Ước Mơ Nhỏ - Tất cả vì trẻ em nghèo

Bình Tam quốc bài 17: Bình luận về lý do bắc phạt tương dương - Quan Vũ lìa đời (tiếp theo)

 Giữa tháng 8 năm Kiến An thứ 24, sau trận tháo nước bắt Vu Cấm và giết Bàng Đức, oai danh của Quan Vũ chấn động đến tận Hứa Đô, các cựu thần nhà Hán nhao nhao phản Tào, ngấm ngầm hưởng ứng Quan Vũ, 
.
nhân dân ở vùng Hoa Bắc cũng rục rịch chuẩn bị hướng cả về Kinh Tương chờ đợi. Trước tình hình chiến sự bất lợi ở phía Nam, tình hình nhộn nhạo ở Hứa Đô và các vùng phụ cận, Tào Tháo trong cuộc họp nội các đã có ý kiến thiên đô về Nghiệp Thành là đại bản doanh của mình đề phòng trường hợp Phàn Thành thất thủ sẽ có thể xảy ra những biến cố lớn vượt tầm kiểm soát, song tham mưu là Tư Mã Ý lại phản đối ý kiến ấy. Ý cho rằng đó là thời điểm này hết sức nhạy cảm, việc thiên đô rất không nên, sẽ càng làm cho chính trị rối ren hơn, cần phải mau chóng chi viện tiếp cho Phàn Thành. Nếu mà chặn đứng được bước tiến của Quan Vũ ở Phàn Thành thanh thế của Quan Vũ sẽ suy giảm nhanh chóng. Tiếp đó nên sai người đưa thư sang Ngô hẹn cùng khởi binh đánh Quan Vũ từ hai phía: Tào đánh ở Phàn Thành, Ngô đánh mặt Giang Lăng, Kinh Châu sẽ mau chóng yên định, tình hình Hứa Đô tự khắc sẽ yên. Tháo ghi nhận ý kiến tích cực đó, ra sức chuẩn bị binh mã, tự mình thân chinh đến đóng quân ở Lạc Dương, để nghe ngóng tình hình và xắp xếp các đạo quân sẵn sàng chi viện cho tiền tuyến, đồng thời sai người đưa thư sang Ngô hẹn hai đầu cùng tiến.

Bấy giờ ở Phàn Thành, bốn mặt nước ngập mênh mông, lụt lội tứ tung, hoàn cảnh dân chúng cực kỳ bi thảm. Tào Nhân cấp tấp triệu tập hội nghị quân sự bàn việc tác chiến, đa số các tướng lĩnh bày tỏ ý định đột kích phá vây chạy về Dự Châu chờ kết hợp binh lực của Tào Tháo để tấn công lấy lại Phàn Thành, song tham mưu Mán Sủng lại có ý kiến phản đối gay gắt, Sủng cho rằng "Phàn Thành tuy bị nước ngập song nước lũ đến dữ dội thì cũng sẽ rút đi rất nhanh, chỉ cần cố giữ thành trì chừng mươi hôm, nước tất phải rút, bấy giờ củng cố lại thành trì, mấy vạn người gắng sức thành cao hào sâu cố thủ, Quan Vũ chẳng dễ gì hạ được thành trì. Nếu bỏ Phàn Thành mà chạy, mất đi vị trí chiến lược, giao cứ điểm quan trọng vào tay địch thủ tất vùng Uyển Lạc sẽ bị uy hiếp nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến Hứa Đô, đây chính là thời điểm vì dân vì nước nên phải liều bất kể sống chết để cố thủ". Tào Nhân nghe thế rất cảm động trước ý chí kiên cường của Mán Sủng nên đã tự tay dìm chết con ngựa trắng yêu quý của mình xuống nước, lại tuyên bố trước toàn thể quân dân Phàn Thành rằng:"Nguỵ Vương giao cho ta giữ thành trì này, nay dù chết cũng không bỏ thành trì cầu mạng sống, ai nói tới việc bỏ thành sẽ chém chết không tha!" Rồi tự thân đi đầu, cùng với quân dân trong thành gánh đất đắp thành, tu bổ những nơi bị sạt lở, chống chọi với nước lũ. Quả nhiên chừng nửa tháng, nước rút dần đi, tình thế khẩn trương ở Phàn Thành lại lắng xuống, sỹ khí quân dân Phàn Thành lại được khôi phục lại đáng kể.

