Ước Mơ Nhỏ - Tất cả vì trẻ em nghèo

Bình Tam Quốc 5: Họ nhà Tôn ở Đông Ngô

  Đã nói đến Ngụy rồi Thục Hán thì tất nhiên phải nhắc đến Đông Ngô mới đủ cái thế chân kiềng một thời của Tam Quốc. Nói cho ngay, trước khi có Tam Quốc, đa số bạn đọc chả biết vùng đất Giang Hạ kia tròn méo ra sao. Nhưng nhờ có họ Tôn - mà đầu khởi là Tôn Kiên cháu thứ bao nhiêu của Tôn Tử (nhà quân sự lỗi lạc thời Chiến quốc)  không rõ nhưng chính Tôn Kiên đã đặt nền móng cho nhà Ngô ... .
 
3 cha con: Tôn Kiên, Tôn Sách, Tôn Quyền
Bình luận Tổng hợp, chua choét: VietHoa

Bây giờ xin mời đọc ít dòng về tập đoàn Đông Ngô: 
Tôn Kiên (155-193), tự Văn Đài, là một vị tướng quân đội tài giỏi trong lịch sử Trung Hoa đã đặt nền móng xây dựng nên nhà Đông Ngô vào đời Tam Quốc. Ông có 5 người con trai trong đó hai người nổi bật là con cả Tôn Sách và con thứ Tôn Quyền. Ngòai ra ông còn có một người con gái là Tôn Thượng Hương.
 
Tôn Kiên

Tôn Kiên sinh năm 155 ở đất Phú Xuân thuộc Ngô Quận, thuộc dòng dõi Tôn Tử, nhà quân sự lừng danh đời Chiến quốc. Thời trẻ Tôn Kiên từng có lần truy kích và giết gọn cả một băng cướp biển. Năm Kiên 17 tuổi đã có biểu hiện xuất sắc, một mình dùng mẹo mực đánh giết được bọn giặc cướp, quan huyện (hay phủ nhỉ) biết chuyện nên rất hâm mộ Kiên, phong cho chức giá vệ

Năm Hỷ Bình thứ 2, có người ở Cối Kê là Hứa Xương làm phản Hán triều, tự xưng là Dương Minh Hoàng Đế, tụ tập vài vạn quân đánh phá miền Dương Châu. Quan thứ sử ở đây là Tang Môn đánh dẹp nhưng bị thua trận. Năm sau Tôn Kiên tự chiêu mộ được vài nghìn quân nghĩa dũng cùng với Tang Môn đánh giặc dẹp loạn. Do Tôn Kiên rất dũng cảm nên đánh tan quân của Hứa Xương, dẹp được loạn ở Cối Kê, được triều đình ban cho chức quan ở Diêm Độc.

Khi khởi nghĩa Hoàng Cân nổ ra, hưởng ứng lời hiệu triệu của triều đình, Kiên mộ được 5.000 quân, hợp với Chu Tuấn đánh dẹp được quân Hoàng Cân ở Uyển thành. Nhờ công lao này Kiên được thăng chức Biệt bộ tư mã.

Năm Trung Bình thứ 3, người ở Trường Sa là Khu Tinh nổi lên chống lại quân triều đình. Kiên dẫn quân bản bộ đánh tan, được triều đình phong chức Thái thú Trường Sa, sau đó không lâu được phong chức Ô trình hầu. Từ đó Kiên có hẳn một đạo quân riêng khá hùng mạnh.

Năm 190, liên quân miền Đông gồm 18 đạo chư hầu do Viên Thiệu cầm đầu tiến đánh Lạc Dương với ý định tiêu diệt Đổng Trác, loạn thần nhà Hán. Tướng Hoa Hùng của Đổng Trác bị Quan Vũ chặt đầu. 18 đạo chư hầu tan rã vì những mâu thuẫn nội bộ trong đó có mâu thuẫn giữa Viên Thiệu và Tôn Kiên về vấn đề ngọc tỉ. Tôn Kiên bỏ về Giang Đông. Viên Thiệu xúi Lưu Biểu là thái thú Kinh Châu chặn đường Tôn Kiên lấy lại ngọc tỉ. Tôn Kiên thua trận, mang mối thù với Lưu Biểu từ đó.

Khi thứ sử Tây lương Đổng Trác làm loạn vương triều Hán, Kiên tích cực tham gia vào đội quân Quan Đông, bị thái thú Nam Dương chặn đường lên phía Bắc nên Kiên giết thái thú Nam Dương là Trương Tư sau đó trao cho đất Nam Dương cho Viên Thuật, Thuật cũng đề nghị triều đình phong cho Kiên chức Phá lỗ tướng quân, lĩnh chức Dự Châu mục.

