Ước Mơ Nhỏ - Tất cả vì trẻ em nghèo

Tìm hiểu TG 5: Những Nhà Sư - Ngôi chùa Phật giáo Nguyên Thủy

  Có một ngôi chùa mái lá mà khi nhắc đến, nhiều vị sư thầy lớn tuổi hiện nay trong Phật Giáo Nam Tông không thể nào quên. Không quên bởi những kỷ niệm sâu sắc về tình người, tình bạn và những hoài bão tu hành. Ngôi chùa ấy chính là ngôi chùa Huyền Không nằm ở phía bắc Đèo Hải Vân thuộc huyện Phú Lộc tỉnh Thừa Thiên Huế. 
.
Ngôi chùa Huyền Không nguyên khởi này gắn liền với tên của vị Hòa Thượng Thích Viên Minh. Xin hãy nghe lời tự sự của Hòa Thượng Thích Viên Minh khi hồi tưởng lại:

“…Năm 1973 tôi với một vài sư đệ từ Phật Học Viện Phật Bảo, Gia Định, Sài-gòn (nay là Quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh) cùng nhau đi tìm một nơi núi rừng thanh vắng tại Lăng Cô, Thừa Thiên – Huế, lập một am tranh để tĩnh tu thiền quán, đó là chùa Huyền Không của một thời dĩ vãng.

 Ở đây, ngoài những giờ lao tác để sống tự túc, chúng tôi nghiền ngẫm kinh sách Phật giáo Nguyên Thủy, Phật giáo Phát Triển, tư tưởng một số tôn giáo khác và ít nhiều triết thuyết Đông Tây kim cổ mà chúng tôi thích nhất là Dịch lý, Lão Tử Đạo Đức Kinh và Phân Tâm Học của phương Tây hiện đại. Kiến thức từ học đường không đủ làm hành trang cho một đời sống tâm linh phong phú nên chúng tôi phải tự mày mò nghiên cứu học hỏi thêm từ kinh sách và từ chính cuộc sống đầy thăng trầm, đa diện này.

 Mỗi tối, sau giờ tụng niệm, chúng tôi ngồi lại ngay trước tượng Phật thân thương giản dị, dưới mái am tranh đơn sơ chất phác, cùng nhau uống trà, cùng nhau đàm đạo. Chúng tôi trao đổi nhau về pháp học, pháp hành và cả những kinh nghiệm sống thực của mình, có đôi lúc cũng tranh cãi hăng say trong tinh thần xây dựng để hiểu nhau sâu sắc hơn và thiết thực hơn. Nhờ vậy mà chúng tôi đã học hỏi được nhau rất nhiều và tình huynh đệ ngày mỗi đậm đà, thắm thiết.

Thỉnh thoảng những người Phật tử tại gia cũng đến thăm và tham gia những thời đàm đạo. Chủ yếu là chúng tôi thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, trao cho nhau những vốn liếng sống thực từ trải nghiệm tâm linh hơn là rao kinh giảng pháp.

Nhờ bức tranh sơn thủy hữu tình ở Lăng Cô, nhờ ngọn núi Hải Vân biển trời lồng lộng, nhờ mối đạo tình đầm ấm giữa huynh đệ tứ chúng mà chỉ  mấy năm thôi một ngôi chùa Huyền Không hoang sơ mộc mạc đã in đậm dấu ấn sâu xa trong lòng những người thân thương hâm mộ.

 Nhưng rồi chiến tranh đã nổ ra cực kỳ ác liệt, Huyền Không ở ngay giữa những lằn tên mũi đạn, đứng trong am có thể nhìn thấy hai bên đánh xáp lá cà ngay trên sườn núi đá bên chùa, đại bác pháo kích nhau nổ rền trời và những mãnh đạn đã vô tình xé nát những trang kinh trong Phật điện. Chúng tôi đã từng chứng kiến dòng thác những người chạy loạn từ Quảng Trị, Thừa Thiên ào ạt tản cư vào Quảng Nam Đà Nẵng. Đó là những ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh phân đôi đất nước.

 Đến năm 1978, vì đèo Hải Vân là vị trí chiến lược trước sự đe dọa đổ quân của Trung Quốc, nên chùa Huyền Không đã phải ra đi.