Tin tức ở Phàn Thành bay về Lạc Dương, Tháo rất khen ngợi lòng trung liệt của Mán Sủng và ý kiến sáng suốt ấy, liền đó sai một viên tướng già dặn kinh nghiệm có khả năng tác chiến độc lập rất cao là Từ Hoảng đến chi viện cho Phàn Thành. Từ Hoảng là người rất hiểu việc, khi đến gần Phàn Thành, Hoảng không đấu lực mà muốn đấu trí, vì thế nên đã bố trí binh lực rải rác khắp các nơi hiểm yếu để phòng thủ chặt chẽ có thể sẵn sàng xuất kỳ bất ý đánh vào đạo quân tập trung của Quan Vũ quanh Phàn Thành, lại dùng đòn tâm lý chiến tung tin rằng quân Ngô đã chiếm Kinh Châu, hậu phương Quan Vũ đã mất khiến Quan Vũ không có cách nào đánh nhanh thắng nhanh được, thanh thế của Quan Vũ cùng dần dần chùng xuống. Trong một lần công phá thành trì Quan Vũ bị tên bắn bị thương buộc phải đình chiến sự tạm thời để dưỡng thương. Chuyện Hoa Đà cạo xương chữa thuốc cho Quan Vũ là chuyện có kể trong chính sử, gần giống với TAM QUốC DIễN NGHĨA đã kể, mọi người có thể nhìn thấy rất rõ ở đấy sự dũng cảm và gan dạ tuyệt vời của Quan Vũ.

Lúc bấy giờ ở chiến tuyến Giang Lăng phía nhà Ngô, Lã Mông khỏi bệnh đã trở lại nắm binh quyền, vừa hay khi ấy Tôn Quyền nhận được thư của Tào Tháo xúi giục khởi binh, Quyền đem ý ấy trao đổi cùng Lã Mông, Mông cho rằng lúc đó Quan Vũ đương dưỡng thương ở doanh trại ngoài Phàn Thành, quân lực giữ hậu phương Kinh Châu rất ít, đó là thời điểm rất lý tưởng để đột kích chiếm Kinh Châu. Quyền hết sức ủng hộ Mông, liền đó Mông khẩn trương điều phối binh mã các mặt cùng đánh vào các cứ điểm quân sự phòng thủ của Quan Vũ ở phía Nam. Phan Chương, Tưởng Khâm ngược dòng Trường Giang chẹn đường Quan Vũ trên đường Tương Dương – Giang Lăng. Lục Tốn dẫn binh đánh vào Nam Quận, Công An và Tỷ Quy (thuộc Vũ Lăng) phong toả cửa khẩu Tam Hiệp nhằm cắt đứt liên lạc giữa các quận Kinh nam và Tây Thục. Lã Mông tự dẫn tinh binh vượt sông đánh vào cứ điểm Giang Lăng phong toả tin tức giữa Giang Lăng với Tương Dương. Tất cả các đạo binh đều khẩn trương tiến phát cùng lúc. Quả nhiên việc ra binh rất bất ngờ và thần tốc của Đông Ngô khiến quân Kinh Châu ở hậu phương tan vỡ hết sức nhanh chóng, tin tức cũng chẳng kịp bay đến tai Quan Vũ ở Phàn Thành, khi ấy Quan Vũ vẫn đang đau đầu đối phó cùng Từ Hoảng.

