dễ lắm, bỏ của lại. Thế là cứ từ từ mà đi thôi. Vừa đi vừa ca hát cũng được. Chỉ cần chạy băng qua bên đường, sang địa phận của phường khác, thế là xong.
Thỉnh thoảng có tổ chức đi ruồng bắt dẹp bến xe cho đẹp, thế là 2 đứa Hưng và Út nghèo đi ngay. Có khi sạch vốn.

Nhưng chúng nó vẫn vui vẻ. Vì dù sao, còn có tự do là còn có thể làm ra đồng tiền, còn có thể sống được. Cái tự do sao mà thích thật! dù trả giá rất đắt. Sau này, Hưng chứng kiến bao người vuợt biển, mang sinh mạng ra để đổi lấy hai chữ này. Chính Hưng và anh em nó cũng trong số đó.

Đôi khi, đầu óc non nớt của nó thắc mắc là: vài người khu vực họ có súng, lại không chịu bắt hết mấy đứa móc túi, lại cứ nhắm tụi Hưng là những đứa bán hàng rong, để bắt nhỉ?

Có nhẽ, họ chỉ cậy mạnh ăn hiếp người yếu mà thôi. Hưng nghĩ rồi cho là chắc vậy. Họ ở đây là cái anh công an khu vực nơi bến xe thời đó. Có khi, khứa đi chơi gái ở bến xe, rồi sáng ra, quyt tiền của mấy chị buôn son bán phấn nữa. Đúng là phép vua thua lệ làng... Những người quả lý khu vực thời bao cấp là những lãnh chúa hà khắc và vô lý nhất...

Hai cái Hưng sợ nhất mà sau này, trong những cơn ác mộng, cứ lâu lâu ập về làm Hưng run sợ ứơt đẫm người mồ hôi khi hừng sáng.
Sợ nhất nhất là bị tụi móc túi chận đường đánh, cướp hết tiền bạc
Sợ nhì là bị tìm ra mấy chỗ chúng nó giấu hàng, tịch thu hết hàng hoá. Những khi đó, Hưng chỉ dám lảng vảng từ xa, nhìn vô phường tiếc rẻ đống hàng của mình. Mỗi lần như vậy, Hưng và Út bị cụt vốn, trở lại từ 2 bàn tay trắng, lại lò mọ xây lên từ con số không.
Có người nói: "Sao tụi bay không vô phường, đóng phạt hay đút lót rồi lấy hàng về?"
Có trời mới dám. Hưng thử một lần rồi. Kết cuộc bị nhốt suốt đêm trong phường, đợi ngày để họ chở về vùng kinh tế mới. Lần đó, Hưng phải lén trốn ra khỏi phường, ù té chạy khi người ta lu bu không để ý.
Sau này, khi Hưng ghé về lại thăm, những người lính công an thời đó, có kẻ đã chết vì bịnh tật, có kẻ về hưu và chả biết dọn đi đâu. Nhưng chả còn ai là người cũ của thời lưu lạc của Hưng cả.

Chỉ duy còn 1 người duy nhất, vẫn ở chỗ cũ, đó là anh Tâm.
Anh Tâm là công an khu vực sau này, người làm Hưng thay đổi cách nhìn về những người công an. Thật ra, thành phần nào cũng có kẻ xấu kẻ tốt cả.
Sống ở đời, nên tin rằng, không phải suốt đời mình chỉ gặp kẻ xấu. Nêu mình tốt, rồi cuộc đời sẽ ban cho mình những kẻ tốt giống mình thôi....

Cái thân nhất, đắc dụng nhất, trong khoảng đời lưu lạc bến xe của Hưng, đó là... một tấm vải dù.
Tấm vải dù được cắt ra từ một cái dù, dùng cho lính nhảy dù trong quân đội Miền Nam lúc trước. Tấm vải dù này được một chú xe ôm cho Hưng. Chú ấy bảo, nhà chú có cái dù thời chiến tranh, nhưng không dám mang ra xài, vì sợ phường khóm chụp mũ cho là phản động thì chết.

Với tấm vải dù đó, ban đêm ngủ vỉa hè hay nóc xe đò, Hưng và con Út đắp trên người. Khi trời mưa, Hưng biến nó thành cái áo mưa. Và khi trời nắng, Hưng cột hai đầu của tấm vải dù vô tường của phòng thông tin văn hoá quận 10, ngay góc đường Lý Thái Tổ, còn hai góc kia, Hưng cột dây vô 2 hòn đá lớn, chèn dưới cái nắp cống, thế là biến thành một cái lều nhỏ che nắng. Làm “văn phòng” nơi hai đứa trẻ giao dịch buôn bán với các bà buôn hàng chuyến ở các tỉnh khác lên.