Từ đó chúng tôi chia tay mỗi người một nẻo, và cũng từ đó những lá thư thân thương đã trở thành nhịp cầu nối lại đạo tình Huyền Không muôn thuở.

Nhờ các đồng đạo tin tưởng, nên mỗi lần có gì khó khăn bức xúc họ đều biên thư về tâm sự và xin một vài lời khuyên nhủ, sách tấn. Nói là khuyên nhủ, thực ra, tôi chỉ muốn chia sẻ bài học khắc nghiệt từ cuộc đời mà những người đồng đạo thân thương đang giáp mặt. Khi lắng nghe họ bộc bạch tâm sự, khi cảm nhận những nỗi niềm băn khoăn chua xót với họ, thực ra tôi đã học được từ họ rất nhiều, nên chúng tôi chỉ cần chia sẻ, chỉ cần cảm thông với nhau để có đủ can đảm đối diện với sự thật hơn là lẩn trốn trong những lời an ủi, khuyên răn cao xa minh triết. Những lá thư mà chúng tôi gởi cho nhau chỉ mong làm nhẹ đi những bức bối lo âu trong khi đang phải gánh chịu những hiểm nguy, phiền lụy giữa cuộc đời…”

Còn đây là những lời gan ruột của Thượng tọa Giới Đức (tức tiến sĩ văn chương Minh Đức Triều Tâm Ảnh):”Huyền Không –ngôi chùa Tranh giữa đỉnh núi mây mù Hải Vân. Chùa như thực, như hư tựa như một bức tranh mà chàng họa sĩ thiên nhiên đang vẽ… Rồi từng tĩnh vật nhô lên, sắc nét như bước ra từ huyền hoặc, lung linh…Từng nhân vật, từng kỷ niệm đệ huynh thiết cốt không lời…

Thủa đó, chùa dựa lưng lên triền núi đá. Đá, đá, đá, đá to, đá nhỏ, đá chồng chất đá, triền đá, núi đá…phải xeo đá, bẩy đá, nẹo đá đập đá, bới đá để kiếm tìm đất. Đất hiếm như vàng. Thế rồi rẫy mính, rẫy sắn, rẫy khoai, rẫy chuối, vườn ớt, rau cải…xuất hiện như phép lạ.

Quý sư huynh đi trước khổ lắm. Và người khổ nhất là sư Viên Minh, sư Trí Thâm, thứ đến là sư Tịnh Pháp, sư Tấn Căn. Chư vị phải quần quật, lam lũ, tóe mồ hôi, sôi nước mắt, dập chân, sưng tay, da sạm đen màu đồng hun mới tạo dựng được cơ ngơi ban đầu…

Phải xeo đá, nạy đá lên khoảng chừng một mét khối vuông vức mới trông được một cây mít hay một cây chuối! Lấy được một sào đất trồng ớt có nghĩa là lấy đá ra, lượng đá phải chất quanh sào đất ấy, dày từ bảy tấc đến một thước và cao khoảng một mét hai đến một mét rưỡi! Thật không dễ chút nào! Phải đọc “ Milarepa, con người siêu việt” để nung nóng ý chí, cháy bùng sức lửa mới làm được việc ấy!

Anh em chúng tôi làm việc nhiều nhưng cái ăn thì rất thiếu thốn. Đa phần chúng tôi nuôi sống sinh mạng không phải là từ năng lượng của thực phẩm mà do nhờ năng lượng của ý chí, của tinh thần, của tình nghĩa đệ huynh, của đức tin bất thối!

Hôm nọ, trước bữa ăn, sư Viên Minh chợt tuyên bố:
- Bắt đầu từ nay, sư huynh sẽ thí nghiệm ăn sắn một tuần, mười ngày để coi xem cơ thể nó ra sao!
Nói thế xong, sư lựa ra phần sắn cho mình, còn cơm, sư sớt cho sư Tịnh Pháp, sư Trí Thâm. Sư Viên Minh muốn nhượng phần cơm của mình mà sư lại nói như vậy đó!”.