Tháng 12 năm Sơ Bình nguyên niên, Tôn Kiên sau khi phá tan đạo quân tiên phong của Đổng Trác là Từ Vinh, Kiên và các tướng đang uống rượu trong thành Lỗ Dương, chợt có tin báo Đổng Trác dẫn vài vạn quân đến đánh thành. Kiên thản nhiên ngồi yên chỉ đạo quân lên thành phòng giữ. Khi mọi người đi cả Kiên mới từ từ đứng dậy họp ban tham mưu bàn bạc tác chiến. Mọi người hỏi Kiên sao không khẩn trương thì Kiên cười nói: Ta đâu phải không khẩn trương, nhưng nếu ta hốt hoảng thì ba quân sẽ rối loạn, quân chưa đánh trận mà đã lo sợ liệu chúng ta còn ngồi yên được ở đây chăng?”.
Khi liên minh Quan Đông tan rã, các chư hầu đánh lẫn nhau, các thế lực ra sức tranh giành đất đai ở Trung Nguyên, bành trướng thế lực là một lẽ tất nhiên trong thời nội loạn. Các cuộc đấu đá lớn như hai anh em Thiệu - Thuật hình thành thế Bắc – Nam đối trận. Thuật kết bè với Công Tôn Toản ép Thiệu vào giữa, Thiệu lôi kéo Lưu Biểu đánh Thuật ở phía Nam. Thuật lại nhờ Kiên phá Lưu Biểu ở phía sau.

Tôn Kiên cùng con trai là Tôn Sách kéo quân đến Kinh Châu nhưng chẳng may Tôn Kiên bị lọt vào trận mai phục của Lã Công - tướng Lưu Biểu, nên cả người lẫn ngựa chết dưới chân núi Hiện Sơn, thọ 38 tuổi.
Tôn Kiên là người đặt nền móng cho nhà Đông Ngô, nhưng con trai ông là Tôn Quyền mới thực sự là người đưa nhà Ngô đến cực thịnh, cũng như nắm vai trò lớn hơn trong Tam Quốc Diễn Nghĩa.

Sau khi Kiên chết, Tôn Sách nối nghiệp cha

Trong Tam Quốc dài dằng rặc 120 hồi, Tôn Sách chỉ được nói tới trong khoảng 20 trang sách. Nhưng 20 trang ấy đủ nói lên cái tài, cái khỏe và cái oai hùng của Tôn Sách mà được mệnh danh là “tiểu bá vương”. Hình như mà trời xanh đố kỵ hiền tài không cho Tôn Sách thọ.
Biệt hiệu của Tôn Sách là “Tiểu Bá vương”. “Tây Sở Bá vương” là ngoại hiệu của Hạng Vũ thời kỳ Hán Sở tranh hùng. Hạng Vũ vốn nổi tiếng về sức mạnh, dùng tay không nhấc được cái đỉnh ngàn cân. Trong Tam Quốc, Tôn Sách đã dùng tay không bắt sống một tướng lại kẹp nách chết thêm một tướng. Cho nên có thể sánh với Hạng Vũ, gọi là “Tiểu Bá vương”

 Tôn Sách

Nhưng trong một lần đàm đạo, khi Lưu Bị hỏi về anh ta, Tháo chỉ bảo đại khái rằng:”Chú Sách này nhờ danh tiếng của cha mà được vậy”. Nói thế khác nào bây giờ chúng ta bảo :thằng đấy đi lên là nhờ nó là COCC (con ông cháu cha). Tôn Sách liệu có phải như Tào Tháo nói không thì còn phải bàn. Bởi rằng: đọc Tam Quốc, ta biết thêm một tính cách của ông Tào Tháo này nữa là hay dìm hàng người khác quá đáng. Coi cái sách của Trần Thọ chép: “Tôn Sách có dáng anh tuấn, hay cười nói, thích rộng rãi, biết tiếp thu ý kiến, khéo dùng người, bởi thế các tướng lĩnh văn võ hết thảy đều dám vì ông ta mà chết”. Chỉ vài dòng thế thôi cũng có thể xét thấy cái ma lực hấp dẫn Tôn Sách của người khác cũng không phải tầm thường. Vậy mà anh Tháo đưa ra cái nhận xét trên quả thực có ý khinh người.