Chẳng bao lâu, đến cuối tháng 9, tin tức về việc Đông Ngô chiếm được Kinh Châu lan truyền đến tiền tuyến, Quan Vũ được tin vô cùng sợ hãi, lập tức triệt bỏ các đạo binh vây Phàn Thành rút về Giang Lăng nhằm lấy lại 3 quận Kinh Châu, tuy nhiên bụng quân hết sức xôn xao, Từ Hoảng bấy giờ lại xua binh truy kích từ phía Bắc, Phan Chương-Tưởng Khâm lại xuất kỳ bất ý chẹn ngang đường rút quân của Quan Vũ, đạo quân Kinh Châu nhanh chóng đại loạn, binh sỹ bỏ trốn vô số, mấy vạn quân mười phần tan tác đến bảy tám, Quan Vũ không biết làm sao đành phải xua binh chạy đến đóng ở Mạch Thành, sai người cầu cứu Lưu Phong và Mạnh Đạt ở Thượng Dong. Lúc bấy giờ, tin tức chiến sự Kinh Châu hết sức bấn loạn, Ngô Nguỵ ra sức phao tin chuẩn bị đánh phá các nơi, Mạnh Đạt cùng Lưu Phong thấy binh lực của mình rất ít chỉ lo giữ Tân Thành không dám cứu viện Quan Vũ nên khước từ đề nghị cứu viện. Quan Vũ cô thế ở Mạch Thành chừng nửa tháng buộc phải đột kích phá vây định chạy về Tây Thục, dọc đường bị quân phục binh của Ngô bắt sống và sau bị Tôn Quyền giết chết. Bấy giờ Quan Vũ 58 tuổi.

Đến đây chính thức chấm dứt chiến dịch Tương Phàn và biến sự mất Kinh Châu đã khiến người đọc TAM QUốC DIễN NGHĨA đã từng than thở xoa tay tiếc cho sự nghiệp hưng nhà Hán của phía Thục suốt hơn 600 năm qua. Với những ai yêu thích nhà Thục Hán thì quả cũng là điều đáng tiếc đấy chứ!

Toàn bộ kịch bản thanh toán Kinh Châu và Quan Vũ tác giả chính là Đô Đốc tạm về hưu Lã Mông!

Nói đến Lã Mông, người đời sau nhớ đến ông như một quái kiệt khi bày mưu vừa lấy lại Kinh Châu, vừa bắt sống cha con Quan Vũ. Vậy, Y là người như thế nào? Chúng ta cũng nên dành vài dòng cho Va:

Lịch sử và các văn bản dã sử đều cho Lã Mông là bậc tài trí. Nhưng những ai đã từng bị ảnh hưởng nhiều từ TAM QUốC DIễN NGHĨA của La tiên sinh với quan điểm bảo hoàng ủng hộ tập đoàn Lưu Bị mà đánh giá thấp những nhân tài thuộc các thế lực quân sự khác, đặc biệt điều này xảy ra với nhà Ngô (Du, Túc đều đã từng bị đánh giá rất tầm thường đấy thôi). Nói chính xác thì Lã Mông quả thật là một vị đô đốc tài trí của Đông Ngô, chẳng thua Công Cẩn mấy nỗi. Trong TAM QUốC DIễN NGHĨA của La tiên sinh, khi phía Ngô mở tiệc sau thắng lợi Kinh Châu cũng có nhắc lại câu nói của Tôn Quyền rằng: "Lã Tử Minh còn hơn cả Chu Lang cùng Tử Kính". Dẫu có thể đánh giá rằng đó là một lúc cao hứng của Tôn Quyền, song cũng thấy ở đó phần nào sự thật, đó là tài trí Lã Mông được người đương thời công nhận. Và dưới đây xin dành ít dòng viết về vị đô đốc tài trí của Đông Ngô: Lã Mông.

Lã Mông là người Nhữ Nam, xuất thân nghèo khổ, ngay từ thuở nhỏ đã có tuệ khác thường, thích làm điều nghĩa hiệp nhưng lại rất ít đọc sách. Lã Mông theo về dưới trướng của Tôn Quyền từ năm Kiến An thứ bảy, do tài cán khá nổi trội nên chỉ sau một năm đã được cất nhắc lên chức Bình Bắc đô uý. Tam Quốc Chí của Trần Thọ, phần Lã Mông truyện chép rằng: "Lã Mông có khí chất của bậc quốc sỹ, Tôn Quyền đã từng khen Lã Mông có thao lược kỳ tài gần như Chu Công Cẩn". Trong số những vị đô đốc nước Ngô thì Lã Mông có hoàn cảnh xuất thân và quan điểm chính trị có nhiều phần giống với Chu Du, tức là rất khác biệt với Lỗ Túc, song hai người Túc và Mông lại có quan hệ rất thân thiết, hai bên đều rất nể trọng nhau, Túc thường khen ngợi tài cán của Lã Mông với Tôn Quyền, lại từng nhận mẹ Lã Mông là mẹ mình, cùng với Lã Mông kết tình huynh đệ.