Kinh nghiệm của đám nhóc sống vỉa hè của tụi Hưng là, vào ban ngày, tuyệt đối không bao giờ lảng vảng ở nơi mình tính sẽ ngủ đêm. Khi đêm về, phải đợi khi giới nghiêm, mọi nhà đi ngủ hết, lúc đó mới lén đến cái nơi mình tính ngủ và co mình nằm kín đáo. Trước khi trời sáng, phải dậy và ra đi. Tức là, không bao giờ để chủ nhà biết mình ngủ trước nhà họ cả. Nếu biết, họ sẽ mang nước ra đổ tạt. Có khi xua chó cắn mình trong.. giấc mơ.
Tuyệt không bao giờ để nguời ta nhầm lẫn mình với ăn mày. Vì ăn mày là đồng hạng với ăn cắp vặt, trong con mắt của các chủ nhà là vậy!
Trên người Hưng, cũng như con Út, quanh năm suốt tháng chỉ một bộ đồ. Khi nào rách nát, nhàu nhĩ bở bục bỏ đi, chúng nó thay bộ khác. Hôm thay bộ khác là cả khu Ngã Bảy đều trầm trồ. Bây giờ nghĩ lại, thực tức cười. Thiên hạ không thấy lạ lùng khi mình ở dơ, mặc bộ quần áo quanh năm suốt tháng. Lại lạ lùng nếu khi thấy 2 đứa nhóc thay bộ mới! Thật là kỳ lạ.
Sau này nó thích đi câu cá thi. Cũng kỳ lạ nữa là: Khi câu được con cá to vào giải đấu thì ít người trầm trồ nhưng khi xảy vuột con cá cỡ đó, người ta ồ lên như kiểu “ố nhân thành, lạc nhân bại”.

Tại sao tụi Hưng có thể mặc một bộ quần áo quanh năm suốt tháng thủa ấy, lại không bị ghẻ lở hay xông mùi vậy nhỉ? Lắm khi Hưng thắc mắc.

Sau này, Hưng tự tìm ra được cách giải thích.

Ấy là vì, thỉnh thoảng, chúng Hưng vô cây xăng, rửa xe đò kiếm chút tiền bo của mấy anh lơ. Mỗi khi rửa xe, khác nào 2 đứa tắm! Từ trên xuống dưới đều ướt nhẹp. Trưa Sai gòn nắng chang chang, còn gì tuyệt vời hơn là rửa xe rồi "tắm nghịch luôn" trong cây xăng. Với lại, mỗi lần phụ mấy anh trong cây xăng thay nhớt, xong, áo quần Hưng.. uớt đẫm dầu nhớt. Mà dầu nhớt thải của động cơ thì cái ghẻ với hắc lào gọi bằng …ông Nội!

Ngoài bộ quần áo trên người ra và tấm vải dù đó ra, Hưng chả có cái gì gọi là của riêng cả. Toàn dùng đồ chung với con Út. Con Út có một cái túi vải, trong túi đó thật nhiều đồ lủng củng. Nào bàn chải, nào xà bông, nào khăn mặt, nào dầu gió, nào kem đánh răng... Nó để tiền luôn trong đó. Có một số thứ nữa, khi ấy, Hưng chả biết là gì. Hình như là đồ của phụ nữ thì phải. Đêm nằm, nếu ngủ chung, nó hay bắt Hưng gối đầu bằng cái túi vải đó, còn nó thì nó gối đầu trên tay Hưng. Hình như nó có vẻ yên tâm hơn khi giao cho Hưng giữ cái túi quý báu của nó. Vì có khi, nó ngủ mui xe đò nhưng vẫn bắt Hưng phải giữ giùm. Và bao giờ cũng vậy, dặn dò:
- Tao cấm mày được mở túi của tao ra xem lén đó nha hông mảy.
Tất nhiên, Hưng gật đầu lia lịa cho nó an tâm.
Dân buôn bán vỉa hè, họ thường hay nói lóng từ "kiến vàng" để ám chỉ công an. Mỗi khi sắp có đợt công an đi dẹp, các chú xe ôm dù đang chở khách, cũng lộn xe phi về báo:
- Có kiến vàng đang đi đó bà con ơi.
Thế là Hưng và Út le te mang hàng, có khi là can xăng, có khi là thuốc lá, có khi là cà phê, bọc các hẻm nhỏ để rút sang... quận khác!
Có lần, Hưng thắc mắc hỏi mấy nguời ở bến xe: "Sao lại gọi là kiến vàng?"
Mấy ông đạp xích lô cười cười giải thích: "Thì áo vàng, giống mấy con kiến vàng đó mà. Mày có thấy ổ kiến vàng không? Mày mà chọc vào ổ kiến, nó tua ra đốt cho mà chết. Khôn hồn thì đừng chọc vào ổ kiến lửa nhé. Chọc vô, chúng hung hăng đốt có mà chạy như vịt".