Nhìn lại lúc Tôn Kiên hi sinh, Tôn Sách mới có 16 tuổi. Đã tưởng quân Giang Đông tan rã cả sau cái chết của Kiên, may sao được các tướng tâm phúc với Kiên là Trình Phổ, Hoàng Cái, Hàn Đương …cùng với người anh họ của Sách là Tôn Bôn thu thập số quân còn lại nương náu nhờ Viên Thuật ở Hoài Nam.
Khi Sách 19 tuổi, nắm lại binh quyền từ tay Tôn Bôn, bởi thấy Thuật bụng dạ nhỏ nhen, xa xỉ tham lam vô độ nên Sách cương quyết ly khai khỏi Viên Thuật, dẫn binh quay về sửa sang lại xứ Giang Đông - vùng đất dấy nghiệp của cha mình, từ bỏ việc tham dự vào việc tranh bá quyền ở Trung Nguyên.
Với những quyết sách này của Tôn Sách thì thấy nhận xét của Tào Tháo về viên tướng trẻ này quả sai lầm. Trước tiên, Sách đánh tan quân của Nghiêm Bạch Hổ, Lưu Do để nắm quyền lực tuyệt đối ở Giang Đông, sau đó đưa người cậu là Ngô Cảnh ra làm Thái thú Đan Dương, đưa anh họ là Tôn Bôn ra làm thái thú Lư Lăng .... Một mặt trọng dụng các tướng cũ của cha, một mặt chiêu dụ được rất nhiều anh tài (như Chu Du, Trương Chiêu, Trương Hoành ...) khiến Giang Đông trở thành một thế lực đáng kể trong đám quần hùng cát cứ khắp Trung Quốc lúc bấy giờ.

Khi Viên Thuật xưng đế từng đề nghị Sách chi viện, Sách từ chối thẳng thừng. Ý Sách nói thẳng là Thuật nhỏ nhen, tham lam và bản tính xăng pha nhớt từ lâu Sách đây đã cóc thèm chơi. Không chỉ tỏ thái độ, Sách còn lên Truyền hình (Ặc!) công khai bài xích Thuật khiến dân tình Hoài Nam tỏ thái độ thờ ơ với Thuật. Cũng vì lý do đó mà Sách với Thuật ghét nhau. Thêm vào cái vụ Sách cho Thuật mượn ngọc tỷ của cha để chiêu mộ của cải và quân sĩ nhưng lại tỏ thái độ vô ơn không chia phần trăm. Cách xử ấy của Thuật chỉ có nước ra vườn đổ dế mà chơi chứ người có máu yêng hùng, quảng giao như Sách thì khinh không hết.

Năm Kiến An thứ 3, Sách dâng biểu tỏ lòng trung thành với Hán Hiến Đế. Tào Tháo lúc này cũng đã chớm nhìn ra tiềm năng của Sách (và cả mối nguy). Tháo với tầm nhìn chiến lược cao độ đã hết sức ủng hộ Sách (tạo thế lực kiềm chế Biểu ở Kinh Châu, Thuật ở Hoài Nam để Tháo rảnh tay đối phó với các thế lực khác như Lưu Bị, Lã Bố, Viên Thiệu…). Tào Tháo tiến cử Sách với triều đình phong cho Sách chức Thảo nghịch tướng quân, tước Ngô Hầu, lại gả cháu gái cho em Sách là Khuông làm phát thông gia hữu hảo. Hai bên có quan hệ dâu gia kiểu “hai nhà như một” đúng kiểu làm thân của Tào Mạnh Đức. Phần Tôn Sách, khi ấy Sách cũng tự biết binh lực của mình chưa đủ để mưu đồ việc lớn nên tạm hữu hảo với Tháo chờ cơ hội.

Năm Kiến An thứ 5, mùa xuân. Sách đóng binh ở Đan Đồ dự định tập kết đủ quân lương sẽ vượt sông Trường Giang tranh bá thiên hạ, chẳng ngờ phát sinh biến cố bất ngờ nên dự định ấy vĩnh viễn Sách không có cơ hội thực hiện.
Nguyên nhân chỉ do việc tranh giành quyền bính ở Giang Đông với thái thú Ngô Quận là Hứa Cống. Đoạn này thì các sách chép có hơi khác nhau về nguyên nhân. Tam Quốc Diễn Nghĩa thì nói Hứa Cống có thư đi thư lại với Tào Tháo mà Hứa Cống bị giết. Sách TQC thì nói tranh giành. Nhưng tựu trung là Tôn Sách bị Gia nhân thân tín của Hứa Công báo thù. Chuyện cũng lẽ thường vì giết người rồi người giết vốn dĩ như nghiệp báo. Ngay đến người được phong Thánh như Quan Vân Trường, thác xuống Âm phủ  thi thoảng buồn buồn lại hiển linh nơi núi Ngọc Toàn quát gọi cuộc đời:” Trả đầu cho ta đây!”. Đòi mãi cũng như không nhưng dân tình đêm khuya thanh vắng nghe Ngài đòi thì kinh bỏ xừ. Mấy người yếu bóng vía ra chợ mua roi dâu với dán bùa ấn yểm tùm lum. Cho đến một bữa có ông Sư đi ngang cắc cớ hỏi Hồn ông Quan Vũ một câu: “Ngài đòi thủ cấp của mình. Thế còn đầu của Nhan Lương, Văn Xú, Hoa Hùng và 5 tướng ở 5 cửa ải của Tào Tháo mà Ngài chém nhầu thì ai trả lại đầu cho họ??”. Ông Quan Vũ im lặng luôn. Từ đấy, âm dương nơi Ngọc Toàn mới yên.