Sau khi Lỗ Túc mất,  Lã Mông được cử lên nắm đại quyền quân sự ở Giang Đông, do đường lối tư duy của Mông khác với Túc nên trong quan hệ ngoại giao giữa Đông Ngô và Kinh Châu (Quan Vũ) có những thay đổi từ nền móng, ngoài mặt Lã Mông vẫn thể hiện ra với Quan Vũ sự kính trọng nhất định, nhưng trong bụng lại có những toan tính ngấm ngầm.

Từ một chức Bình bắc đô uý cỏn con sau 5 năm đã nhảy lên hàng đại tướng quân, lại sau chừng 10 năm nữa, Lã Mông nhanh chóng leo lên địa vị của một người nắm quân quyền quốc gia đại sự khá thấy tài trí Lã Mông chẳng tầm thường. Sử ghi lại câu chuyện rằng, khi Mông lên nắm chức đô đốc, do rất lười đọc sách nên Tôn Quyền đã từng gặp riêng Mông và khuyên Mông rằng: "Tướng quân nên chăm đọc sách một chút, việc đọc sách là để mở mang kiến thức, biết được nhiều kinh nghiệm của tiền nhân, sẽ có ích cho việc điều hành quân chính, lại rất tiện lợi đối với công tác hành chính địa phương”. Tuy nhiên Mông lại từ chối, lấy cớ rằng việc quân bận rộn không có thời gian rảnh rỗi đọc sách. Quyền lại bảo rằng: “Ta khuyên ngươi đọc sách chẳng phải mong ngươi làm tiến sỹ, ngươi bảo bận rộn, ta đây chẳng lẽ ít bận rộn hơn ngươi? Vậy mà ta vẫn thường đọc sách để tự nâng cao kiến thức của mình".

Tam Quốc Chí của Trần Thọ có kể rằng, Lã Mông vốn có bệnh, thường đau yếu luôn, một lần đau yếu xin về nhà ở Thẩm Dương chữa bệnh, có nhiều thời gian rảnh rỗi, Mông đóng cửa đọc sách suốt đêm ngày. Thời gian sau đó không lâu, Quyền đến thăm bệnh tình của Lã Mông, hai người đàm đạo chuyện quân quốc đại sự, lát sau Quyền phải kinh ngạc nói rằng: "Tướng quân, thao lược của tướng quân chẳng phải là Lã Mông ngày xưa nữa!" Mông cười nói rằng: "Kẻ sỹ xa nhau ba ngày, dụi con mắt mà ngóng đợi, huynh đến muộn quá đấy thôi!”

Câu chuyện trên đây đã được đưa vào điển cố Trung Hoa, câu thành ngữ: "Kẻ sỹ xa nhau ba ngày, dụi con mắt mà ngóng đợi.” chính bắt đầu từ những ghi chép này mà ra vậy.