Bên trên, tôi trích những dòng tâm sự gan ruột của những nhà sư Phật giáo Nguyên Thủy của cái thủa ban đầu cùng nhau tu tập ở ngôi chùa Huyền Không nằm ở Phía  Bắc đèo Hải Vân thuộc Lăng Cô, Phú Lộc. Từ những đoạn trích, từ những hồi ức của các nhà sư Giới Đức, Tuệ Tâm…chắc ai cũng hình dung ra được một người anh Cả trong hàng ngũ họ: gương mẫu, vị tha, đầy tình cốt thiết; dù phải cách xa Huyền Không vất vả heo hút nhưng vẫn không quên những sư đệ của mình. Đó là nhà sư Viên Minh. Dù những năm vất vả, cơ cực và trầm luân ấy, nhà sư cũng chỉ chừng ngoài 30 tuổi…

Đúng như Sư Giới Đức đã nói:”…Anh em chúng tôi học dữ lắm. Môn khác thì tôi không nhớ, nhưng chữ Hán, mỗi ngày phải thuộc 80 chữ! Viết trên miếng giấy cứng nhỏ rồi đố nhau như đánh bài. Khi ăn, khi lao động nghỉ tay, khi uống nước, đêm, sáng... lúc nào cũng học và học. Đọc sách cũng khiếp. Đông Tây kim cổ…”.

Các nhà sư ở ngôi chùa lá trên đèo Hải Vân này không bao giờ quên được nghĩa tình và cả những ngày tháng trui rèn trong lao động và học tập. Họ quá vất vả? Đúng như vậy! trong cái giai đoạn chiến tranh rồi bao cấp sau hòa bình thì bất cứ ai cũng khó khăn vất vả. Một thực tế hiển nhiên ngày ấy về ăn, uống, mặc, ngủ và sinh hoạt rất thiếu thốn. Bây giờ người có tuổi kể lại, lớp trẻ nghe mà như nghe chuyện hoạt hình từ đâu xa lắc. Họ không tin rằng con người ta có thể khổ và cơ cực như thế. Nhưng đáng tiếc sự thể lại đúng là như thế…

Cho đến hôm nay, khi đặt bút soạn về những bài viết trong cái bút ký thật dài này tôi lại bắt đầu tiếc. Tiếc rằng: giá như một số nhà sư cứ duy trì và giữ gìn và tôn tạo được ngôi chùa Huyền Không ở Phú Lộc này nhỉ (tất nhiên, duy trì phải được sự đồng ý của Chính quyền –mà điều này là không tưởng). Bởi tiếc là: hiện tại, Hải Vân không còn heo hút và cô liêu như xưa nữa. Sự đầu tư và những nâng giấc của tầm cảnh quan cùng với lợi thế hùng quan lịch sử đã đưa nơi đây trở lại thời kỳ hưng thịnh nhất của cảm nhận thiên nhiên.

Tôi nói rằng: thời kỳ hưng thịnh nhất của cảm nhận là muốn nói đến cái thời đầu tiên Hải Vân trở thành phên cội của nước Việt.  Khi vua Chiêm Thành là Chế Mân cắt châu Ô, Rí làm sính lễ cầu hôn Huyền Trân công chúa vào năm 1306 thì đèo Hải Vân chính là ranh giới giữa Đại Việt và Chiêm Thành. Cửa ải này gọi là Hải Vân Quan, xây từ thời Trần. Vua Lê Thánh Tông phong tặng 6 chữ “THIÊN HẠ ĐỆ NHẤT HÙNG QUAN” khi ông dừng chân ở đây vào năm 1470.

 Rồi 100 năm sau, Hồ Quí Ly nhận nốt đất Chiêm Động và Cổ Lũy của vua Chiêm gửi để cầu hòa, Hải Vân thuộc hẳn nước Việt. Hải Vân trở thành ranh giới tự nhiên của hai xứ Thuận Hóa và Quảng Nam.

Thời Minh Mạng, vua cho khắc lên cổng đá trên đỉnh đèo. Hướng Bắc đề: “Hải Vân Quan”; hướng Nam đề “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”. Người Pháp sau này bổ sung thêm một lô cốt, còn gọi là đồn Nhất và con đường sắt quanh co qua đèo. Không ít lần, khi đứng trên đèo, tôi được nhìn thấy những con tàu Nam, Bắc uốn lượn mềm mại dưới nắng chiều long lanh tô vẽ cho con đèo tưởng là cô liêu này khoảng khắc sống động đến rộn ràng.