Khi Sách chết mới có 26 tuổi. Như vậy Sách nắm thực quyền lúc 19 tuổi, chỉ có 7 năm từ một cơ sở tan rã rệu rạo đã chinh phục cả xứ Giang Đông với 6 quận (Cối Kê, Ngô Quận, Đan Dương, Dự Chương, Lư Giang, Quảng Lăng) kéo dài từ Giang Tô đến Giang Tây. Như vậy đủ thấy Sách là một tài năng không phải tầm thường mà là thật sự kiệt xuất. Coi nào? Bây giờ thanh niên 26 tuổi nhiều chú còn đua xe ve ve, bắn game bùm bùm, cắn thuốc vã, hít keo dán sắt như trai Mèo bú diệu hoẵng chứ làm nổi trò giề?. Rồi, cả thế giới mấy năm gần đây, khi ông Tổng thống Nga Vladimir Putin chọn cậu thanh niên Nikolai Nikiforov 30 tuổi vào chức Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông ai cũng xuýt soa tuổi trẻ tài cao này nọ…chứ so với tiền nhân 2000 năm trước đã là gì. Mà so cũng khập khểnh. Ngay so ông Sách này với ông Gióng nhà mình thì chính ông Sách cũng hửi khói chứ bộ. Tóm lại là: Người tài thì không đợi tuổi nhể!

Coi nữa nào: châu Âu thời đế chế có Alexang Macedoan mới 20 tuổi, khi cha chết đã gây dựng một đế quốc to lớn từ Hy Lạp, qua Ba Tư, Tây Á và cả một phần Ấn Độ, tuổi trẻ tài cao, qua đời ở tuổi 30. Còn ở Trung Hoa, thời Tam Quốc, Tôn Sách mới 19 tuổi, qua 7 năm dựng nổi cơ đồ, sau này nhờ đó mà Tôn Quyền chia ba thiên hạ hỏi rằng vị nào ấn tượng hơn vị nào. Bình luận thì bình luận nhưng ghét cái tật Ông Tào Tháo hay không ưa thì dìm hàng con người ta. Tuy nhiên, đụng nhau vài bận, Tào Tháo cũng phải thốt lên: “Con sư tử non này, khó lòng địch lại được!”.

Đoạn nói về ngọc tỷ thì: Tôn Sách nghe theo các gia tướng theo cha năm xưa, đem ngọc tỷ của cha để lại trao đổi mượn một số binh lực của Viên Thuật.  Hình như có đoạn này để mào cho cái duyên gặp gỡ với Chu Du: Tôn Sách gặp lại người bạn chí cốt Chu Du, cả hai cùng nhau tiến đến Khúc A tiến công Lưu Do, Vương Lãng, Nghiêm Bạch Hổ... thu được hầu hết vùng lãnh thổ phía nam dọc theo Trường Giang. Hai người bạn thân nhau đến độ cùng làm cọc chèo với hai Mỹ nhân đẹp nhất Giang Đông là Đại Kiều và Tiểu Kiều. Sách cùng với Du mỗi người lượm một cô Kiều xinh đẹp trong một gia đình gia giáo. Chính cô Đại Kiều và Tiểu Kiều này đã thôi thúc giấc mơ làm tình của Tào Tháo khi Ngụy Vương tương lai xây đền Đồng Tước xa hoa với mục đích uýnh Đông Ngô mang người đẹp về thỏa mãn niềm say mê…

Tôn Sách cá tính năng động, hoạt bát và là lãnh đạo nhạy bén được mọi người tin tưởng. Anh sẽ làm bất kỳ điều gì mà mình thích bằng phong cách tự tin, tuy nhiên đôi lúc điều này sẽ mang lại chút rắc rối là nhiều người không ưa anh. Với người tri kỷ Chu Du, Tôn Sách tin tưởng tuyệt đối về tài năng và tinh thần trách nhiệm. Còn với người vợ yêu dấu Đại Kiều, Tôn Sách thề rằng phải bảo vệ ko cho sứt mẻ ngay cả sợi tóc. Thế cho nên, khi Tào Tháo bắn tiếng muốn chim chuột Đại Kiều của chàng thì Sách giận hừng hực thề cắt cổ, gọt đầu thằng cha dê ráo A Man.