Với chiến lược ở Kinh châu, khi nắm quyền thay Lỗ Túc, Mông đã gặp riêng Quyền bàn rằng: "Quan Vũ là người kiêu dũng, ngạo mạn, lại nhiều dã tâm, sớm muộn cũng có ngày nảy sinh ý thôn tính phía Đông, bởi vậy chúng ta cần ra tay trước, sau đó tiến hành bố trí lại phòng tuyến." Quyền hỏi: "Nên làm thế nào?". Mông đáp: “Nếu đoạt được Kinh Châu, ta sẽ để Chinh lỗ tướng quân Tôn Kiểu giữ Nam Quận, sai Phan Chương đóng đồn ở Bạch Đế thành, từ hai vị trí đó tạo thành mắt xích nối liền chiến tuyến ngăn cản sự uy hiếp của Lưu Bị ở phía Tây lại, còn Lã Mông tôi sửa sang lại phòng tuyến Kinh Châu thì việc gì phải lo sợ sự uy hiếp của Tào Tháo xuống phía Nam? Từ đó tiến lên chúng ta có thể uy hiếp cả Tào Tháo ở xứ Bắc, vậy thì tại sao ta phải dựa vào Quan Vũ ở Giang Lăng?" Rồi Mông lại nói thêm rằng: "Lưu Bị, Quan Vũ là đồ gian xảo, phản phúc vô thường, chẳng thể coi là đồng minh tâm phúc. Dựa vào người khác sao bằng tự tin ở chính mình? nay khuếch trương thực lực cho người khác để làm chỗ dựa cho mình, một mai thực lực của đối phương vượt quá mình tất sẽ nguy đến bản thân, chi bằng ra tay trước là thượng sách."

Kinh khủng chưa? Rõ ràng cách nghĩ của Lã Mông cũng là cách nghĩ rất thực tiễn, là cách nghĩ cách nhìn chung của đa số các lãnh đạo quần hùng thời Tam Quốc, nhuốm rõ màu sắc chủ nghĩa anh hùng cá nhân, coi lợi ích trước mắt của cá nhân, của quốc gia hơn là quan tâm đến đại cục. Quả nhiên ý kiến ấy thuyết phục được Tôn Quyền, và thế là công tác chuẩn bị cho cuộc đánh úp Kinh Châu được tiến hành âm thầm trong bóng tối, đằng sau vẻ mặt tươi cười của Lã Mông đã ẩn giấu những mưu mô chết người. Quan Vũ ngạo mạn và kiêu căng xem như dưới mắt không người, cộng thêm với những quyết sách vội vã thiếu những toan tính xác đáng của Lưu Bị cùng Ban tham mưu quân sự của tập đoàn Lưu Bị đã khiến chính quyền non trẻ xứ Thục gặp phải những sóng gió ghê gớm, thậm chí sau này đẩy quan hệ Tôn – Lưu tới bi kịch dữ dội xao động cả hai nước.

Tuy nhiên, nhìn tổng thể vấn đề, thấy tiếc cho cả Thục và Ngô. Nếu như Lưu Bị nhẫn nại một chút đừng nóng vội đẩy nhanh cuộc chiến Tương Phàn thì Thục chẳng ở thế yếu kém mãi như thế. Nếu như Lỗ Túc sống thêm được vài ba năm nữa biết đâu vận mệnh của Ngô Thục còn kéo dài thêm chứ chẳng ngắn ngủi có 60 năm? Mà cũng biết đâu giang sơn Trung Hoa có thể là của Thục hay Ngô chứ chẳng thuộc về Tấn của đám cha con Tư Mã sau này? Nếu như Lã Mông cùng Tôn Quyền có tầm nhìn xa một chút, đại thế thiên hạ sau này đâu biết sẽ về ai? Hãy thử hình dung xem, sau sự biến Kinh Châu có mấy tháng thì Tào Tháo chết, đấy là cơ hội rất tốt để cả Ngô và Thục cùng khởi binh tranh cường cùng Tào Nguỵ. Phía Tây Bị vượt dải Tần Lĩnh uy hiếp các vùng Tràng An, Tây Lương, từ Kinh Châu Quan Vũ tiến lên đánh phá ở Tương Phàn uy hiếp vùng Uyển Lạc, ở phía Đông Tôn Quyền tấn công từ Hạ Phì tiến lên uy hiếp vùng Từ Châu. Cả ba mặt cùng tiến như thế, liệu Tào Phi có bối rối? Nhà Nguỵ có yên ổn hay không? Cương thổ của Thục và Ngô liệu có bó hẹp trong phạm vi 3 châu Kinh, Dương, Ích? Đáng tiếc, đáng tiếc …
Trở lại với chiến dịch Tương Phàn kết thúc, Đông Ngô lấy lại được 3 quận Kinh Châu mà Lưu Bán Dép đang nắm giữ. Đó quả thực là sự thành công vượt quá cả sự mong đợi, song phía sau sự thành công đó tiềm ẩn những mối hoạ lớn trong tương lai.