Đường đèo Hải Vân dài khoảng 20 km uốn lượn quanh co men theo triền núi, có lúc, con đường mềm như một dải lụa bạc vắt ngang giữa trời. Có khúc lên cao, chợt quay đầu nhìn lại thấy con đường uốn sóng như một sợi dây mây mịn màng viền lấy từng bó núi màu xanh. Một bên là biển. Biển xanh đến quặn lòng. Một bên là núi và mây. Núi sậm màu xám già và mây trắng bềnh son trẻ. Cái cảm tưởng núi và mây ở đây giống như người ta: một già, một trẻ - hai thế hệ quấn quýt nhau, tương hỗ nhau tạo nên cái hùng hoang không kém phần lãng mạn. Xa xa, những lọn sóng biển viền lên, viền lên thảm cát trắng phau tuyệt tịnh yên ả dưới những bóng dừa.

Cuộc đời phiêu dạt của người viết từng biết mấy chục lần qua Hải Vân. Mỗi lần qua đèo, sự cảm nhận có lúc giống xua, có lúc khác xưa. Nhưng trên này Mây, Núi, Gió và Nước cùng những triền xanh thì luôn sẵn. Lên Hải Vân, có lúc, mây che phủ cả đoạn đèo, như quấn quýt níu kéo. Đôi khi, tôi có cảm tưởng rằng mây và mù đang luồn vào từng ô cửa kính của chiếc xe đò, níu kéo từng bước chân người bộ hành lạc thảo. Có khi trời đang nắng đẹp phía núi bên này nhưng ngoặt một cái qua vài đoạn cua tay áo, bầu trời bỗng sầm lại và mây từ đâu như phù phép ùn ra từ vách núi, quền cuộn như thử thách sự bình tĩnh của khách du. Như một lẽ thường, lòng ta cảm nhận thêm chút khắc nghiệt thiên nhiên của đỉnh đời 500 m so với biển.

Núi, Mây, Gió Nước và Cây, Cỏ. Vẫn chỉ bấy nhiêu yếu tố nhưng Hải Vân quyến rũ tôi bằng những góc nhìn thật riêng. Dẫu vẫn là dây leo nhưng đúng mùa mua sẽ thấy điểm xuyết thật nhiều hoa trắng. Vẫn là biển và cát nhưng màu xanh của biển ở đây thăm thẳm tinh khôi. Màu xanh vượt hết tầm mắt của tôi rồi thắm rịm lại phía chân trời. Trong khi đó, cát thì thật trắng. Màu trắng của cát nơi đây thật khó so bì. Khó bởi những vật sóng biển kia bao nhiêu đời cứ cần mẫn vuốt rửa và vuốt rửa đến tinh khôi từng hạt, từng hạt làm lên cái khoảng dài nhiều cây số của Lập An và làng chài Lăng Cô. Nơi nhìn xuống có những căn nhà nhỏ nhắn với bóng dừa soi mình, xõa tóc. Xa xa sau đó lại vẫn là núi điệp trùng có đoạn mờ che cũng bởi những tàng mây trắng…

Không ít lần qua đèo Hải Vân, tôi xuống xe và tách mình ra khỏi những hành khách, những người bạn đường để nép vào một vách đá, để hít thở căng lồng ngực cái không gian quá đỗi riêng tư và không ít cảm xúc của một tâm trạng của người thám hiểm, của người chiếm lĩnh đỉnh cao; một chút bâng khuâng nghĩ về người Việt xưa đi mở cõi… dẫu rằng xa kia là biển, là những ghềnh đá và trước mặt chỉ là đôi ngọn cờ lau và vài sợi dây leo quấn quýt…

Nhưng thật lòng mà nói: có đứng thực tại trên đèo và thả hồn theo thiên nhiên thì mới thấy hết cái vẻ đẹp hoành tráng và ảo diệu của Hải Vân. Từng khoảng thiên nhiên của nơi đây từ từ sẽ  thấm nhập vào bạn. Bạn có thể lặng say ngây ngất. Nhưng bạn cũng có thể suýt xoa thán phục và phấn khích. Bột phát hơn nữa bạn có thể nhảy lên và hét lên (chả ai bảo bạn là điên rồ cả). Đã hơn một lần, tôi muốn nói thật to cho những ai chưa từng qua đây, nếu có dịp vào Nam hay ra Bắc hãy dừng lại trên đèo một lần để thưởng thức cái kỳ cảnh, hùng quan của khung trời ngoạn mục này trước khi đắm mình vào màu xanh ngọc của Huế hay hòa nhập vào cái không khí sôi động trẻ trung của Đà Thành.
 