Tôn Quyền tự Trọng Mưu. Ông là người xây dựng nước Ngô thời Tam Quốc. Cuối đời Đông Hán, sau khi cha Tôn Quyền là Tôn Kiên, anh ông là Tôn Sách đã chiếm cứ 6 quận Giang Đông làm căn cứ chống nhau giữa các phe phái quân phiệt. Tôn Kiên chết, không lâu sau Tôn Sách cũng bị kẻ có tư thù hành thích.
Tôn Quyền mới 18 tuổi đã nối chức vụ của anh mình, trở thành người thống trị tối cao ở tỉnh Giang Đông. Do Tôn Quyền có tài, lại chú ý đoàn kết lực lượng các phe, nên nhanh chóng dành được uy vọng, khiến cục thế Đông Ngô ổn định trong thời hỗn loạn.
 
Tôn Quyền (Ngô Chủ)
 
Ta hãy coi tính quả quyết của Tôn Quyền: Trong khi nội bộ Đông Ngô thảo luận, có người sợ uy lực Tào Tháo, đề nghị hàng Tào, bị bọn Lỗ Túc, Chu Du kiên quyết phản đối. Họ kiên trì chủ trương chống Tào, do đó củng cố quyết tâm của Tôn Quyền. Ông rút gươm báu chém sạt một góc án thư, lớn tiếng nói: “Ai còn bàn đầu hàng Tào Tháo thì kết cục như cái án này! (Kinh bỏ xừ). Kết quả trong trận Xích Bích, liên minh Tôn-Lưu đại thắng quân Tào, củng cố nên thống trị của Tôn Quyền ở Giang Đông. Mùa hạ năm 219, Tôn Quyền thừa lúc Quan Vũ dốc quân Kinh Châu đánh Tào Nguỵ ở phía Bắc giành được thắng lợi nhỏ nhặt, phái Lã Mông dẫn 2 vạn quân kéo đến đánh lấy Kinh Châu.


Tháng 7 năm 221, Tôn Quyền lại phái Lục Tốn đến đánh chặn đại quân Lưu Bị. Hai bên giằng co 7, 8 tháng. Lục Tốn dùng chiến thuật “Thành cao hào sâu”, không chịu ra đấu, dùng hoả công đánh quân Thục ở Di Lăng, giành được đại thắng. Qua việc sử dụng những tướng như Chu Du, Lục Tốn, Cam Ninh, Chu Thái… phản ảnh tài dùng người của Tôn Quyền. Năm 229, Tôn Quyền xưng đế ở Vũ Xương, lấy quốc hiệu là Ngô, sau dời đô đến Kiến Nghiệp (nay là thành phố Nam Kinh, Giang Tô).
Năm 230, Tôn Quyền phái đội thuyền người, do tướng quân Vệ Ôn và Gia Cát Trực suất lĩnh ra biển, đến Di Châu (nay là Đài Loan). Đó là sự ghi chép sớm nhất, minh xác nhất trong văn hiến hiện có liên quan đến việc qua lại giữa Trung Hoa đại lục và Đài Loan. Tôn Quyền đem quân tiến về hướng Đông Nam, thúc đẩy việc mở mang một dải đất khu vực này và thực hiện dung hợp dân tộc. Tôn Quyền đã từng sai thứ sử Lục Dận sang Việt Nam để đàn áp cuộc khởi nghĩa Bà Triệu.
Tài năng chính trị của ông thậm chí Tào Tháo cũng phải khen ngợi, tuy rằng Tôn Sách anh của Tôn Quyền cũng là một người tài giỏi gần như vẹn toàn nhưng Tào Tháo không hề xem trọng, ông từng khen
Hổ phụ sinh lân nhi, sinh con nên như Tôn Trọng Mưu(Khi Tào Tháo đối trận với Tôn Quyền ở Hợp Phì, sau khi xem xét cách bầy binh bố trận của quân Ngô). Khi luận anh hùng với Lưu Bị, Tháo coi đám quần hùng thiên hạ như đám tiểu nhân nhung nhúc, chỉ nhận riêng có Lưu Bị và ... chính mình là anh hùng. Thế mà bấy giờ phải thốt lên câu cảm khái kia thì Tôn Quyền thực xứng danh anh hùng vậy.
 Năm 252, Tôn Quyền qua đời, thọ 71 tuổi. Ông được truy tôn là Ngô Đại Đế. Sau cái chết của Tôn Quyền, nước Ngô phát sinh lục đục nội bộ và suy yếu.