Trở lại với chuyện Lã Mông, theo như TAM QUốC DIễN NGHĨA viết về cái chết của Lã Mông đầy sự phi lí nhuốm rõ màu sắc của sự hoang đường. Đề cập đến cái chết mà Quan Công nhập hồn thanh toán tuy có làm cho vài người tôn sùng Quan Vũ hả hê, thoải mái tí chút nhưng làm giảm giá trị hiện thực của lịch sử, hoàn toàn bịa đặt.

Đã có những bản đề cập đến cái chết thực sự của Lã Mông cũng khiến một vài người chưa biết cảm thấy có hứng thú là: Lã Mông vốn sức khoẻ rất không tốt, thường đau yếu luôn. Từ sau khi cuộc tập kích bất ngờ ở Giang Lăng thành công, công việc của phía Ngô cũng bận rộn thêm đáng kể, Lã Mông ở cương vị đô đốc, người nắm quyền quân quốc đại sự lại càng bận rộn vô cùng, trách nhiệm hết sức nặng nề, luôn phải tư lự, trăn trở, lo toan.

Sức khoẻ đã kém lại rất khoái rượu nên Mông có bệnh tỳ vị khá trầm trọng. Đến cuối tháng 11 năm Kiến An 24, bệnh phát trầm trọng, thường thổ huyết không thôi. Quyền thấy bệnh tình Lã Mông như vậy hết sức lo lắng, đã đưa Mông về hành dinh mới ở Công An, lại phái ngự y riêng của mình săn sóc hết sức cẩn thận, song bệnh tình chẳng thuyên giảm mấy. Quyền thấy vậy lại càng không muốn thăm hỏi nhiều để làm phiền Mông, chỉ sai đục một lỗ nhỏ trên tường để từ xa quan sát bệnh tình của Mông mà thôi. Sử kể lại rằng, có lần Quyền thấy bệnh tình của Mông có biến chuyển tốt, có thể ăn uống được chút ít, Quyền cao hứng suốt ngày. Lại có lần thấy bệnh của Mông xấu đi, Quyền đêm mất ngủ, ngày lo âu buồn bã. Qua vài dòng lược kể, xét về đạo quân thần, Quyền quả thật là một vị chúa có tấm lòng.

Đến cuối năm, bệnh của Mông có chiều hướng xấu đi nghiêm trọng. Mông biết bệnh của mình chỉ còn sớm tối nên đã sai mang toàn bộ của cải, những thứ được Ngô chúa ban thưởng hiến vào công quỹ để sau này chia lại cho tướng sỹ, lại xin được gặp riêng Quyền để bàn về việc mở tiệc mừng công sau chiến thắng Kinh Châu. Trong tiệc, Quyền lại xin với Ngô chúa đại xá tha cho các hàng tướng cùng với tù binh để củng cố thành tích sau chiến thắng, Quyền ưng lời, lại tuyên dương công trạng to lớn của Lã Mông ngay trong tiệc. Toàn thể quần thần Đông Ngô đều đến chúc mừng Mông, Mông đứng dậy đáp lễ thì bất ngờ ngất ngã lăn trên tiệc, mê man bất tỉnh, rồi qua đời ngay sau đó. Khi ấy Mông mới có 42 tuổi. Quyền vô cùng đau xót, sai làm ma cực kỳ long trọng, lại sai hậu đãi gia tộc Lã Mông… Con người Lã Mông cực kỳ chất phác, cả đời lo toan công việc, đến tận lúc chết lại dặn dò việc ma chay phải hết sức tiết kiệm. Tuy nắm quyền cao chức trọng song lại hết sức giản dị, tấm lòng của Lã Mông vì chúa vì nước quên thân thật là tấm gương sáng láng khiến người ta phải kính phục.

TAM QUốC DIễN NGHĨA mô tả cái chết của Lã Mông thật khó nghe, rằng Quan Vũ hiển linh lấy mạng của Lã Mông chẳng khác chi trò hề trẻ nít. Mấy dòng này chép lại chỉ với mục đích đơn giản là vẽ lại một chút lịch sử, trả lại cho Lã Mông sự công bằng vốn có mà thôi.