Ban đầu, như rất nhiều người, tôi cũng hình dung rằng: Có lẽ chính vì nước và mây hùng vĩ và khung cảnh trời đất giao hòa trác tuyệt này mà các nhà sư đã đặt tên cho ngôi chùa của mình là chùa Huyền Không (?).

Bởi vì: hai chữ Huyền Không đến với tôi đã từ lâu lắm và tôi cứ đinh ninh rằng chữ ấy phát sinh từ Phương Bắc và truyền xuống Phương Nam qua bộ môn tử vi, tướng số.

  Huyền= Mầu đen sâu kín, huyền diệu ,mầu nhiệm.
Không = Trống không, thấy không có gì cả.

Tôi từng được cắt nghĩa rằng: Huyền không là Không gian vũ trụ, không nhìn thấy gì nhưng vô cùng huyền diệu. Đây là môn học nghiên cứu về những ảnh hưởng của các vì sao, những tinh tú trong vũ trụ tác động đến sự sống trên địa cầu, gọi chung đó là Thiên khí. Con người đã đúc rút ra được những quy luật vận hành cũng như ảnh hưởng của bầu không gian vũ trụ bao la đối với sự sống trên trái đất. Các di chuyển của mặt trăng, mặt trời và các ngôi sao trong thiên hà
Huyền không địa lý là môn khoa học dựa vào sự di chuyển của 9 ngôi sao (cửu tinh) theo quỹ đạo của vòng Lượng thiên Xích trên đồ hình Lạc thư mà đoán định sự thịnh, suy, được, mất của từng căn nhà (dương trạch) hay phần mộ (âm trạch).

Nhưng…đối với các nhà sư thuộc hệ phái Nam Tông – nhất là những người mang trong lòng hoài bão Hoằng pháp có chủ đích trong nỗi niềm: Tu cũng là giải thoát! Thì luận về cái tên Huyền Không bằng bấy nhiêu là không chính xác. (Vài năm trước, tôi mới thấu triệt điều đó)

Chỉ đến khi đọc những dòng THƯ THẦY của hòa thượng Viên Minh – người đã tìm đất và sáng lập ra ngôi chùa Huyền Không trên đèo Hải Vân năm xưa, người viết bài này mới thấu hiểu cái ý nghĩa sâu xa, cái tình cảm thai nghén của các vị đồng sáng lập ngôi chùa. Theo sư Viên Minh thì:

Huyền là hòa đồng. Là trọn vẹn với chính mình, với sự sống, với công việc, với tất cả các pháp. Khi con đi trọn vẹn với đi là huyền, khi con ăn trọn vẹn với ăn là huyền, khi con ngủ trọn vẹn với ngủ là huyền, khi con nói năng, hành động, suy nghĩ đều trọn vẹn với mình là huyền. Nói cho kêu là thể nhập vạn pháp.

Còn Không là gì? Là đạm nhiên, trong sáng, là rỗng rang thanh tịnh, là an ổn giải thoát, không nắm bắt cũng không từ bỏ một điều gì cả.

Tóm lại Huyền Không là hòa đồng với tất cả mà không có vấn đề gì cả và không có vấn đề gì mà vẫn hòa đồng với tất cả.

Tuy nói vậy nhưng khi con đã lãnh hội và sống được tinh thần huyền không thì con muốn nói sao cũng được, cái gì lại chẳng huyền, cái gì lại chẳng không, huyền không vô lượng nghĩa mà.

Và tuy nói vô lượng nghĩa con đừng cố tìm vô lượng định nghĩa bằng danh bằng cú. Vô lượng là ý Thầy nói có bao nhiêu pháp là có bấy nhiêu nghĩa huyền không vậy thôi.