Ôi, công an là thuợng đế. Còn chúng Hưng, lớn lên đã bị xã hội gán cho vài tội mặc định, cho nên lúc nào cũng lấm lén chạy cho nhanh.
Cái tháng trước khi Hưng ra đi vượt biển, một hôm, anh Tâm là công an khu vực mới đổi về. Người khu vực cũ nghe bảo được lên cấp vụ cao hơn nữa ở một quận khác.

Anh Tâm là người miền Nam. Anh rất ít nói, có khuôn mặt thật trẻ và hiền. Phải nói là khuôn mặt anh có dáng dấp... bơ sữa, công tử, chứ không sắt máu, đằng đằng hận thù, răng đen mã tấu như ông công an cũ.

Những ngày anh về nhậm chức, anh hay đứng xa xa, nhìn chúng nó sinh hoạt. Hồi đầu, chúng nó sợ và bỏ chạy. Nhưng sau thấy anh chỉ đứng xa xa nhìn, có vẻ hiền, nên Hưng không bỏ chạy nữa.
Một hôm kia, trời còn tối chưa kịp sáng hẳn, không khí lạnh của đêm Sài Gòn vẫn còn vướng vấn làm Hưng.. ngủ nướng trong chăn. Nó chưa muốn dậy để rời khỏi cái hàng hiên quen thuộc. Chợt hết hồn khi nhận ra, anh Tâm đang ngồi thu lu co mình trong góc hàng hiên ngay dưới chân Hưng đang nằm.
Hưng tròn mắt và thót tim. Nó tỉnh ngủ hẳn, nhìn anh khu vực kinh ngạc. Cứ tưởng như mình đang nằm mơ, thì anh đưa ngón tay lên miệng anh, ra dấu hiệu cho Hưng giữ yên lặng. Cứ như vậy một lúc lâu, té ra, anh đang ngồi rình bắt mấy thằng móc túi ở bến xe. Hưng dõi theo hướng mắt nhìn của anh, thì ra, anh đang canh bắt cái thằng to con nhất, lớn con nhất, bậm trợn nhất của băng đảng móc túi cướp giật ở khu này. Cái thằng này, Hưng nghĩ, chắc nó cung phải trên 20 tuổi chứ khổ nhỏ gì. Chỉ là nó lùn tịt, người vuông như khúc gỗ, nên người ta lầm tuởng nó còn nhỏ đó thôi.

Thằng này không biết anh Tâm đang rình, vì nó đang rình xe bus để chạy theo giựt đồ.
Vụt 1 cái, nó giựt đồng hồ.

Anh Tâm như một con cọp bật người phóng ra, trong tay anh cầm theo một cây súng AK, anh rượt thằng đó băng qua bùng bình vườn hoa. Có mấy đứa băng đảng xông ra như muốn cản địa. Anh Tâm bắn hàng loạt đạn AK khô khan lên trời. Hai người rượt nhau băng từ khu Lý Thái Tổ,  sang khu Lê Hồng Phong, rồi lại ngựơc khu Lý Thái Tổ. Rốt cuộc, anh Tâm bắn què chân thằng cướp đồng hồ đó. Rồi anh lôi nó đầy máu me, sềnh sệch về đồn công an.