Với biến sự mất Kinh châu, cùng với cái chết của những nhân vật chính trên chính trường Kinh Châu đã để lại những ảnh hưởng khá rõ nét với thế cục ba chân đỉnh lớn thời Tam Quốc. Đương nhiên kẻ được lớn nhất phải là Nguỵ, từ thế đang bị o ép bỗng chốc thoát khỏi nguy nan, chẳng những giữ yên được cương thổ, mà sau này còn được mở rộng thêm ít nhiều (lấy được các vùng Tân Thành, Thượng Dong từ tay Thục Hán sau đó không lâu), đẩy Ngô-Thục từ thế liên minh sang thế đối đầu trực diện, Nguỵ toạ sơn quan hổ đấu, với tư thế kẻ lớn o ép cả hai phía Thục và Ngô, sẵn sàng đắc lợi từ thế đối đầu của hai nhà.

Với Ngô, được đất Kinh Châu quả có cái lợi nhỡn tiền, cương thổ mở mang, chặn đứng sự bành trướng thế lực của Lưu Bán Dép, rửa được nỗi tức khi trước, là kẻ dọn mâm để người khác xơi. Thế nhưng quả thực Ngô cũng chưa từng làm được cái điều Lã Mông nói là tiến lên uy hiếp miền Uyển Lạc của Tào Nguỵ, thậm chí cho đến lúc Ngô mất nước sau này thì cương thổ cũng chưa từng vượt qua vị trí quân sự Tương Phàn, đích xác là chưa mở mang thêm nửa phân tấc đất nào về phía Bắc cả. Bất lợi lớn của Ngô là đẩy Ngô sang phía đối đầu với Thục, sau này phải xưng thần với Nguỵ. Rút cục Ngô cũng chẳng có cơ hội tiến lên tung hoành thiên hạ như chí khí của Kiên và Sách ngày xưa. Xét thế đủ thấy rằng việc được đó của Ngô thật sự có hại cho đại cục, chẳng làm được những điều to lớn như Lỗ Túc đã từng trao đổi với Quyền. Quả thật nếu như Túc còn sống khi xảy ra chiến dịch Tương Phàn có thể cục diện Tam Quốc sẽ khác đi rất nhiều, Ngô Thục không phải ở thế yếu kém trong cuộc đối đầu trường kỳ với Nguỵ như thế. Tiếc thay!!!

Riêng với Thục, cái mất mát thực sự to lớn hơn cả. Rõ ràng là với Long Trung Sách thì Kinh Châu là điều kiện cần phải có rất quan trọng để tạo thành gọng kìm ép Nguỵ từ hai phía, uy hiếp cả hai kinh. Quân chủ lực của Thục tiến ra phía Tần Xuyên uy hiếp Tràng An, quân Kinh Châu tiến ra miền Uyển Lạc, từ đó tranh thủ được sự ủng hộ của các công khanh nhà Hán làm khuynh đảo chính quyền Tào Nguỵ, chuyển Thục từ thế yếu thành thế mạnh trong cuộc đối đầu với Nguỵ. Việc mất Kinh Châu đương nhiên đã phá sập một chân đế mà Gia Cát Lượng đã tính toán ngay từ lúc ra khỏi lều tranh. Hãy xem sau này Gia Cát Lượng trong cuộc Bắc phạt lần thứ nhất đã có ý lôi kéo Mạnh Đạt ở Tân Thành đủ thấy tầm quan trọng của Kinh Châu đến thế nào. Mất Kinh Châu, mảnh đất có vị trí chiến lược, mất đi một số nhân khẩu lớn, của cải dồi dào, chưa kể đến việc tan vỡ toàn bộ quân đoàn hùng mạnh của Quan Vũ ở Kinh Châu, thiệt hại đó thật sự là một đòn ghê gớm giáng vào tham vọng của Thục. Di chứng của nó để lại còn phải tính đến cả việc Thục mất thêm một đại tướng kiệt xuất khác là Trương Phi, việc đông chinh đánh Ngô thất bại của Lưu Bị sau này khiến chính quyền non trẻ nước Thục suýt đổ vỡ. Đích xác việc mất Kinh Châu đã khiến Gia Cát Lượng sau này Bắc phạt gặp những khó khăn rất lớn về nhân tài vật lực, chẳng có cách nào phá vỡ thế đông cứng của ba chân đỉnh lớn. Rốt cuộc đến một ngày phải bỏ mình giữa trận tiền gió lạnh sao rơi…