Giang Biểu truyện chép rằng: Tôn Quyền cằm vuông, mồm rộng, mắt sáng, có quý tướng. Khi Sách khai sáng nghiệp thay cha ở Giang Đông, Quyền mới 15 tuổi, rất có tiếng ở huyện Dương Tiên, coi việc hiếu liêm, tiến cử hiền tài, thường ở bên Tôn Sách. Người bấy giờ khen Quyền là “nhân ái mà quyết đoán”, lại thêm tính khảng khái, chiêu hiền đãi sỹ. Tôn Sách mỗi khi có việc trao đổi, Quyền đều đối đáp lưu loát, Sách cho là lạ, tự xem là không bằng”.

Tam Quốc Chí chép: Khi Tôn Sách dâng biểu lên triều đình xin phụng sự vua Hán, Hán Hiến đế cử sứ giả Lưu Uyển đến phong chức. Uyển giỏi xem tướng, khi gặp Quyền bèn nói với những người xung quanh rằng: “Ta thấy anh em họ Tôn đều có tài khác thường, nhưng vắn số yểu mệnh, chỉ có Tôn Quyền có quý tướng, hình dung kỳ vĩ, khí chất mạnh mẽ, tuổi thọ ắt sẽ cao. Các người hãy ghi nhớ lời ta nói hôm nay để sau này nghiệm xem”

Lúc Tôn Sách sắp mất, gọi Tôn Quyền đến bảo rằng: “Gây dựng cơ nghiệp, quyết đoán được thua ở vài trận đánh, tranh giành thiên hạ, khanh không bằng ta. Chiêu hiền đãi sỹ, giữ gìn cơ nghiệp, ta không bằng khanh. Sau khi ta chết, khanh hãy khéo lo toan nhé”.

Sách chết lúc Quyền mới có 22 tuổi, tiếp quản cơ nghiệp cha anh để lại. Khi ấy lãnh đạo các quân đoàn Đông Ngô đa số đều dao động, nghi ngờ khả năng của Tôn Quyền, song do nhờ Trương Chiêu giúp đỡ nội chính, Tôn Quyền với khả năng chính trị xuất sắc, tự mình đi uý lạo ba quân khiến nội bộ yên ắng dần dần. Mặt khác Tào Tháo lúc ấy vẫn thực hiện chính sách “viễn công cận giao” hết lòng ủng hộ Quyền nên đã dâng biểu lên triều đình cử Quyền làm Thảo lỗ tướng quân, giữ chức Thái thú Cối kê. Nhờ những hậu thuẫn đó mà tình hình Giang Đông ổn định hẳn.

Tôn Quyền khi ấy cũng thấy thực lực của mình còn yếu, nội chính cũng chưa thực sự vững vàng nên đã lập tức đình chỉ tất cả các hoạt động khuếch trương quân sự, lấy ổn định chính trị làm điều cốt lõi, tích cực sửa sang nội chính và phát triển kinh tế xứ Giang Đông. Trong thời gian này, Quyền chiêu nạp được rất nhiều nhân tài, nổi trội lên trong số đó là nhà chính trị lỗi lạc.
Từ năm Kiến An thứ 8 đến năm Kiến An thứ 12, Tôn Quyền chỉ có 2 lần dụng binh và lần sau đã đánh tan đội thuỷ binh nức tiếng Kinh Châu của Hoàng Tổ, báo cái thù giết cha (đó là chiêu bài, còn thực ra vẫn là việc kiểm chứng thực lực của mình), giải toả áp lực đáng kể từ phía Kinh Châu với Đông Ngô.