Khi đặt tên Huyền Không thầy có ngụ ý rằng sống thuận Pháp (Dhammà patipanno viharati) là sống hoà đồng với tất cả (Huyền) mà không là gì cả (Không) nên không trụ vào bất cứ pháp nào ở đời

Cũng vẫn còn hơi trừu tượng. Nhưng đến khi đọc bài thơ của Hòa Thượng viết nhớ về ngôi chùa lá của mình thì hai chữ Huyền Không đã bật lên tư tưởng và tình cảm sâu nặng của ông:

1. Huyền Không Huyền Không
Gọi tên lần đầu
Chùa tranh nho nhỏ
Ðồi mây cỏ hoang

2. Huyền Không Huyền Không
Giọt máu tim ta
Yêu từng hơi thở
Ngày qua ngày qua.

3. Huyền Không Huyền Không
Giòng suối trong xanh
Chờ trăng qua ngõ
Giọt nắng long lanh

4. Huyền Không Huyền Không
Trời nước mênh mông
Yêu đàn chim nhỏ
Ngủ yên ngủ yên

8. Huyền Không Huyền Không
Ðừng nhớ tên nhau
Cho tình yêu mãi
Ngàn sau ngàn sau

9. Huyền Không Huyền Không
Gọi lần cuối cùng
Vang từ vô thỉ
Vọng đến vô chung.

Người viết vẫn cứ muốn liên tưởng rằng:  Chín khổ thơ trên tưởng hiền lành như suối reo, chim hót, thảm rêu phong và bướm lượn cùng hoa cỏ, nhưng vẫn thấy lúc lòng tác giả như cuộn lên, lúc như khắc khoải và những khổ thơ cuối thì như một nỗi nhớ da diết với người thân yêu lúc nào cũng choán đầy tâm trí…

Người viết vẫn cứ muốn liên tưởng rằng: 9 khổ thơ như ứng với Cửu tinh, của 9 con số theo quỹ đạo của vòng Lượng thiên Xích… Quĩ đạo có thể đo lường mọi chuyện trong, ngoài; thấy rõ cả sự sống chết và được mất… chứ không chỉ đơn giản như vị Hòa Thượng cắt nghĩa rằng: Khi đặt tên Huyền Không thầy có ngụ ý rằng sống thuận Pháp (Dhammà patipanno viharati) là sống hoà đồng với tất cả (Huyền) mà không là gì cả (Không) nên không trụ vào bất cứ pháp nào ở đời.

Người viết liên tưởng bởi vì rằng: từ ngôi chùa lá Huyền Không này ấp ủ bao nhiêu hoài bão cho sự Hoằng Pháp của tương lai. Những nhà sư trẻ đầy sức sống và với tinh thần tu học và lao động quyết liệt nhất. Từ Kinh, Sử, Pháp cú, Pháp số, Pali, Anh ngữ, Hán học, Triết học…(@ Thích Tuệ Tâm). Các nhà sư xuất gia có nhiều lý do nhưng hơn bao giờ hết, họ vẫn đau đáu nỗi lo cho người đời, cho chúng sinh, cho đồng loại. Những tiếp xúc với các bậc Trưởng lão, trò chuyện với các vị Đại Đức, Sadi, tôi còn cảm thấy ở đây có ưu tư, có giằng xé, có hoài bão và có niềm tin mãnh liệt, có chung chia niềm đau sự sống để đồng cảm. Thật cảm động và hào hùng hơn nữa: đó còn là những dự báo của những người Thầy đem lửa thắp sáng cho cõi tạm mấy chục năm sau.