Vào thời điểm đó, ở phía Ngô, đô đốc Lã Mông bị bệnh đã tiến cử Lục Tốn là một nho sinh trẻ tuổi tài cao thay thế mình cai quản ở Lục Khẩu nắm diễn biến quân sự phía Kinh Châu. Việc đề cử Lục Tốn thay mình ở vị trí đô đốc nằm ở toan tính sâu xa của Lã Mông, lấy một người trẻ tuổi chưa có danh tiếng đảm đương thay mình có thể khiến Quan Vũ bớt để tâm đề phòng, âm mưu đánh lén Kinh Châu khi có điều kiện thuận lợi sẽ gặp phải trở ngại ở mức ít nhất. Quả nhiên Quan Vũ lại càng chủ quan coi thường.
Mặt khác - điều sai lầm rất lớn của Quan Vũ - đó là đánh giá rất thấp khả năng tác chiến mau lẹ thần tốc của Lã Mông, bởi thế nên dốc toàn lực lên phía Bắc mà không quan tâm thích đáng đến hậu phương của mình chăng?

Phải nói là Đông Ngô chơi nước “lùi xe tiến pháo” này cực hay, mà nhắm đúng đối tượng, đúng người, đúng tội, nên một kẻ chinh chiến già đời như Quan Vũ không thể lường nổi. Nhớ chiến dịch Hán Trung, vụ Hoàng Hán Thăng chém Hạ Hầu Uyên, cũng có gì đó từa tựa. Dù lần ấy là tướng già, lần này là đô đốc trẻ, thì điểm quyết định vẫn là khiến địch quân lơ là. Kẻ có tiếng kể ra cũng có được có mất.

Cũng công bằng thôi! Hay là cũng là cái “Nghiệp” thôi! Cầu trước bắc đâu thì cầu sau bắc đấy!  cái trò “bề ngoài thơn thớt nói cười” này bao nhiêu năm vẫn ẩn chứa phía sau những gì mưu hiểm. Trước đó, anh Lưu Bị sử dụng trò này, nhờ nó mà có cả Kinh Châu, Ích Châu, nay lại vì nó mà cụt nửa giang sơn, mất toàn đại tướng. Cuộc đời vay rồi trả tạm gọi là sòng!

Có thời điểm chúng ta đã nghĩ Lưu Bán Dép sao bên nhau bao nhiêu năm mà không biết được tâm tính em mình là ông Quan Vũ? Rồi nghĩ lại, về sau ở Hào Đình, chính ông anh Lưu Bị cũng như rứa, thắng là sinh kiêu, dưới mắt không người nào ra hồn.

Tác giả Trần Thọ - Nhà sử học đầy uy tín đánh giá Lưu Bị là anh hùng, nhưng ngọc quý cũng phải có vết vậy.
 
(Còn tiếp)

 


Tin mới hơn:
Tin trước đây:
Ông : Đăng Thọ Dũng
Emai: dangthodung@yahoo.com
Số TK  Ước Mơ Nhỏ - Đặng Thọ Dũng: 2009206008503
Tại: Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, Chợ Mới, Đà Nẵng 
                                                                                                                                                                                                

Sống là cho…
Triết học phương đông có câu: “Làm cho mình là làm cho cuộc sống, còn làm cho người là làm cho cuộc đời!”.
Với quan điểm nhân thiện, câu nói trên đã đi xuyên suốt lịch sử và làm nền tảng nhân ái của loài người. Đối với chúng tôi nó có một ý nghĩa cực kỳ sâu sắc...
  • Tin mới

  • Đọc nhiều nhất