Nói về ngoại giao, Tôn Quyền quả thực là một nhà chính trị xuất sắc. Ông kết hợp nhuần nhuyễn các quyết sách với ý tướng, lòng dân. Ông xử lý nhuần nguyễn cái riêng lồng trong cái chung. Ví như trong việc gả em gái mình cho Lưu Bị, ý của ông rất rõ. Thời gian đó, vợ cả của Lưu Bị là Cam phu nhân mới mất, để thắt chặt thêm quan hệ hai bên nhằm củng cố liên minh Tôn-Lưu, nâng thêm một tầm cao nữa, chủ trương của Túc là cuộc hôn nhân giữa Lưu Bị và em gái Tôn Quyền. Quyền đem ý này của Túc trao đổi với Thái phu nhân (mẹ kế Quyền) và hảo sự này được Thái phu nhân chấp thuận, vậy nên cuộc hôn nhân nhanh chóng được thành toàn. Nhưng cái nể trọng với Tôn Trọng Mưu chính là chữ Hiếu và chữ tình. Anh ta là người có trước, có sau và thực sự bày tỏ lòng mình chứ không vờ vịt kịch sĩ như ông Lưu Bán Dép hay lá phủ bề mặt như ông Gia Cát Khổng Minh (khóc Chu Du) và khác xa Tào Tháo. Nhớ về lúc nghe tin Chu Du mất, Quyền rất đau buồn, vừa khóc vừa nói với trăm quan: "Công Cẩn mất đi, ta mất một hiền tài lương tướng, sau này biết dựa vào ai?" Câu nói lúc đó, người đọc chưa đánh giá gì vì nó giống như câu nói vốn dĩ của người cầm quân. Nhưng mãi sau này đã lên ngôi Hoàng đế, mỗi khi nhớ lại trận Xích Bích, Tôn Quyền vẫn thường nói với người xung quanh rằng: "Nếu không có Chu Công Cẩn, làm sao ta có ngôi vị Hoàng đế này?".

Tuy nhiên, cái con mắt nhìn người thì Quyền không hơn được Lưu Bị. Quyền chỉ có trước, có sau và đãi đằng Tướng sĩ tốt chứ còn xử lý với người thường thì hơi vô tình. Ví như trường hợp Bàng Thống (Bàng Sĩ Nguyên –Phượng Sồ): Lúc Chu Du chết, Thống ở trong đám người hộ tống linh cữu về Giang Đông có gặp Lỗ Túc, Thống được Túc có ý trọng dụng mới giới thiệu lên Quyền. Khi diện kiến ra mắt Ngô Chủ, Thống nói năng đại ngôn đầy vẻ cuồng ngạo khiến Quyền đang lúc buồn bực nên không ưa. Không ưa và xếp lại không dùng. Thống buồn rầu định trở về quê quán, lại gặp Gia Cát Lượng cũng sang viếng tang Chu Du ở đó. Hai bên vốn trước có quen biết, xa cách lâu ngày nay lại gặp nhau nên rất đỗi vui mừng. Túc lại đem chuyện Thống nói với Gia Cát, lúc ấy Gia Cát Lượng đang bận bịu nhiều việc bàn bạc với Lỗ Túc nên chỉ viết vội một lá thư tiến cử Thống với Bị và khuyên Thống về với họ Lưu.
Thống đến gặp Lưu Bị, cũng không nói có thư của Gia Cát Lượng, chỉ nói hàm hồ rằng được Túc giới thiệu đến. Hai bên nói chuyện một lát, song Bị thấy Thống xấu xí mà thô lậu, thái độ cuồng ngạo thì tỏ vẻ không ưa, nhưng Bị không quay đi như Quyền mà bổ nhiệm Thống làm chức huyện lệnh huyện Lai Dương (vì nể tình quen biết với Lỗ Túc).

Thật ra, Bị cũng giống Quyền bàng quan trước dung nhan và thái độ của Bàng Thống. Nhưng anh Lưu Bán Dép khôn vãi khi nhét cho chú Bàng Thống một chức Huyện Lệnh Lai Dương.

Còn dư ít đất điền thêm ít dòng và Bàng Thống cho rõ ràng thêm thân phận của Phượng Sồ - Con Phụng của Ba Thục sau này: Khi Thống đến huyện Lai Dương, chỉ khoái rượu chè, ăn nhậu, suốt ngày chẳng để mắt vào việc, Lưu Bị biết tin rất tức giận cho cách chức Thống. Túc nghe được tin ấy vội vã gửi thư cho Bị, thư có đoạn: “Bàng Sỹ Nguyên đích thị chẳng phải là kẻ có tài mọn, hãy nên giữ ở bên mình, giao cho việc lớn để phát huy được đại tài, không nên bỏ phí người hiền, chớ vội chỉ nhìn người mà đánh giá tài năng”. Bị còn đang hồ nghi chưa định thì Gia Cát từ Giang Đông trở về, nghe chuyện Thống xong liền trịnh trọng đề cử Thống với Bị. Bị tuy từ lâu đã nghe dang Phượng Sồ, xong có Túc, Lượng tiến cử, dẫu chẳng thích nhưng cũng tạm nghe theo. Mãi sau, khi cùng Thống trao đổi công việc mới biết đích xác rằng Thống là tài năng hiếm có, Lưu Bị rất hối hận việc trước, lập tức trọng dụng, địa vị của Thống được sắp xếp cũng gần tương tự như Gia Cát Lượng vậy.