Tôi liên tưởng và có phần đoán định như thế bởi sau khi đã đọc hết gần 10 tập thơ và tập văn của tiến sĩ văn chương Minh Đức Triều Tâm Ảnh; biết bao câu thơ của lòng trăn trở chẳng yên THIỀN (@viethoa). Chắc chắn tôi sẽ đọc lại thơ ông nhiều lần nữa để đủ nhận ngộ và tới một ngày nào đó xin có bài bình về thơ của vị cao tăng này. 
Tôi nhận định như thế và sau khi chứng kiến một nhà sư xuống núi làm Giám đốc một TRUNG TÂM KẾ THỪA-ỨNG DỤNG YHDT Tuệ Tĩnh Đường Liên Hoa chữa bệnh miễn phí cứu người mà trước đó, khi nguyện theo nghề, ông đã lấy chính bản thân mình để thử nghiệm thêm về những bài thuốc và những vị sư huynh đệ của mình làm thí nghiệm châm cứu, bấm huyệt.
Tôi nhận định như thế vì sau những năm tháng giao lưu với ngôi chùa Huyền Không Sơn Trung ở Hương Hồ – là ngôi chùa nhưng cũng chính là trường học dạy văn hóa, tiếng Anh…với ước mong tay dắt dìu đàn em nhỏ đưa chúng tới trường chứ không chỉ là khất thực ba y một bát nguyện cầu cho chúng sinh; Và, người hiệu trưởng ngôi trường 600 học sinh ấy chính là một vị Thượng Tọa trong lúc này cũng đang đi học nâng cao hàm Thạc sĩ. 
Rồi xa hơn nữa: một tư tưởng chấn hưng Phật giáo Nguyên Thủy, tạo dựng một kiến trúc đặc thù, hoành tráng cho Phật tử Phía Nam. Nếu ai đã một lần đến với ngôi chùa Bửu Long – nơi mà phật tử trang trọng gọi là Tổ đình Phật Giáo Nguyên Thủy, sẽ thấy những kiến trúc, bài trí, ý tưởng…tại nơi đây mang đặc thù của những ngôi chùa Nguyên Thủy ý nghĩa Việt (kiến trúc theo nền văn hóa Phù Nam) mà in đậm nỗ lực, tâm nguyện của Hòa Thượng Viên Minh.
 
Tất cả những ý tưởng đó, hoài bão đó đều nhen nhóm trong lòng các nhà sư trẻ tại ngôi chùa lá Huyền Không này từ những năm Bảy Mươi.
 
Lịch sử của một ngôi chùa lá tên gọi Huyền Không có tuổi thọ không dài, ứng với những mốc kỷ niệm của các nhà sư tưởng rằng không có gì đáng nói. (1973, chùa được tạo lập, có sư Viên Minh sư Trí Thâm, Sự Tịnh Pháp, Sư Tấn Căn..; năm 1974 có sư Giới Đức, năm 1976 có sư Tuệ Tâm…năm 1978, sau 5 năm tồn tại, chùa dời về Nham Biều, Hương Hồ, Thừa Thiên Huế). Thế nhưng, nếu gọi Huyền Không chùa lá là cái Nôi nuôi dưỡng những tư tưởng Hoằng Pháp hiện đại của những nhà sư Phật Giáo Nam Tông sau này hoàn toàn không sai.

Tại sao tôi họi là “Hoằng Pháp hiện đại” xin mọi người đọc tiếp ở bài sau.

Cũng chính từ ngôi chùa Huyền Không mái lá này, những nhà sư đã và đang làm lên 3 ngôi chùa đặc thù Nam Tông nổi tiếng mang tên gọi Huyền Không Sơn Trung, Huyền Không Sơn Thượng và Huyền Không Sơn Hạ với những chương trình “Hoằng Pháp” đem đến cho bà con dân chúng những lợi ích mà tôi sẽ viết kỹ hơn ở các bài sau.

VietHoa, còn tiếp (do bài dài nên không gửi kèm hình ảnh)


Tin mới hơn:
Tin trước đây:
Ông : Đăng Thọ Dũng
Emai: dangthodung@yahoo.com
Số TK  Ước Mơ Nhỏ - Đặng Thọ Dũng: 2009206008503
Tại: Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, Chợ Mới, Đà Nẵng 
                                                                                                                                                                                                

Sống là cho…
Triết học phương đông có câu: “Làm cho mình là làm cho cuộc sống, còn làm cho người là làm cho cuộc đời!”.
Với quan điểm nhân thiện, câu nói trên đã đi xuyên suốt lịch sử và làm nền tảng nhân ái của loài người. Đối với chúng tôi nó có một ý nghĩa cực kỳ sâu sắc...
  • Tin mới

  • Đọc nhiều nhất