Những ngày sau đó, băng đảng cướp giật biến mất khỏi bến xe.
Anh Tâm thì thỉnh thoảng, về đêm, ngồi nơi Hưng ngủ, vừa ngồi canh xem bọn đó có quay về lại…
Một đêm, khi Hưng tỉnh dậy lúc trời gần sáng, anh ngồi dưới chân tụi Hưng chả biết từ hồi nào.
Hưng dụi mắt bắt chuyện và thanh minh trước:
- Dạ em thỉnh thoảng mới mua bán xăng lậu thôi anh ơi. Với lại em không dính dáng với tụi móc túi cướp giật.
Anh cười:
- Anh biết. Anh canh ở đây để bắt tụi móc túi cướp giật chứ không phải bắt hàng lậu của tụi em. Có điều, tụi em phải cẩn thận kẻo gây cháy khi buôn bán xăng dầu.
- dạ, lúc trước em bán trà đá dao theo xe buýt, nhưng không đủ sống nên tụi em xoay ra bán hàng lậu.
Con Út nghe tiếng nói chuyện, cựa mình ngồi dậy nhìn.
Anh lơ đãng đốt điếu thuốc:
- Hai đứa là 2 chị em ruột?
Hai đứa cùng nói một lượt. Hưng thì nói "không". Con Út thì "dạ chị em ruột" !
Anh Tâm bật cười. Anh bảo:
- Em nói giọng Bắc đặc, còn nó thì giọng Cần Thơ quê của anh, vậy làm sao là chị em ruột đuợc chứ!
Con Út ngượng ngập nhìn đi chỗ khác. Hình như lúc nào nó cũng muốn mọi người ở bến xe này tin Hưng là em ruột của nó.
Anh Tâm hất hàm hỏi Hưng:
- Ba má em ở đâu mà ngủ hoang?
Hưng tần ngần, chưa biết trả lời anh ra sao thì con Út láu táu khai ra hết. Chắc nó thấy anh Tâm thân thiện và có dáng vẻ bao che cho chúng Hưng.
- Thằng này ba nó đang trong trại cải tạo. Còn má và chị em nó ở vùng kinh tế mới đó anh. Nó trốn về đây, em bao che giúp nó ở bến xe này.

Anh nhìn Hưng như dò hỏi... thêm chi tiết. Hưng đành tiếp: "nhà em ở quận 3. Cũng gần đây thôi, đi thẳng con đường Điện Biên Phủ này xuống một lúc thì đến nhà em. Nhưng… bây giờ không phải là nhà em nữa. Bị tịch thu rồi'.
Hưng nói dối: "Em không biết mấy người còn lại trong gia đình em đang ở đâu. Họ cũng trốn ra khỏi vùng kinh tế mới sau khi em trốn".

Hưng nói dối vì thật ra, mẹ và các em Hưng, các chị Hưng, vì nhỏ quá và chân yếu tay mềm, họ tá túc sống lén ở nhà ông bác Hưng tận bên quận chi đó gần Cầu Kênh. Hưng chỉ biết đường đến đó chứ cũng không biết là quận gì.

Anh Tâm rít một hơi khói thuốc, nhả khói lên bầu trời còn đang dần ửng sáng nhưng vẫn còn vài sao đêm. Anh nói:
- Từ từ khi công việc ở phường yên ổn, anh sẽ giúp 2 đứa có hộ khẩu tạm trú ở đây, ở nhà của anh. Quận đang có chuơng trình giúp đỡ nhưng gia đình nghèo. Để xem, anh có thể giúp tụi bay đi học xóa nạn mù chữ.

Thế rồi, anh đứng lên, kéo lê khẩu AK nặng chịch đi xuyên vô ngõ hẻm để tắt về nhà của anh.
Hai đứa nhỏ nhìn nhau. Con Út nói: "Cái ông này khùng mày ơi!" 
Con Út cho anh Tâm là ông khùng. Nhưng Hưng thì đang ngẫm nghĩ về những lời an ủi của má Hưng, mỗi khi Hưng tìm gặp bà để đuợc bà ve vuốt những vết sẹo chưa kịp lành da trên người Hưng. Mỗi khi Hưng bị tụi móc túi đánh.
Lòng Hưng chùng xuống vì cảm động.
Má Hưng thường an ủi Hưng là: ở đời, dù người ta có xấu có chửi mình, cũng đừng xấu và chửi họ lại. Mình cứ sống tốt. Người ta xấu, không có nghĩa là mình phải xấu theo. Cứ tốt rồi một mai, ông trời sẽ cho người tốt gặp mình.

Anh Tâm là người công an tốt. Có lẽ là một trong nhiều người tốt trong số không ít người công an xấu Hưng gặp qua thời ấy nơi bến xe hoang tạp này…
 
 
Còn tiếp

Tin mới hơn:
Tin trước đây:
Ông : Đăng Thọ Dũng
Emai: dangthodung@yahoo.com
Số TK  Ước Mơ Nhỏ - Đặng Thọ Dũng: 2009206008503
Tại: Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, Chợ Mới, Đà Nẵng 
                                                                                                                                                                                                

Sống là cho…
Triết học phương đông có câu: “Làm cho mình là làm cho cuộc sống, còn làm cho người là làm cho cuộc đời!”.
Với quan điểm nhân thiện, câu nói trên đã đi xuyên suốt lịch sử và làm nền tảng nhân ái của loài người. Đối với chúng tôi nó có một ý nghĩa cực kỳ sâu sắc...
  • Tin mới

  • Đọc nhiều nhất