Trong một bình luận về Tam Quốc, ông Mao Tôn Cương có dạy rằng: “Viết về Đông Ngô thì Tôn Quyền là chủ, Tôn Kiên, Tôn Sách lại là khách!”.

Nói như thế là có ý gì? Hay là ông Mao định nói đến cái tính chủ quan khinh địch của cha con ông Tôn Kiên? Trước có đoạn Tôn Kiên chết vì khinh suất (dẫn 30 kỵ binh truy kích tướng Kinh Châu), sau lại có đoạn Tôn Sách cũng bị gia khách Hứa Cống đâm gần chết vì khinh suất (một mình). Rồi sách ghi Tôn Sách dám dẫn có mười hai mạng mon men vào gần xem trại Lưu Do. Rồi Tôn Sách oánh nhau vật lộn với Thái Sử Từ như giang hồ cấp thấp đầu hẻm. Rồi mưu sĩ Quách Gia của Tào Tháo chê Tôn Sách là không đáng sợ, vì hay khinh thường mà không biết phòng bị, nóng tính mà ít mưu. Ấy là sức mạnh của kẻ thất phu, thế nào cũng chết về tay bọn tiểu nhân mà thôi”.
Trong miêu tả về Tôn Sách và Tôn Kiên, tác giả Tam Quốc viết rằng: Tôn Kiên giấu ngọc tỷ …(cái này khác gì chiếm dụng trái phép. Tội giấu Ngọc tỷ cứ như bây giờ thì Anh-Tẹc-Pôn nó truy nã giấy đỏ trên khắp toàn cầu ấy chứ). Có đoạn  viết: Tôn Sách khinh mạn thần tiên (!). Coi coi: những chi tiết động giời ấy cách đây 2000 năm thì ghê gớm lắm. Hành vi ấy nó báng bổ tâm linh lắm. Những điều đại kỵ như thế mà bố con nhà ông ấy cũng dám làm thì nó quả báo cho chết yểu thọ là không vô lý!
Nhưng Tôn Quyền thì mạng có vẻ lớn và Ngô Chủ này thận trọng, có trước, có sau. Không phải đơn giản mà Tào Tháo khen phát như đúng rồi:” Đẻ con phải như Trọng Mưu” Lưu Uyển, sứ giả nhà Hán kiêm thầy tướng số, khi gặp Quyền bèn nói với những người xung quanh rằng: Ta thấy anh em họ Tôn đều có tài khác thường, nhưng vắn số yểu mệnh, chỉ có Tôn Quyền có quý tướng, hình dung kỳ vĩ, khí chất mạnh mẽ, tuổi thọ ắt sẽ cao. Các người hãy ghi nhớ lời ta nói hôm nay để sau này nghiệm xem”.

Cái câu của chính Tôn Sách với mẹ (kế mẫu): “Tài em con gấp 10 lần con….”. xem ra chính xác.

 Kể cũng thấy lạ. Gien di truyền mãi sau này người đời mới tìm ra nhưng chính ông tác giả La Quán Trung đã khẳng định ngay từ 2000 năm trước rồi: cái tính khinh mạn, sơ suất của bố con ông Tôn Kiên có gien di truyền. Ông Mắt Biếc Tôn Quyền trong trận Hợp Phì,  tí nữa cũng bị Nhạc Tiến nó lẻn sang thịt, may mà có Tống Khiêm chết thay.

Những năm cuối đời, Tôn Quyền sinh ra đa nghi hiềm khích, đồng thời trong nội bộ nước Ngô cũng xảy ra tranh chấp trong ngôi vị thái tử. Ông này có 10 vợ chính thức và 7 người con trai.
 
Khặc! bài sau đương nhiên sẽ là ông Gia Cát Khổng Văn Minh rồi…
VietHoa (còn tiếp)

Tin mới hơn:
Tin trước đây:
Ông : Đăng Thọ Dũng
Emai: dangthodung@yahoo.com
Số TK  Ước Mơ Nhỏ - Đặng Thọ Dũng: 2009206008503
Tại: Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, Chợ Mới, Đà Nẵng 
                                                                                                                                                                                                

Sống là cho…
Triết học phương đông có câu: “Làm cho mình là làm cho cuộc sống, còn làm cho người là làm cho cuộc đời!”.
Với quan điểm nhân thiện, câu nói trên đã đi xuyên suốt lịch sử và làm nền tảng nhân ái của loài người. Đối với chúng tôi nó có một ý nghĩa cực kỳ sâu sắc...
  • Tin mới

  • Đọc nhiều nhất